Vì sao phải rèn trẻ đi học đúng giờ?

GD&TĐ - Đúng giờ được coi là một kỹ năng quan trọng trong cuộc sống. Vì vậy, các phụ huynh cần tạo cho trẻ thói quen đúng giờ ngay từ khi còn nhỏ.

Thói quen đúng giờ sẽ giúp trẻ thuận lợi hơn trong học tập cũng như quan hệ bạn bè. Ảnh minh họa.
Thói quen đúng giờ sẽ giúp trẻ thuận lợi hơn trong học tập cũng như quan hệ bạn bè. Ảnh minh họa.

Cha mẹ cần trò chuyện với trẻ về việc phải đúng giờ trong mọi tình huống. Bởi, khi đúng giờ, con sẽ hoàn thành các mục tiêu đúng hạn; trong mối quan hệ thì được người khác tôn trọng; trong học tập và cuộc sống sẽ thăng tiến, đạt kết quả tốt.

Lề mề “bất chấp” hoàn cảnh

Trì hoãn thời gian, luôn gấp rút làm việc là một trong những “vấn đề” phổ biến nhất hiện nay. Thậm chí, nhiều trẻ luôn lề mề, bất chấp lời giục giã từ phụ huynh. Không ít trẻ thường xuyên muộn học. Thói quen xấu này ở trẻ khiến không ít phụ huynh đau đầu nhưng không biết phải làm sao.

Chị Nguyễn Thu Hoài (Đống Đa, Hà Nội) - một phụ huynh có hai con, chia sẻ: “Đúng là cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Tôi có hai bé, nhưng một cháu thì luôn đúng giờ. Trong khi đó, cháu còn lại thì thường xuyên lề mề, làm gì cũng chậm và không quan tâm tới việc đúng giờ hay muộn”.

Nữ phụ huynh tâm sự, bé Chíp con chị thường xuyên bị cô phàn nàn do đi học muộn. Dù còn học mầm non nhưng việc đi muộn của Chíp cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới các bạn. Nhiều khi cả lớp đang tập trung học, Chíp mới đến. Điều đó khiến các bạn bị xao nhãng, mất tập trung.

Nhiều lần vợ chồng chị Hoài nhắc nhở nhẹ nhàng, khuyên bảo, cho tới nghiêm khắc răn đe,... nhưng thói xấu này ở Chíp vẫn không được cải thiện.

Thực tế, các chuyên gia cho biết, hầu hết trẻ mới lớn thường sắp xếp các công việc trong ngày một cách bản năng. Trẻ không có sự chủ động trong học tập và vui chơi giải trí. Vì vậy, để đưa trẻ vào khuôn khổ và sinh hoạt đúng giờ, kỷ luật, cha mẹ phải hướng dẫn các em cách lên kế hoạch cụ thể cho từng ngày, tuần và tháng.

Theo đó, tất cả các giờ như ăn cơm, làm bài tập, xem tivi, đi chơi, đi ngủ,… đều phải được lên kế hoạch và thống nhất. Điều này sẽ giúp trẻ phân bổ thời gian hợp lý, học tập hiệu quả và năng suất hơn.

Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể giúp trẻ học cách liệt kê những việc phải làm sau khi hoàn thành việc học trên lớp. Đồng thời, ước tính thời gian phải làm xong công việc đó. Ví dụ: Thứ Hai phải đọc xong quyển sách này, thứ Ba đi tập bơi… Việc làm này sẽ giúp trẻ ghi nhớ công việc và quản lý thời gian của mình hợp lý hơn. Hoặc, khi trẻ phải dậy đi học, cha mẹ cũng nên cụ thể thời gian con cần đặt báo thức để không muộn giờ đến trường.

Về kinh nghiệm dạy con quản lý thời gian, chị Nguyễn Thị Thanh Tâm (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Khi mà nói với trẻ, mình nên nói càng cụ thể càng tốt. Thay vì nói là lát nữa, thì mình có thể nói là 5, 10 phút nữa. Cha mẹ nên cụ thể thời gian như một mốc để trẻ hiểu. Vợ chồng tôi cho rằng, với những thói quen tốt, cha mẹ nên bắt đầu dạy trẻ càng sớm càng có lợi”.

Cụ thể, theo chị Tâm, trước khi đi ngủ, cha mẹ cần nói cho con biết là sáng mai cần làm gì. Như vậy, khi cha mẹ gọi con vào buổi sáng, trẻ cũng sẽ dễ dàng dậy sớm hơn. “Đúng giờ là một kỹ năng rất quan trọng. Nếu giáo dục cho con kỹ năng này từ nhỏ, sau này khi lớn lên, trẻ sẽ luôn duy trì thói quen đó”, nữ phụ huynh cho biết.

Cha mẹ cần có phương pháp phù hợp để giúp trẻ hình thành thói quen đúng giờ. Ảnh minh họa.

Cha mẹ cần có phương pháp phù hợp để giúp trẻ hình thành thói quen đúng giờ. Ảnh minh họa.

Nguyên nhân của thói quen xấu

Các chuyên gia cũng đồng tình rằng, cha mẹ cần rèn cho con thói quen đúng giờ ngay từ nhỏ, bằng những hình thức và phương pháp phù hợp. \

Chia sẻ về nguyên nhân tạo nên thói xấu này ở trẻ, Thạc sĩ Tâm lý Đinh Văn Thịnh - giảng viên kỹ năng mềm, Giám đốc Công ty Tư vấn Giáo dục và Đào tạo kỹ năng ANGEL dẫn chứng, một nghiên cứu năm 2016 của hai nhà tâm lý học Emily Waldun và Mark McDaniel (Mỹ) đã xem xét giả thuyết này. Họ mô tả bằng thuật ngữ TBPM - Time-Based Prospective Memory (trí nhớ ngắn hạn theo thời gian).

Trong một thử nghiệm, các nhà nghiên cứu yêu cầu những người tham gia hoàn thành một nhiệm vụ trong khoảng thời gian giới hạn. Người tham gia được phép xem đồng hồ để đảm bảo tiến độ. Nhiệm vụ này thường được thiết kế để người tham gia phải tập trung cao độ (chẳng hạn trò ghép hình) và quá mải mê nên không thể theo dõi thời gian được. Kết quả cho thấy, một số người ước lượng thời gian tốt hơn so với những người khác.

Theo Tiến sĩ Susan Krauss Whitbourne từ Đại học Massachusetts Amherst (Mỹ), thì những người giải quyết tốt các nhiệm vụ TBPM thường quản lý thời gian của mình tốt hơn. Trong khi đó, một số nhà nghiên cứu cho rằng, đơn giản là do những người tham gia không tự giác và thiếu tự chủ. Vì vậy, họ không thể kéo mình ra khỏi một hoạt động mà bản thân đang thích thú hoặc một việc gì đó mà được cho là phải hoàn thành.

“Nhà tâm lý học Adoree Durayappah-Harrison lại cho rằng, với một số người, đến muộn là lựa chọn họ thích nhất. Nhiều người không muốn đến sớm. Đôi khi họ nghĩ rằng, thật vô nghĩa khi phải ngồi chờ người khác đến, hoặc họ cảm thấy lúng túng hoặc khó chịu khi phải chờ đợi”, ThS Thịnh dẫn chứng.

Theo chuyên gia này, xét thấy rằng, những quan điểm trên đề cập sự trễ giờ đến từ những nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Trong đó, bao gồm việc quản lý thời gian chưa tốt, sự ước lượng thời gian khi làm một công việc, đến từ tính cách mỗi người,…

ThS Thịnh nhận định, nguyên nhân dẫn tới sự trễ giờ của một người đến từ công việc hoặc mối quan hệ không quan trọng, sự dồn dập của các mục tiêu, cũng như họ thiếu sự kiên định trong kế hoạch, mục tiêu.

Thói quen xấu không đúng giờ có thể đi theo trẻ tới lúc trưởng thành. Ảnh minh họa.

Thói quen xấu không đúng giờ có thể đi theo trẻ tới lúc trưởng thành. Ảnh minh họa.

Ảnh hưởng tới giá trị, hình ảnh bản thân

Để khắc phục tình trạng lề mề, không đúng giờ ở trẻ, ThS Đinh Văn Thịnh cho rằng, nhà trường cần hướng dẫn các em về tầm quan trọng của việc đúng giờ trong cuộc sống. Đồng thời, hướng dẫn các em về những kỹ năng sống như: Duy trì, nuôi dưỡng các mối quan hệ, tạo ấn tượng giao tiếp trong việc đúng giờ. Trẻ cũng cần biết thiết lập kế hoạch và hoàn thành các mục tiêu, tập thói quen giờ nào việc nấy.

“Thầy cô cần làm gương sáng, đúng giờ trong các tiết dạy, giờ vào lớp và kết thúc. Tránh việc lấy giờ ra chơi, thư giãn của học sinh/sinh viên để giảng dạy. Cha mẹ cũng cần đúng giờ và làm gương để giúp trẻ có thói quen. Gia đình cần thiết lập các quy tắc sống về giờ giấc ăn uống, ngủ nghỉ, làm việc, học tập,…”, ThS Thịnh chia sẻ.

Chuyên gia này cho biết, chính những hình ảnh sống động trong gia đình như vậy sẽ là chất liệu để giúp trẻ hình thành thói quen sống tốt, đặc biệt là đúng giờ và biết sống có trách nhiệm.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần trò chuyện với trẻ về việc phải đúng giờ trong mọi tình huống. Bởi, khi đúng giờ, con sẽ hoàn thành các mục tiêu đúng hạn, trong mối quan hệ thì được người khác tôn trọng, trong học tập và cuộc sống sẽ thăng tiến, đạt kết quả tốt đẹp,… Vì khi đúng giờ là trẻ đang tận dụng tốt thời gian của mình, chắt chiu những cơ hội. Khi đó, trẻ sẽ nhận được sự yêu mến từ những người xung quanh. Từ đó, có động lực để phát triển bản thân hơn.

Chuyên gia cảnh báo, nếu thói quen đúng giờ không được rèn luyện từ nhỏ, trẻ sẽ bị ảnh hưởng khi trưởng thành. Ở những năm trưởng thành, khi đi học, chung sống và làm việc với người khác, trẻ không đúng giờ sẽ gặp những trục trặc khó khăn, không hoà nhập với người khác.

“Thói quen không đúng giờ sẽ thay đổi khi trẻ nhận thấy rằng, điều này đang làm ảnh hưởng tới cuộc sống của chính mình. Đồng thời, ảnh hưởng đến giá trị, hình ảnh của bản thân. Khi bản thân phải thay đổi thì trẻ đã mất đi những cơ hội, mối quan hệ và công việc nhất định. Những điều ấy sẽ không mất nếu trẻ rèn luyện thói quen đúng giờ ngay từ nhỏ.

Hành trình sống là một chuỗi những sự lựa chọn. Thay vì gặp sự cố mới chịu thay đổi, thì hãy lựa chọn thói quen đúng giờ ngay lúc nhỏ. Nhờ vậy, để khi lớn không phải đổi thay và loay hoay”, ThS Đinh Văn Thịnh chia sẻ.

Efriyani Djuwita - Tiến sĩ Tâm lý từ Đại học Tổng hợp Indonesia cho biết, trẻ em từ 6 - 7 tuổi có khả năng thích nghi, bao gồm cả kỹ năng xã hội cũng tiếp tục phát triển. Nói vậy không có nghĩa trẻ dưới tuổi đó không thể thích nghi.

“Trẻ ở tuổi mẫu giáo cũng đã có thể rèn luyện để thích nghi, trong đó có cả việc thức dậy để đi học vào buổi sáng”, bà nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.