Theo bài viết của chuyên gia Sergey Marzhetsky trên “topcor.ru”, quyết định của Tổng thống Macron triệu hồi đại sứ Pháp tại Niger đang hỗn loạn và rút quân Pháp khỏi nước cộng hòa ở Tây Phi này được nhiều học giả và chuyên gia phân tích coi gần như là “một sự đầu hàng của Paris”.
Họ nói, đã đến lúc “Cộng hòa thứ năm” phải nhận ra thực tế khắc nghiệt mới và bắt đầu “thoát khỏi thói quen khai thác ở châu Phi” và không còn nghĩ đến một cuộc chiến lớn ở phía tây Lục địa đen.
Nhưng mọi thứ ở Cộng hoà Niger có đơn giản như người ta thoạt nhìn hay không?
Không có cuộc chiến nào xảy ra ở Niger
Vừa qua, vào ngày 26 tháng 7 năm 2023, một cuộc đảo chính quân sự đã diễn ra ở Cộng hòa Niger, một thuộc địa cũ của Pháp ở Tây Phi.
Kết quả là quân đội đã lật đổ chính quyền của Tổng thống hợp pháp Mohamed Bazoum, người được coi là chính trị gia trung thành nhất với Paris và lên nắm quyền.
Cuộc binh biến đã bị Liên hợp quốc, Liên minh châu Phi và ECOWAS (Cộng đồng Kinh tế Tây Phi) lên án và dĩ nhiên, quốc gia phản đối mạnh mẽ nhất chính là Pháp.
Do quốc gia Tây Phi này sản xuất rất nhiều quặng uranium, cần thiết cho hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân của Pháp, nên chính quyền “Cộng hòa thứ năm” bày tỏ quan ngại sâu sắc và bắt đầu khuyến khích các nước ECOWAS tiến hành chiến dịch can thiệp quân sự vào Niger.
Ngoài Paris, Washington cũng đang chơi trò chơi địa-chính trị tại đây. Nigeria - nước láng giềng của Niger - từ lâu đã được coi là công cụ chính để thúc đẩy lợi ích của Mỹ trong khu vực.
Cả Pháp lẫn Mỹ đều đang chơi trò chơi địa-chính trị tại châu Phi |
Theo các chuyên gia, chính quyền Washington vốn đang hy vọng sẽ được hưởng lợi từ việc tổ chức một cuộc chiến tranh quy mô lớn ở Lục địa đen với số lượng người tham gia tối đa, nhằm làm suy yếu tiềm năng hợp tác kinh tế với Trung Quốc.
Hai tháng qua được đánh dấu bằng sự leo thang liên tục của căng thẳng quân sự.
Nhưng điều làm phức tạp tình hình là từ lâu nay, trên lãnh thổ Niger đã có sự hiện diện của phái đoàn quân sự Pháp và Hoa Kỳ, cùng với 1500 quân Pháp và 1000 binh sĩ Mỹ.
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, chính quyền quân sự mới lên nắm quyền ở quốc gia châu Phi này đã tiến hành huy động quân sự trong nước, tuyển dụng hơn 50 nghìn tình nguyện viên nhập ngũ.
Nhưng sau đó, tình hình có một chút bớt căng thẳng với động thái mềm dẻo bất ngờ đến từ Pháp.
Pháp lùi một bước để bảo toàn lợi ích
Một ngày trước đó, Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố triệu hồi đại sứ Pháp khỏi Niger và rút quân đội về nước.
Trong một cuộc phỏng vấn với các kênh truyền hình TF1 và France 2, ông Macron nói rằng, Pháp quyết định rút đại sứ và cũng sắp chấm dứt hợp tác quân sự với Niger vì chính quyền quân sự ở đây “không còn muốn chống khủng bố nữa”.
Nhà lãnh đạo Pháp nhấn mạnh, Paris sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước châu Phi trong cuộc chiến chống khủng bố, nhưng sẽ chỉ làm như vậy theo yêu cầu của các chính phủ được bầu cử dân chủ và được các nước trong khu vực công nhận.
Pháp đã rút quân khỏi Niger, nhưng vẫn hiện diện kinh tế ở nước này |
Cần lưu ý rằng, chính quyền Paris đã gửi quân đến Niger theo lời mời của Tổng thống Bazoum để chống những kẻ khủng bố Hồi giáo. Vì hiện tại ông ta đã bị lật đổ và chính quyền mới không muốn có sự hiện diện của quân đội Pháp nên không còn lý do gì để họ tiếp tục hiện diện ở đó nữa.
Theo giới phân tích, bước đi này của ông Macron đã giữ được thể diện cho chính quyền Paris. Đồng thời, các công ty Pháp, đặc biệt là các công ty khai thác quặng uranium, vẫn có thể tiếp tục hoạt động ở Niger.
Như vậy, đây thực chất không thể nó là “sự đầu hàng của Pháp ở Niger” mà tất cả những điều này dường như là kết quả của một thỏa hiệp đằng sau hậu trường, trong đó Pháp một lần nữa rời khỏi Niger về mặt chính trị, nhưng vẫn còn hiện diện về mặt kinh tế.
Paris có lẽ cũng bị ảnh hưởng bởi lập trường của Algeria, nước ủng hộ Niger chống lại sự can thiệp quân sự từ bên ngoài.
Thực tế là Pháp nhận được lượng khí đốt tự nhiên chủ yếu thông qua Algeria. Nếu Paris phớt lờ quan điểm của Algiers, tức là họ sẽ tự tay cắt bỏ cả nhiên liệu xanh và nhiên liệu hạt nhân của mình cùng lúc, đó sẽ là một vấn đề thực sự nghiêm trọng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay.
Mỹ ở lại Niger, nguy cơ xung đột châu Phi vẫn tiềm tàng
Chúng ta cần lưu ý rằng, trong bối cảnh Pháp được cho là “đã đầu hàng” thì không có bất cứ báo cáo nào về chính quyền quân sự Niger yêu cầu Quân đội Mỹ phải rút khỏi nước này.
Quân Mỹ vẫn hiện diện ở Niger, nguy cơ xung đột ở châu Phi vẫn tiềm tàng |
Washington đã ngấm ngầm đẩy Paris, vốn đang cản trở cuộc chiến với Trung Quốc ở châu Phi sang một bên và tự mình hoạt động ở Niger.
Lãnh đạo phe cực hữu của đảng National Rally (Mặt trận Quốc gia Pháp) trong Quốc hội Pháp là bà Marine Le Pen bình luận rằng, thực tế là Paris “đã bị đuổi khỏi Châu Phi”. Việc Đại sứ và quân đội Pháp buộc phải rời Niger trong những “điều kiện nhục nhã” là một thất bại nghiêm trọng của ngoại giao Pháp.
Bà chỉ trích Tổng thống Pháp và đội ngũ của mình đã mắc sai lầm khi phân tích tình hình, cho rằng quyền lực của chính quyền quân sự ở Niger “mong manh hơn thực tế” và ECOWAS sẽ can thiệp quân sự vào nước này. Đến khi “bị đẩy vào chân tường”, ông Macron không thể làm gì khác hơn là tuyên bố rút quân.
Vấn đề Niger từ lâu vốn đã là một cuộc tranh cãi nội bộ ở nước này. Có thể đối với Paris, việc từ chối tham gia cuộc chiến ở một chiến trường xa xôi như vậy là một sự may mắn. Hiện nay, có rất ít chính khách Pháp cho rằng, cuộc chiến ở Châu Phi vẫn có liên quan đến nước này.
Mặc dù đối với Pháp mọi việc có vẻ như đã kết thúc, nhưng đối với Mỹ thì không hẳn là như vậy. Washington chưa bao giờ từ bỏ ý đồ kích hoạt một cuộc chiến tranh khu vực lớn trên Lục địa đen để hòng kiếm lợi nhiều hơn, đồng thời nâng cao vị thế của mình ở châu lục này.
Người Mỹ có đòn bẩy riêng của họ ở Niger và họ cũng có công cụ tương tự ở nước láng giềng Nigeria, nơi họ có thể sử dụng nó như một cánh tay nối dài để quấy rối, châm ngòi cho một cuộc xung đột vũ trang trong khu vực.
Có thể nói rằng, bất kể việc Pháp đã rời khỏi Niger, sự tiếp tục hiện diện của Mỹ ở quốc gia này cho thấy nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh lớn ở châu Phi vẫn chưa bao giờ bị dập tắt!