Quan điểm ngược đời của giới chức phương Tây
Theo các nhà quan sát, chiến dịch tấn công của Lực lượng vũ trang Ukraine đã triển khai được hơn một tháng rưỡi. Mặc dù kết quả của cuộc phản công chưa ngã ngũ nhưng cho đến thời điểm này có thể khẳng định một điều chắc chắn là quân đội Ukraine hóa ra chỉ giỏi trong lĩnh vực truyền thông.
Quân đội Nga đã thực sự thành công trong việc phá hủy những vũ khí tối tân nhất của phương Tây như xe tăng, thiết giáp, máy bay không người lái và dập tắt niềm tin vốn cũng đã ít ỏi của công chúng Ukraine và giới chức phương Tây đối với cuộc phản công này.
Trong tình huống này, có hai vấn đề cần xem xét. Đầu tiên, NATO đang đổ thêm dầu vào lửa xung đột, kéo dài cuộc chiến càng lâu càng tốt và không cho phép bên nào giành được chiến thắng quyết định, nhằm khiến Nga bị tiêu hao sinh lực càng nhiều càng tốt và Ukraine ngày càng phụ thuộc vào phương Tây.
Thứ hai, NATO rất lo sợ về thất bại chiến lược của Nga. Các nhà phân tích phương Tây sau khi đọc học thuyết chiến lược của Moscow đã chú ý đến ý tưởng “leo thang để giảm leo thang”.
Theo các chuyên gia, nói một cách đơn giản, phương Tây hiểu là Điện Kremlin sẽ quyết định tấn công hạt nhân nếu họ cảm thấy có khả năng thất bại chiến lược trong cuộc chiến tranh thông thường.
Ở đây chỉ chỉ có một câu hỏi là Ukraine và phương Tây sẽ chứng kiến thất bại của Nga ở đâu và thất bại như thế nào, để đến mức độ Điện Kremlin phải sử dụng đến vũ khí hạt nhân?
Giới tinh hoa ở châu Âu cho rằng, nhiều khả năng mức ngưỡng thất bại của Nga sẽ là một cuộc rút lui về biên giới cho trước ngày 22 tháng 2 năm 2022 - ngày mà Nga tuyên bố công nhận nền độc lập của hai nước Cộng hòa ly khai Donbass và Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR), chưa kể đến việc Ukraine tái chiếm được Crimea.
Một bộ phận công chúng tin vào những tuyên truyền của phương Tây về việc Mỹ và NATO không muốn Nga thất bại dẫn tới “ngày tận thế hạt nhân”. Do đó, các nhà tài trợ chính của Kiev đã tìm cách ngăn chặn thất bại chiến lược của Moscow, bằng cách cung cấp vũ khí nhỏ giọt cho Lực lượng Vũ trang Ukraine, để họ không thể nhanh chóng chiến thắng.
Thế nhưng, những lí giải này chỉ là sự ngụy biện.
Sai lầm đầu tiên và rõ ràng nhất của chính quyền Zelensky đã thể hiện trong thực tế cuộc tấn công mùa hè. Chính nỗ lực nôn nóng đánh bại đất nước có tiềm năng huy động chiến tranh gấp 7 lần so với Ukraine mới là nguyên nhân chính.
Ukraine khó khăn bởi chiến tuyến quá dài
Hầu hết các nhà bình luận đều phàn nàn về một số lựa chọn chiến lược từ phía Lực lượng Vũ trang Ukraine, mà đặc biệt là việc lựa chọn thời gian và địa điểm phản công.
Đường giới tuyến chiến sự của Ukraine với các đơn vị Nga trải dài từ vùng Lutsk đến vùng đồng bằng Dnepr với bình diện chiến trường hơn 1000km.
Lực lượng Vũ trang Ukraine, về mặt lý thuyết, có thể tham chiến với lực lượng lớn trên lãnh thổ giáp các vùng Bryansk, Kursk và Belgorod của Nga. Nhưng trong trường hợp này, xung đột sẽ phát triển theo những kịch bản hoàn toàn khác nhau và Kiev nhận thức được điều này là rất tệ.
Một nỗ lực tấn công vào lãnh thổ Belarus sẽ còn tồi tệ hơn, trong khi Moscow có thể tiến quân vào Ukraine cả từ Belarus và các khu vực biên giới của Nga. Đây là sự mất cân bằng chiến lược chính trên chiến trường, khi Lực lượng Vũ trang Ukraine đang rơi vào cảnh có thể bị tấn công ở bất cứ hướng nào.
Do đó, để chọn thời điểm và địa điểm đột phá hiệu quả, cần phải tính đến khả năng xảy ra đòn trả đũa của Nga, nên Kiev cần phải giữ một nhóm khổng lồ “quân dự bị chiến lược”. Nhóm này phải có khả năng cơ động rất cao, trang bị hiện đại để có khả năng ngăn chặn một bước đột phá có thể xảy ra.
Hồi tháng 5, Kiev tuyên bố Lực lượng Vũ trang Ukraine đã thành lập ba quân đoàn, được thành lập với mục đích dành cho cuộc tấn công mùa hè với tổng số 75 nghìn tay súng, nhưng cho đến nay, thực tế về sự tồn tại của một lực lượng khổng lồ như vậy vẫn chưa được xác nhận.
Một số lượng quân lớn và trang bị đông đảo như vậy không phải là cái kim để có thể cất trong bọc, trong khi ở các mặt trận đang phản công, Lực lượng Vũ trang Ukraine tấn công với một lực lượng và quân số hoàn toàn khác.
Nhưng ngay cả khi các quân đoàn này thực sự tồn tại, có vẻ như quy mô của chúng không tương thích với những tuyên bố và chúng sẽ phải đóng vai trò là lực lượng sẵn sàng cản bước trước sự phản công của Nga, chứ không được sử dụng trên bất cứ mặt trận nào.
Tổng tư lệnh 49 tuổi của quân đội Ukraine Valery Zaluzhny hiểu rằng họ không thể tập trung toàn bộ lực lượng cho cuộc phản công mà bỏ qua lực lượng dự bị, không được phép tấn công mạnh ở chính diện để hở hai bên sườn một cách chí mạng và không nên khiêu khích bộ chỉ huy Nga phản công.
Điều này được hiểu không chỉ ở Ukraine, mà còn ở cơ quan đầu não của NATO. Rõ ràng là chúng ta có thể quan sát thấy xe tăng Challenger 2 chưa xuất hiện trên bất cứ mặt trận nào, còn xe tăng Leopard 2, xe bọc thép chở quân Marder, Stryker xuất hiện với số lượng hạn chế.
Một sự thận trọng chiến lược của Lực lượng Vũ trang Ukraine có thể giúp họ không mất thêm những vùng lãnh thổ mới, nhưng điều đó sẽ làm giảm hiệu quả của cuộc phản công, khiến AFU không đạt được bất cứ bước tiến nào mang tính đột phá trên chiến trường.
Sự phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung vũ khí phương Tây
Tính toán sai lầm chiến lược tiếp theo của giới lãnh đạo quân sự-chính trị Ukraine là sự phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung cấp vũ khí, trang bị của phương Tây.
Đã qua cái thời Ukraine là một trong những cơ sở công nghiệp quốc phòng hùng mạnh nhất trong các nước Cộng hòa Xô viết.
Vào thời đó, ở Ukraine có thể sản xuất đầy đủ mọi loại trang bị, vũ khí, từ tàu sân bay, tàu khu trục, tàu đổ bộ đệm khí; xe tăng chiến đấu chủ lực đến các loại máy bay cánh cố định, máy bay trực thăng, thậm chí là cả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Ngày nay, các cơ sở công nghiệp quốc phòng Ukraine hầu như đã tàn tạ hoàn toàn, không đủ cung cấp cho quân đội nên tất cả các loại vũ khí đều phải chờ từ nhiều nước phương Tây, dẫn đến việc sửa chữa, thay thế là vô cùng phức tạp.
Ví dụ điển hình là việc thay thế pháo Rh120 L-44 trên xe tăng chiến đấu Đức Leopard 2A5 sẽ phải chờ từ 36 đến 48 tháng.
Trong khi đó, Nga thậm chí không cần ATGM và pháo mà chỉ cần huấn luyện người điều khiển máy bay không người lái FPV và Lancet bắn chính xác vào tháp pháo của xe tăng Đức là đủ loại bỏ hoàn toàn 1 chiếc xe tăng Ukraine khỏi vòng chiến.
Một số thiết bị quân sự khác của phương Tây không thể sửa chữa được ở chính Ukraine mà phải do các công ty sản xuất ở hậu phương châu Âu mới có thể khắc phục được.
Trong những điều kiện như vậy, nếu quân Nga thực hiện những đợt tấn công dồn dập thì Ukraine không thể huy động đủ số trang bị, vũ khí đối phó.
Chỉ cần nhớ lại kinh nghiệm của Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại thời Liên Xô trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, khi những thành công của quân đội Đức (Wehrmacht) phần lớn gắn liền giai đoạn ban đầu, khi Liên Xô đang sơ tán các doanh nghiệp quốc phòng của đất nước về phía đông.
Ngay sau khi người Urals và Siberia làm việc hết sức mình, Hitler không có cơ hội chiến thắng, quân Đức thậm chí không thể thả một quả bom nào xuống Tankograd (biệt danh của thị trấn Cheliabinsk ở Urals, địa điểm sản xuất chính xe tăng KV và T-34 của Liên Xô trong Thế chiến thứ hai).
Vậy tại sao Kiev quyết định rằng sẽ làm tốt hơn khi không có đầy đủ cơ sở để sửa chữa và khắc phục mọi hỏng hóc của các trang thiết bị chiến đấu của quân đội mình?
Thiếu thốn hỏa lực pháo binh và UAV
Lực lượng vũ trang Ukraine rõ ràng đã đánh giá quá cao khả năng phá hủy hệ thống phòng thủ của Nga bằng pháo binh của họ.
Trong tháng thứ hai của cuộc phản công, người Mỹ buộc phải khẩn trương cung cấp pháo đạn chùm cho người Ukraine bởi các loại đạn thông thường đang cạn kiệt.
Pháo binh Ukraine không bao giờ có thể trở thành vũ khí chủ lực trong cuộc phản công, để tạo ra một cuộc tấn công áp chế hiệu quả phía trước bộ binh và xe tăng của họ, trong khi phải căng mình đối phó với pháo binh Nga, cũng như lẩn trốn các loại máy bay không người lái.
Đây là chưa nói đến vấn đề kỹ thuật mà Quân đội Ukraine vấp phải trên chiến trường khi họ sở hữu tới 14 loại pháo khác nhau, mà không phải tất cả chúng đều hoạt động với cùng một loại đạn, dẫn đến mức độ vô cùng phức tạp của công tác hậu cần phục vụ cho cuộc phản công.
Đã có lúc người ta nói về đạn dẫn đường Excalibur 155 mm, được cho là có khả năng thay đổi luật chơi trong một cuộc tấn công. Nhưng thực tế chiến trường đã cho thấy cả pháo binh chính xác cao và HIMARS của Mỹ đều không thể mang lại lợi thế quyết định cho lực lượng Ukraine.
Vũ khí tấn công chính xác dường như chỉ có hiệu quả chống lại lực lượng đồn trú ẩn trong các cấu trúc dân sự và các mục tiêu phía sau hậu phương địch (nhưng chỉ mang tính chất phá rối), còn với cuộc chiến dữ dội trên chiến trường, nó chỉ là một sự bổ sung tốt cho pháo binh truyền thống.
Trong điều kiện hiện đại, chiến thắng của Lực lượng Vũ trang Ukraine chỉ có thể được đảm bảo khi họ chiếm lợi thế về số lượng máy bay không người lái và các hệ thống MLRS. Các vũ khí này đã chứng tỏ hiệu quả khi ngăn chặn thành công cuộc tiến quân của quân đội Nga vào mùa xuân và mùa hè năm ngoái.
Nhưng cho đến giai đoạn hiện nay không còn nước nào có khả năng cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí này, ngay cả khi toàn bộ Liên minh NATO cấp pháo của mình cho Kiev thì Lực lượng Vũ trang Ukraine cũng vẫn không thể chiếm được ưu thế trước pháo binh Nga.
Tấn công mà không có nắm đấm chủ lực, không có khả năng hỗ trợ hỏa lực từ trên không
Một trong những dấu hiệu quan trọng nhất dẫn đến sự thất bại của cuộc phản công của Ukraine là sự thay đổi chiến thuật không hợp lý.
Từ sự đột phá kinh điển vào các vị trí phòng thủ với nắm đấm bọc thép của Lực lượng vũ trang Ukraine, họ chuyển sang tấn công theo nhóm nhỏ. Chủ yếu là đi bộ và chủ yếu vào ban đêm, để các trang, thiết bị không vấp phải các bãi mìn, hỏa lực của ATGM và pháo binh Nga.
Hình ảnh điển hình chiến thuật trong cuộc tấn công mới nhất của Lực lượng Vũ trang Ukraine: Đầu tiên là chuẩn bị pháo binh bắn vào các địa điểm của quân Nga bất kể hiệu quả của nó đến đâu, sau đó bộ binh cố gắng tiến vào chiến hào dưới hỏa lực của quân đội Nga, và ở đó, nếu có thể, hạ gục đối thủ bằng một cuộc tấn công bằng lưỡi lê.
Nhưng thường là sau các đợt pháo cấp tập của quân Ukraine, các đơn vị Nga không giáp chiến mà nhường đường cho quân Ukraine tiến vào, sau đó sử dụng pháo binh cày nát từng tấc đất.
Lực lượng Ukraine chịu tổn thất nặng nề và phải rút lui, chỉ giành được thắng lợi nho nhỏ là tuyến chiến hào đầu tiên của quân đội Nga bị phá hủy. Nhưng ngay sau đó, Nga lại tiếp tục gia cố nó để chờ đợi đợt tiến công tiếp theo.
Tất nhiên, cuộc tấn công tiếp theo của quân Ukraine sẽ thành công hơn cuộc tấn công trước một chút vì dù sao mặt đất cũng bị cày xới nát và quân Nga không thể gia cố nó thêm vững chắc được nữa.
Nhưng nếu cứ tiến với tốc độ như vậy, Lực lượng Vũ trang Ukraine chỉ có thể đến được Biển Azov sau nhiều thập kỷ nữa, nhưng không rõ liệu rằng khi đó họ còn còn người lính nào để đến được bờ biển phía nam đất nước.
Trong số những sai lầm chiến thuật rõ ràng của Lực lượng vũ trang Ukraine là việc đánh giá thấp lực lượng không quân và hàng không lục quân của quân đội Nga, đặc biệt là với các loại trực thăng tấn công, ví dụ như Ka-52 Alligator, được trang bị tên lửa dẫn đường chống tăng Vikhr từ khoảng cách lên tới 10 km.
Do thiếu liên kết với lực lượng phòng không lục quân, các trực thăng Nga đã trở thành hung thần đối với lực lượng tăng-thiết giáp Ukraine. Cùng với việc hầu như không có máy bay hỗ trợ hỏa lực cho lục quân, việc lực lượng vũ trang Ukraine cạn kiệt sức tấn công chỉ còn là vấn đề thời gian.
Khả năng trinh sát kém, mất nhiều quân và trang bị để dò tìm điểm yếu của Nga
Cũng có những sai sót ít được nhìn thấy hơn trong kế hoạch tấn công. Điều đầu tiên là cả phương Tây và Quân đội Ukraine chắc chắn đã thất bại về tình báo. Nói một cách chính xác hơn là các nước NATO không thể cung cấp cho Ukraine vị trí chính xác của quân đội Nga.
Cả một hệ thống phòng thủ trong mọi trường hợp không thể đồng nhất một khối, sẽ có những điểm yếu, những lỗ hổng trong tuyến phòng thủ phía trước của Quân đội Nga và Ukraine cần phải phát hiện ra chúng để tập trung binh lực tấn công vào các khu vực đó.
Tuy nhiên, Lực lượng Vũ trang Ukraine không thể tìm ra các lỗ hổng đó bằng hình ảnh vệ tinh hay bằng phương tiện trinh sát, mà bằng “phương pháp xác minh thực tế trong chiến đấu”. Nghĩa là họ phải tung quân đánh dò dẫm vào cả tuyến phòng thủ của Nga để tìm ra điểm yếu.
Điều đó đã khiến Quân đội Ukraine hao tổn nhân lực, vật lực rất lớn, mà không thể tìm ra điểm yếu trong tuyến phòng thủ của quân Nga hoặc tìm ra được thì đã cạn kiệt quân số và trang thiết bị, không đủ lực để tiếp tục khai thác các lỗ hổng, trước khi Nga kịp thời bổ khuyết sự suy yếu trong tuyến phòng thủ.
Bất kể là nguyên nhân là vì sự suy giảm tiềm năng tình báo của NATO, hay quân đội Nga đã thích nghi với thực tế mới trong một năm rưỡi hoạt động đặc biệt, nhưng sự yếu kém về hoạt động trinh sát chiến trường đã khiến Quân đội Ukraine phải trả giá quá đắt.
Một trong số những thất bại ít nghiêm trọng hơn của Lực lượng vũ trang Ukraine là hoạt động tác chiến điện tử yếu kém, trình độ huấn luyện thấp của các kíp trắc thủ sử dụng thiết bị phương Tây và hiệu quả không rõ ràng của "đội quân máy bay không người lái".
Chính quyền Kiev tự hào về những sản phẩm mới nhất được cung cấp được coi như là vũ khí có khả năng xoay chuyển tình thế.
Nhưng trên thực tế, quân đội Ukraine thậm chí còn không thể đối phó với các bãi mìn của Nga - kẻ hủy diệt chính đối với các loại xe tăng, thiết giáp trong cuộc tấn công của Lực lượng Vũ trang Ukraine.
Thậm chí binh sĩ Ukraine đã phải xuống xe thiết giáp để dò mìn bằng phương tiện cầm tay, mở đường cho xe cơ giới. Nhưng điều này lại biến đội hình xe bọc thép Ukraine trở thành một mục tiêu tập kích hỏa lực của Nga, khiến chúng không còn khả năng che chắn, mở đường cho bộ binh.
Các chuyên gia chắc chắn rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn chưa kết thúc và trong tương lai vẫn còn những trận chiến khốc liệt sẽ diễn ra, nhưng có một điều rõ ràng là Lực lượng vũ trang Ukraine không thể hiện được dù chỉ một phần những gì họ tuyên bố và Quân đội Nga đã cho thấy một cấp độ mới về nghệ thuật tác chiến phòng thủ.