Zuckerberg có mặt tại tòa trong phiên xét xử vụ kiện giữa nhà sản xuất game ZeniMax và Oculus, startup thực tế ảo Facebook mua lại năm 2014.
Tại đây, anh được hỏi về tác động khi Facebook bỏ lỡ cuộc cách mạng smartphone. Zuckerberg xây dựng Facebook năm 2004 sau khi điện thoại di động bắt đầu cất cánh.
“Bởi vì điều đó, Facebook không thực sự tham gia vào thiết kế hệ điều hành và điện thoại. Những công ty như Google và Apple đã làm điều đó. Trong vài trường hợp, nó đồng nghĩa chúng tôi không thể thiết kế trải nghiệm từng hi vọng mang đến cho cộng đồng của mình”, ông chủ Facebook giải thích.
Nói một cách dễ hiểu: thế giới di động mà Facebook đang phát triển mảng kinh doanh quảng cáo được sở hữu và điều khiển bởi Apple và Google, không phải Facebook. Apple và Google là chúa đất, còn Facebook chẳng qua chỉ là kẻ đi thuê mà thôi.
Triển vọng của thực tế tăng cường
Facebook đang đặt cược tương lai vào thực tế tăng cường (AR), công nghệ cam kết phủ mọi thông tin ảo lên thế giới thực và thậm chí thay thế smartphone bằng thứ gì đó tương tự như cặp kính hay lenses.
Tại hội nghị thường niên dành cho nhà phát triển diễn ra tuần trước, Zuckerberg tiết lộ nền tảng cho camera của ứng dụng Facebook, cho phép lập trình viên tạo các hiệu ứng AR như nhân vật game video hay cá heo ảo bơi lội.
Mục tiêu cuối cùng của AR, theo Mark, là mang đến cặp kính thời trang có khả năng hiển thị mọi thứ từ hướng đi, giải trí đến thông tin về các đối tượng bạn đang nhìn vào, như giá của chai rượu, ngay trước mắt bạn. Và tất nhiên, anh muốn tất cả đều do Facebook kiểm soát.
Làm chủ công nghệ nối tiếp smartphone
Rõ ràng, những gì Facebook đang đổ vào AR và camera là một lời hồi đáp đến Snapchat, dịch vụ mạng xã hội đối thủ với các bộ lọc và hiệu ứng AR đặc trưng.
Song, động cơ lớn hơn phía sau các nỗ lực đầu tư vào AR và VR của Facebook lại đơn giản hơn, đó là không bỏ lỡ làn sóng công nghệ lớn tiếp theo smartphone.
Đó là lý do công ty chi hàng tỷ USD cho Oculus, phát triển phần cứng AR riêng và cảm biến điều khiển bằng não người, mở ra hiệu ứng camera AR cho các lập trình viên.
Nếu Facebook có thể xây dựng AR tương tự Apple iOS, nó có cơ hội kiểm soát nền tảng mà mọi doanh nghiệp cần dựa vào để phát triển phần cứng AR.
Hãy tưởng tượng tương lai “hậu smartphone” mà trong đó, thay vì Apple hay Google, chính Facebook mới là người ra luật đối với các ứng dụng và những gì không được làm trên nền tảng của mình.
Facebook cũng biết nhiều hơn về hàng tỷ người dùng – thứ họ nhìn thấy và tương tác với thế giới thực – hơn bất kỳ công ty nào khác trong lịch sử.
Mọi chuyện nằm ở chữ "nếu"
Facebook chắc chắn muốn sở hữu cả phần mềm và phần cứng trong thế giới AR nhưng nếu không thể đột phá phần cứng thì chí ít, mạng xã hội muốn trở thành một trong những nhà cung cấp phần mềm chiến thắng.
“Nếu chúng tôi có thể xây dựng mảng kinh doanh phần cứng hấp dẫn, đó sẽ là điều tuyệt vời. Nhưng nếu không hiệu quả và chỉ tạo được một hệ sinh thái và chúng tôi có mạng lưới thú vị để hoạt động trên đó, nó cũng không tệ”, Giám đốc công nghệ Mike Schroepfer gần đây trả lời Business Insider về tham vọng AR.
Song, khi mà cả Apple, Microsoft, Magic Leap và nhiều người khác đang chạy đua để biến AR thành hiện thực, cuộc cạnh tranh đã vô cùng khốc liệt. Với hàng trăm tỷ USD trong tay cùng nhiều năm kinh nghiệm thiết bị, Apple đang ở vị trí thuận lợi nhất để “về đích” trong cuộc đua phần cứng AR.
Đó là nguyên nhân Facebook đang “khai hỏa” mọi nỗ lực AR vào lúc này ngay cả khi hãng thừa nhận phải hàng thập kỷ nữa người dùng mới đón nhận AR. Nguy cơ diệt vong với Facebook chính là nếu không làm ra nền tảng AR thống trị tương lai, nó có thể lặp lại lịch sử với điện thoại di động một lần nữa.