Vì sao nhiều người bị đột quỵ trong mùa lạnh?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thời tiết lạnh, nhiệt độ xuống thấp là lúc hệ tim mạch hoạt động khó khăn hơn. Một hệ tim mạch kém cũng kéo theo nguy cơ gây đột quỵ.

Nhiệt độ giảm làm cơ thể tăng sản xuất hồng cầu và tiểu cầu. Ảnh: BVĐK Tâm Anh.
Nhiệt độ giảm làm cơ thể tăng sản xuất hồng cầu và tiểu cầu. Ảnh: BVĐK Tâm Anh.

Nguy cơ tắc mạch máu

TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức, Khoa Nội thần kinh - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh dẫn chứng nhiều nghiên cứu khẳng định, đột quỵ có mối liên quan mật thiết với thời tiết.

Các nghiên cứu tại Pháp cho thấy, tình trạng đột quỵ tại nước này đạt đỉnh vào tháng 2 và 4. Đây là thời điểm trời lạnh nhất trong năm.

Ở Việt Nam, bệnh nhân đột quỵ tăng từ 15 - 20% vào mùa đông. Cụ thể, miền Bắc thường ghi nhận các ca nhồi máu não vào tháng 11, 12, 1. Miền Trung hay gặp nhồi máu não vào tháng 10, xuất huyết não tháng 12. Tại miền Nam, giai đoạn tháng 11, 12, và tháng 1 xảy ra đột quỵ não nhiều.

Trong 3 tháng này, số lượng bệnh nhân đột quỵ bao gồm nhồi máu não và xuất huyết não tùy địa phương chiếm từ 30 - 50% tổng số bệnh nhân đột quỵ của cả năm.

Bác sĩ Minh Đức cũng cho biết, khoảng 60 - 70% các bệnh nhân đột quỵ xảy ra vào nửa đêm và buổi sáng sớm. Đây là thời điểm nhiệt độ thường lạnh hơn buổi trưa, chiều. Ngoài ra, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ não có tăng huyết áp vào mùa lạnh cao hơn mùa nóng, chiếm khoảng 85%.

Giải thích nguyên nhân mọi người dễ bị đột quỵ vào mùa lạnh, TS.BS Minh Đức cho biết, khi nhiệt độ giảm, cơ thể con người có phản xạ tăng tiết catecholamine. Từ đó, gây co các mạch máu ngoại vi để giữ nhiệt, làm ấm cơ thể. Tình trạng co mạch sẽ làm tăng trương lực mạch máu, dẫn đến huyết áp tăng cao. Điều này khiến cho người bệnh dễ bị chảy máu trong não, gây xuất huyết não, đặc biệt ở các bệnh nhân có kèm theo xơ vữa động mạch.

Bên cạnh đó, hiện tượng co mạch giúp giữ cơ thể không mất nước cũng làm tăng độ nhớt máu. Nhiệt độ giảm cũng làm cơ thể tăng sản xuất hồng cầu và tiểu cầu nhằm tăng sự trao đổi chất của cơ thể, dẫn đến máu vón cục tạo thành cục máu đông.

Từ đó, tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu, dễ dẫn đến nhồi máu não. “Việc ăn những thức ăn chứa nhiều năng lượng giúp làm ấm cơ thể nhưng lại ít vận động khi trời lạnh cũng là yếu tố góp phần tăng nguy cơ đột quỵ”, TS.BS Minh Đức chia sẻ.

Tim phải làm việc nhiều hơn

Theo một nghiên cứu được công bố trên tờ JAMA Cardiology vào tháng 11/2019 thực hiện trên khoảng 274.000 người sống ở Thụy Điển, nguy cơ bị đau tim là lớn nhất vào những ngày nhiệt độ dưới 0. Một nghiên cứu khác, được công bố trên PLOS One vào năm 2015, cho thấy số cơn đau tim tăng 31% vào những tháng lạnh nhất trong năm so với thời điểm ấm nhất.

Theo Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, khi các mạch máu co lại, huyết áp sẽ tăng lên. Điều này khiến tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu qua các mạch máu bị co thắt trong cơ thể.

Ở người bị bệnh động mạch vành có sự tích tụ mảng bám trong động mạch, được xem là loại bệnh tim phổ biến nhất, nhiệt độ lạnh có thể dẫn đến tắc nghẽn động mạch. Từ đó, gây ra các đợt thiếu máu cơ tim (khi cơ tim không nhận đủ oxy). Điều này có thể gây ra các cơn đau thắt ngực thậm chí là các cơn đau tim.

Đối với những người bị suy tim, nhiệt độ môi trường giảm nhanh có thể gây ra các triệu chứng xấu đi đột ngột, gia tăng nguy cơ nhập viện và thậm chí tử vong do suy tim trong mùa lạnh. Vì vậy, điều quan trọng là mọi người cần giữ ấm cơ thể, hạn chế ra ngoài khi trời lạnh. Nếu cần thiết phải ra ngoài, hãy mặc ấm nhiều lớp, đội mũ, đeo găng tay, tất chân và giày để giữ ấm.

Mọi người cũng không nên làm những việc nặng đòi hỏi nhiều sức khi ngoài trời lạnh. Đồng thời, cần khởi động nhẹ nhàng trước khi đi ra ngoài hay làm việc trong thời tiết lạnh.

Sự gắng sức quá mức trong mùa đông làm tăng áp lực cho tim, dẫn đến đau thắt ngực, đau tim, suy tim thậm chí là đột tử. Một số biện pháp phòng tránh bệnh tim trong mùa lạnh cũng bao gồm: Không để cơ thể quá nóng, tiêm phòng cúm và không uống rượu.

ThS.BS Phạm Thành Văn - Trưởng Đơn nguyên can thiệp Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec - cho biết, một trái tim khỏe mạnh, chế độ ăn uống khoa học và tập luyện phù hợp là biện pháp phòng ngừa bệnh tim mạch cũng như đột quỵ.

Do đó, người dân cần tăng cường bổ sung các loại rau, trái cây nhiều chất xơ (bơ, cam, táo, chà là, chuối...), sử dụng thực phẩm giàu chất béo chưa bão hòa như omega 3, omega 6 ít nhất 2 ngày trong tuần (cá hồi, cá trích, cá thu...).

Tránh ăn đồ chiên xào, nướng, thịt đỏ và tất cả những thực phẩm chứa chất béo bão hòa. Nước uống có ga hay thực phẩm đóng hộp cũng là những thứ cần tránh để bảo vệ trái tim khỏe mạnh. Thay vào đó, có thể thay thế bằng sữa ít béo. Tránh các chất kích thích như trà đặc, rượu bia, cà phê, thuốc lá hoặc các loại thuốc không được bác sĩ chỉ định.

Ngoài ra, người dân có thể ưu tiên sử dụng những thực phẩm dinh dưỡng được bổ sung dưỡng chất Plant Sterol – chất béo chiết xuất từ thực vật giúp giảm lượng cholesterol đi vào máu từ thức ăn hàng ngày, các axit béo không no MUFA, PUFA giúp cải thiện cấu trúc mạch vành, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Bên cạnh đó, việc dành 30 phút đi bộ mỗi ngày cũng có thể giúp phòng ngừa bệnh tim mạch hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.