Dang dở 15 năm
Dự án Thủy điện Hồi Xuân do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng điện Hồi Xuân VNECO (thuộc Tổng Công ty CP Xây dựng điện Việt Nam) đầu tư trên sông Mã (thuộc địa phận thị trấn Hồi Xuân, Quan Hóa, Thanh Hóa), trên diện tích hơn 600ha, với tổng mức đầu tư 3.320 tỷ đồng. Nhà máy có công suất 102MW, sản lượng điện hằng năm là 432 triệu kWh.
Dự án được kỳ vọng sẽ đóng góp lớn cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Thanh Hóa, là nguồn cung ứng điện cho khu vực miền Trung và cả nước.
Theo kế hoạch, khoảng tháng 10/2012, thủy điện Hồi Xuân sẽ chặn dòng lần một, cuối năm 2013 chặn dòng lần hai, đến giữa năm 2014 thì tích nước hồ chứa và phát điện tổ máy số một vào tháng 9 cùng năm.
Tuy nhiên, theo Sở Công Thương Thanh Hóa, từ khi khởi công đến tháng 6/2014, tiến độ triển khai dự án rất chậm, do chủ đầu tư không thu xếp được nguồn tài chính. Năm 2014, dự án chuyển giao cho Công ty Dịch vụ thương mại sản xuất và xây dựng Đông Mê Kông và được Chính phủ bảo lãnh khoản vay thương mại 125 triệu USD. Dự án tiếp tục hứa hẹn về đích vào 2018. Năm 2016 dự án tái khởi động nhưng đến cuối năm 2018 lại tiếp tục dừng thi công.
Theo Sở Công Thương Thanh Hóa, Dự án Thủy điện Hồi Xuân tạm dừng thi công do chủ đầu tư chưa thu xếp được nguồn vốn còn thiếu để hoàn thành dự án. Theo báo cáo của chủ đầu tư, khối lượng hoàn thành của dự án ước đạt 93%.
Những hạng mục chưa hoàn thành bao gồm: Đập dâng bờ trái và phải; lao dầm và đổ bê tông sàn cầu đập tràn (2 khoang), lắp đặt cửa van và thiết bị nâng hạ (5 bộ); gia cố mái kênh dẫn vào, nạo vét vệ sinh trước cửa nhận nước; chống thấm bổ sung và hoàn thiện, lắp đặt thiết bị quản lý vận hành; hoàn thiện, thí nghiệm và vận hành thử nghiệm; chưa thu hồi 81,24ha đất và chi trả các khoản tiền đền bù khác.
Ghi nhận thực tế, trên công trường thủy điện Hồi Xuân, nằm trên lưu vực sông Mã ở xã Phú Xuân (Quan Hóa), không có hoạt động xây dựng. Dãy nhà điều hành, nhà ở dành cho kỹ sư, công nhân hầu hết đóng cửa, cỏ mọc, xuống cấp; Các trang thiết bị, máy móc, xe vận chuyển rơi vào tình trạng “đắp chiếu”.
Không chỉ dở dang nhà máy, chủ đầu tư Dự án Thủy điện Hồi Xuân còn đang nợ nhiều công trình đối với các địa phương bị ảnh hưởng, như tiền hỗ trợ di dời nhà ở, xây dựng kè, nhà văn hóa, sân bóng cho người dân khu tái định cư Sa Lắng, trạm y tế, trường học, cầu bắc qua sông Mã...
Do chủ đầu tư Dự án Thủy điện Hồi Xuân chưa hoàn trả cầu bắc qua sông Mã nên khu dân cư bản Sa Lắng (nhường đất cho thủy điện Hồi Xuân), được tái định cư ở khu đất ven sông nhưng bao năm qua bị “cô lập”. Hàng ngày, mỗi khi muốn ra trung tâm, hàng trăm người dân bản Sa Lắng liều mình dùng thuyền qua sông.

Dự án trong diện theo dõi, chỉ đạo
Theo báo cáo từ UBND huyện Quan Hóa, việc chậm tiến độ, dừng thi công đã gây ảnh hưởng đến đời sống người dân trong vùng dự án, cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để thực hiện dự án, 500 hộ dân đã phải di dời, tuy nhiên, chủ đầu tư mới bố trí được 1 khu tái định cư. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng chưa hoàn trả 5 tuyến đường giao thông tránh ngập, 2 tuyến đường và 2 cầu treo thi công dang dở, người dân đang phải di chuyển bằng đò qua sông Mã.
Từ năm 2018 đến nay, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan đến Dự án Thủy điện Hồi Xuân; đồng thời đã có nhiều văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có các văn bản chỉ đạo các bộ, ngành và cơ quan liên quan vào cuộc, giải quyết.
Năm 2022, dự án cũng được Thanh tra Chính phủ vào cuộc thanh tra, tuy nhiên đến nay vẫn chưa công bố kết luận.
Đặc biệt, năm 2023, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương vào cuộc tìm cách tháo gỡ cho dự án. Chỉ rõ thực trạng dự án dừng thi công nhiều năm, gây hệ lụy rất lớn, phá vỡ cân đối điện quốc gia giai đoạn 2020 - 2025, ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đặc biệt là gây bức xúc cho người dân trong vùng dự án, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên xác định không thể để Dự án Thủy điện Hồi Xuân chậm trễ hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, đối với chủ đầu tư dự án phải khẩn trương đánh giá tổng thể, rà soát kỹ lưỡng để tìm ra những “nút thắt” cần tháo gỡ. Sau khi được giải ngân nguồn vốn bổ sung, chủ đầu tư phối hợp với UBND các tỉnh Thanh Hóa và Hòa Bình, UBND các huyện để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các hộ dân trong vùng ảnh hưởng; hoàn thiện các thủ tục pháp lý của dự án; tổ chức triển khai thi công các hạng mục công trình còn dở dang và các công việc khác để sớm đưa dự án vào vận hành. Tuy nhiên, các khó khăn vướng mắc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Ngày 25/3, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí đã thống nhất đưa một số vụ án, vụ việc có dấu hiệu lãng phí vào diện theo dõi, chỉ đạo, trong đó có Dự án Thủy điện Hồi Xuân. Cụ thể gồm: Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” liên quan đến sai phạm tại Dự án Tòa nhà Trung tâm điều hành và giao dịch thương mại, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VCEM); Dự án Thủy điện Hồi Xuân, tỉnh Thanh Hóa; Dự án Xây dựng trụ sở Bộ Ngoại giao; Tiểu dự án 2 (Lim - Phả Lại), thuộc Dự án Tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.