Số giờ ngủ của một đứa trẻ cần thay đổi theo từng độ tuổi và phù hợp với thể chất của mỗi trẻ. Dưới đây là những hướng dẫn chung và cơ bản nhất để các bố mẹ tham khảo lên thời gian biểu giúp con đi ngủ đúng giờ:
1-4 tuần tuổi: ngủ 15 - 16 giờ mỗi ngày
Trẻ sơ sinh thường ngủ khoảng 15-18 giờ mỗi ngày, mỗi giấc ngủ của trẻ thường ngắn từ 2 đến 4 tiếng. Với trẻ sinh non có thể ngủ giấc dài hơn, trẻ hay quấy khóc sẽ có giấc ngủ ngắn hơn.
Kể từ khi ra đời, trẻ chưa hình thành đồng hồ sinh học cho cơ thể. Trẻ sơ sinh cũng chưa phân biệt được ngày đêm nên có những trẻ sẽ ngủ suốt vào ban ngày và thức giấc nhiều hơn vào ban đêm.
Cũng giống như người lớn, giấc ngủ của trẻ được chia ra nhiều giai đoạn khác nhau. Tùy từng giai đoạn mà trẻ có thể nằm yên hay vẫn có những cử động. Có 2 loại giấc ngủ như sau:
- Giấc ngủ nhanh (REM - rapid eye movement: cử động mắt nhanh)
Đây là giấc ngủ nông, trẻ sẽ nằm mơ và mắt sẽ cử động nhanh theo chiều trước sau. Mặc dù trẻ nhỏ ngủ khoảng 16 giờ mỗi ngày, nhưng khoảng phân nửa thời gian là giấc ngủ REM. Tức là trẻ chỉ ngủ sâu khoảng 8 giờ. Trẻ lớn và người lớn ngủ ít hơn nhưng ngủ REM cũng ít hơn.
- Giấc ngủ chậm (Non-REM - Non- rapid eye movement: không cử động mắt nhanh) gồm có 4 giai đoạn:
Giai đoạn 1: buồn ngủ - mí mắt sụp xuống hay có thể chớp liên tục, ngủ gà ngủ gật.
Giai đoạn 2: ngủ lơ mơ – trẻ có thể vẫn cử động, giật mình, vặn mình, kêu “è è”.
Giai đoạn 3: ngủ sâu – trẻ im lặng và không cử động.
Giai đoạn 4: ngủ rất sâu - trẻ im lặng và không cử động.
Giấc ngủ của trẻ sẽ diễn tiến theo chu kỳ, bắt đầu tuần tự từ giai đoạn 1, sau đó chuyển sang giai đoạn 2, giai đoạn 3, giai đoạn 4, rồi quay lại giai đoạn 2, rồi chuyển sang ngủ REM. Trong một giấc ngủ có thể có vài chu kỳ ngủ trên. Trong vài tháng đầu, trẻ có thể thức giấc khi chuyển từ ngủ sâu sang ngủ lơ mơ và có thể khó ngủ trở lại.
1-4 tháng tuổi: ngủ 14 - 15 giờ mỗi ngày
Sang đến tuần tuổi thứ 6, giấc ngủ của trẻ dần dần ổn định hơn một chút, bạn có thể dễ dàng nhận ra điều này khi trẻ bắt đầu có những giấc ngủ dài hơn, khoảng 4 đến 6 tiếng vào buổi tối.
4-12 tháng tuổi: ngủ 14 - 15 giờ mỗi ngày
15 tiếng là số giờ ngủ lý tưởng cho trẻ 11 tháng tuổi nhưng hầu hết trẻ chỉ ngủ khoảng 12 tiếng mỗi ngày. Thiết lập một thói quen ngủ lành mạnh là mục tiêu chính mà bạn và trẻ cần thực hiện trong giai đoạn này.
Thông thường, trẻ sẽ có 3 giấc ngủ ngắn trong ngày nhưng khi bước sang khoảng tháng thứ 6, số giấc ngủ của trẻ giảm xuống 2. Nhịp sinh học của trẻ bắt đầu được hình thành, những giấc ngủ ngắn vào buổi sáng từ 9 giờ sẽ kéo dài khoảng 1 tiếng, buổi trưa trẻ sẽ ngủ từ 2 giờ chiếu đến 3 – 4 giờ và vào buổi chiều những giấc ngủ ngắn bắt đầu từ 3 đến 5 giờ chiều.
Trẻ cần được đi ngủ đúng giờ để ngủ đủ giấc và nạp năng lượng cho một ngày mới.
1-3 tuổi: ngủ 12 - 14 giờ mỗi ngày
Khi trẻ bắt đầu dịch chuyển dần sang giai đoạn 18 đến 21 tháng, trẻ có thể bị mất dần giấc ngủ vào buổi sáng và buổi tối đi ngủ sớm. Ngoài ra, trẻ chỉ có một giấc ngắn khoảng 1 đến 3 tiếng trong ngày. Trẻ ở độ tuổi chập chững biết đi cần ngủ 14 tiếng mỗi ngày nhưng hầu hết các bé chỉ ngủ được khoảng 10 tiếng.
Bố mẹ nên khuyến khích và tạo cho trẻ thói quen ngủ đúng giờ, đặc biệt tránh những tiếng ồn ào, tiếng động lớn có thể ảnh hưởng đến quá trình trẻ ngủ, làm trẻ tỉnh giấc.
3-6 tuổi: ngủ 10 - 12 giờ mỗi ngày
Giờ ngủ của trẻ trong độ tuổi này thường là từ 7 đến 9 giờ tối và thức dậy vào khoảng 6 đến 8 giờ sáng, giống như khi ở tuổi nhỏ hơn. Khi 3 tuổi, trẻ vẫn ngủ trưa bình thường nhưng lên 5 tuổi số giờ ngủ trưa sẽ giảm dần. Những vấn đề phát sinh về chất lượng giấc ngủ sẽ không còn xuất hiện nhiều khi trẻ bắt đầu bước sang tuổi thứ 3.
7-12 tuổi: ngủ 10 - 11 giờ mỗi ngày
Vì những hoạt động trong ngày như học tập, vui chơi ở trường và ở nhà nên giờ đi ngủ của trẻ bắt đầu muộn hơn so với trước, hầu hết các trẻ ở độ tuổi 12 đều đi ngủ vào khoảng 9 giờ tối, số còn lại có thể ngủ sớm vào 7 rưỡi hoặc muộn hơn là 10 giờ.
Tổng thời gian ngủ nghỉ của trẻ sẽ vào khoảng 9 đến 12 tiếng, và trung bình là chỉ 9 tiếng. Các bậc phụ huynh cần lưu tâm về việc cho trẻ sử dụng thiết bị công nghệ như điện thoại, máy tính bảng,… để không bị ảnh hưởng đến giấc ngủ và sự phát triển toàn diện của trẻ.
12-18 tuổi: ngủ 8-9 giờ mỗi ngày
Ở độ tuổi này, nhu cầu ngủ nghỉ của trẻ vẫn rất quan trọng và cần được đảm bảo như khi trẻ còn bé. Để có một sức khoẻ tốt và tinh thần minh mẫn, giấc ngủ của trẻ có thể dài hơn.
Tuy nhiên, do những áp lực từ việc học tập, sự phát triển về tâm sinh lý cũng như nhu cầu giải trí, giao lưu mà trẻ bị phân tán, dễ bị cuốn vào những hoạt động gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng giấc ngủ của trẻ.