Trong tháng qua, đã có một số biến chuyển tình hình diễn ra trong khuôn khổ Chiến dịch Quân sự Đặc biệt của Nga ở Ukraine, đặc biệt là trong các vụ tấn công bằng máy bay không người lái kamikaze vào các phương tiện chiến đấu mặt đất và cơ sở hậu cần của Lực lượng Vũ trang Ukraine.
Theo đó, đã xuất hiện nhiều video về các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái Nga nhằm vào các sân bay, xe lửa, nhà kho và các thiết bị khác nhau của Lực lượng Vũ trang Ukraine, nằm cách chiến tuyến hàng chục km, tức là trong phạm vi các hệ thống phòng không tuyến sau, chứ không đơn thuần là các tổ hợp phòng không lục quân ở tiền tuyến.
Đồng thời, phần lớn các khung hình video đều có một đặc điểm chung, hay nói đúng hơn là một khía cạnh quan trọng mà thời gian gần đây các chuyên gia quân sự đã lưu ý đến và muốn phân tích kỹ hơn.
Cần lưu ý rằng, cùng với các bản ghi âm từ chính các UAV kamikaze của Lực lượng Vũ trang Nga (trước khi thực hiện các cuộc tấn công), còn có các video minh chứng được quay từ các máy bay không người lái trinh sát (với chức năng quan sát viên) ở phía trên hiện trường sự kiện.
Những UAV trinh sát đã ghi lại trọn vẹn những gì đang xảy ra, tức là tham gia vào việc kiểm soát khách quan, xác nhận tính hiệu quả của nhiệm vụ của các UAV kamikaze Nga.
Trong các video này có đặc điểm dễ nhận thấy là hầu như không có sự phản kháng nào từ các hệ thống phòng không của Lực lượng Vũ trang Ukraine; thậm chí là ngay cả các khẩu súng máy cũng không thấy bắn phát đạn nào, chứ không nói đến các vụ phóng tên lửa từ hệ thống phòng không.
Nga đã phá hủy hầu hết các tổ hợp phòng không của Ukraine |
Chính đặc điểm này nói lên nhiều điều về tình hình thực tế của lực lượng phòng không Ukraine, đó là họ đã lâm vào tình trạng quá tải kéo dài, đang trên đà suy sụp, hầu như đã cạn kiệt đạn dược và chỉ giữ được một phần hiệu quả chiến đấu, nên không còn khả năng kháng cự trước đòn đánh của Nga.
Trong khi kho tên lửa cũ của Liên Xô đã cạn sạch, các bệ phóng của Lực lượng Vũ trang Ukraine đang dần được chuyển sang tên lửa phòng không dẫn đường từ các nước phương Tây, với số lượng ít ỏi, không đủ bù đắp lượng vũ khí, đạn được đã tiêu hao.
Hơn nữa, các tổ hợp phòng không phương Tây chỉ có một số ít là tương đối hiện đại, phần lớn đã lỗi thời và gồm nhiều chủng loại khác nhau khiến chúng không thể phối hợp một cách hiệu quả.
Do nhiều lí do cả khách quan và chủ quan, các nước phương Tây không thể chuyển một số lượng lớn hệ thống phòng không và đạn dược hiện đại sang Ukraine nhằm “bịt các lỗ hổng” trên không phận, mà chỉ hỗ trợ Kiev ở mức tối thiểu, đủ để bảo vệ một vài mục tiêu quan trọng ở thủ đô và làm chậm đà để nó không biến thành thảm họa.
Trong thời gian gần đây, các quan chức Quân đội Ukraine hy vọng sẽ được cứu bởi 160 máy bay chiến đấu phương Tây, chủ yếu là F-16 và có thể là cả Jas-39 Gripen, Mirage-2000… Số máy bay này sẽ giúp họ giành lại quyền kiểm soát không phận, không để máy bay và UAV Nga hoạt động tự do như thời điểm hiện nay.
Tổng thống Vladimir Zelensky đã tuyên bố rằng các nước phương Tây đã đồng ý cung cấp trước mắt là 60 chiếc, nhằm giúp Kiev nhanh chóng giành lại các vùng lãnh thổ đã mất vào tay Nga hoặc chí ít là đạt được bước tiến mới trên chiến trường để tạo ưu thế trên bàn đàm phán với Moscow.