Mặt nước hồ thủy điện Hòa Bình bị chia cắt. Bài 1: Lòng hồ không còn yên tĩnh

GD&TĐ - Những ngày giữa tháng 9, phóng viên Báo GD&TĐ có mặt tại tổ dân phố Tháu, phường Thái Bình, TP Hòa Bình (Hòa Bình) để ghi nhận sự việc.

Công trình nhà hàng, dịch vụ ngủ nghỉ, lưu trú qua đêm của cơ sở Passion Restaurant Homestay.
Công trình nhà hàng, dịch vụ ngủ nghỉ, lưu trú qua đêm của cơ sở Passion Restaurant Homestay.

Công trình bè nổi, tàu thuyền cỡ lớn, nhà nghỉ... mọc lên trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình gây cản trở giao thông, luồng lạch khi người dân đưa con lên bờ tới trường học. Cuộc sống gia đình nhiều phụ huynh học sinh bị đảo lộn.

Thu hẹp kế sinh nhai

Hàng chục hộ dân đang sinh sống và nuôi trồng thủy sản tại lòng hồ Hòa Bình thuộc tổ dân phố Tháu, phường Thái Bình, TP Hòa Bình (Hòa Bình) vốn đang yên bình bỗng bị đảo lộn, thu hẹp kế sinh nhai.

“Nhà nước tiến hành xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình, dân chúng tôi một lòng hiến, trả đất để xây dựng công trình quốc gia này. Nhiều hộ dân phải di tản, có người bám mặt nước, người vươn lên sườn đồi để an cư, trú ngụ sinh sống bám đất, bám sông mà tồn tại. Chúng tôi chấp hành tốt chủ trương đường đối chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và quy định của địa phương từ đời này qua đời khác. 36 hộ dân chúng tôi đang sống yên ổn nay lại cảm thấy bất an”, ông N., một người dân tổ Tháu phân trần.

Theo người dân, nguyên nhân bắt đầu khi có sự xuất hiện của người đàn ông mang tên Kiều Văn L. (biệt danh L. “lửa”) và Hùng (Hùng vista). Vào khoảng đầu năm 2023, sau khi xuất hiện, ông L. khoanh vùng nước làm bè nổi, nhà hàng, khách sạn ngủ, nghỉ lưu trú qua đêm… trên mặt hồ sông Đà thuộc tổ Tháu. Việc này gây cản trở giao thông, tàu thuyền khó di chuyển và cản trở luồng lạch của người dân khi đưa con lên bờ tới trường học.

Theo nội dung phản ánh đến Báo GD&TĐ, ông L. khoanh vùng mặt nước bằng cách giăng dây phao, thả neo dây, có dấu hiệu của việc “phân lô” trên mặt hồ.

“Khoảng 16 giờ 30 phút ngày 27/5/2024, L. cùng một vài thanh niên xăm trổ đầy mình đi vào xuồng nhà anh Nguyễn Văn Hiện, khu nuôi lồng cá của hộ dân Nguyễn Xuân Đạt cắt dây điện thắp sáng của xuồng, chặt phá dây neo xuồng rồi kéo xuồng di dời ra chỗ khác để xuồng trôi tự do”, nội dung đơn trình bày.

Đỉnh điểm “vào sáng ngày 29/5/2024, một số hộ dân bị nhóm người lạ mặt cắt phá cáp neo bè, lồng cá kèm theo những lời đe dọa… Nhóm của L. đã tự ý đi cắm mốc, xác định vị trí mặt nước lòng hồ cho một số người không phải người dân trong tổ Tháu. Mục đích nhóm người này là gây sách nhiễu cho các hộ dân đã và đang nuôi trồng thủy sản từ bao đời nay”, đơn của người dân nhấn mạnh.

Ông H., một người dân sống trong lòng hồ thủy điện cho biết, kể từ ngày có nhóm người lạ mặt xuất hiện, người dân không ai mở rộng được việc nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trên mặt hồ. Tàu thuyền cỡ lớn, ca nô lướt sóng tốc độ cao di chuyển tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Trước những thông tin người dân phản ánh, bà Nguyễn Thị Tuyến, Tổ trưởng Tổ dân phố Tháu xác nhận với Báo GD&TĐ: “Thời gian trước, luồng lạch dưới lòng hồ rất rộng, ông Kiều Văn L. (về lòng hồ - PV) nhận chỗ này, chỗ nọ khiến người dân bức xúc. Coi người dân không là gì cả”.

mat-nuoc-ho-thuy-dien-hoa-binh-bi-chia-cat-bai-1-1-9664.jpg
Công trình kiên cố nhà hàng của hộ ông Kiều Văn L.

Công trình đồ sộ trên lòng hồ

Những ngày giữa tháng 9, phóng viên Báo GD&TĐ có mặt tại tổ dân phố Tháu, phường Thái Bình, TP Hòa Bình (Hòa Bình) để ghi nhận sự việc. Bước qua cổng barie để xuống bến thuyền, chúng tôi phải trả 50.000 đồng phí gửi ô tô. Một thanh niên gác chốt ra thu tiền, nhưng không đưa vé của đơn vị quản lý.

Ông H., lái chiếc thuyền nhỏ đưa chúng tôi đi vòng quanh hồ. Chỉ tay vào dãy nhà nổi kiên cố, sang trọng trên hồ, ông H. nói rằng, đây là công trình của ông L.

Khu công trình trên ước chừng rộng vài trăm mét vuông. Phòng ăn có sức chứa lên đến hàng chục người, có phòng ngủ nghỉ lưu trú qua đêm. Bên cạnh công trình nhà nổi này có 2 chiếc tàu lớn dùng để chở khách tham quan có thể chứa cả trăm người.

mat-nuoc-ho-thuy-dien-hoa-binh-bi-chia-cat-bai-1-2-6514.jpg
Công trình hộ ông Kiều Văn L. gồm nhà hàng, thuyền lớn… án ngữ giữa lòng hồ khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn, thu hẹp kế sinh nhai.
mat-nuoc-ho-thuy-dien-hoa-binh-bi-chia-cat-bai-1-3-3175.jpg
Công trình kiên cố hàng trăm mét vuông trên mặt nước của ông Kiều Văn L.

Trong vai nhóm người thích du lịch vùng sông nước, chúng tôi đặt suất ăn tại nhà hàng Hobi Homestay và gặp người phụ nữ nhận là quản lý nhà hàng. Người này giới thiệu: Nếu thuê tàu đi ngắm cảnh quanh hồ thì chi phí từ 3 – 4 triệu đồng, mức giá cho lưu trú qua đêm là hơn 1 triệu đồng/phòng/đêm. Ngoài ra, còn có các dịch vụ giải trí như: Chèo thuyền, lướt tàu tốc độ cao, hát karaoke…

Cách Hobi Homestay không xa là công trình Passion Restaurant Homestay mọc lên bề thế không kém về quy mô và diện tích, hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ, chèo thuyền. Theo tìm hiểu, chủ công trình này là ông Nguyễn Hải Tr.

Trong quá trình tìm hiểu, hàng chục hộ dân tổ dân phố Tháu, phường Thái Bình, TP Hòa Bình (Hòa Bình) thông tin, nghi vấn những công trình mọc lên trên phần diện tích mặt nước vốn được cấp phép để nuôi thủy sản, nhưng thực tế họ đang sử dụng sai mục đích.

“Vào độ tháng 4 đến tháng 7, khách tứ phương đổ về các nhà hàng này nườm nượp. Có đoàn lên đến cả trăm người. Họ ăn uống, ngủ lại qua đêm, hát hò gây tiếng ồn cả khu vực. Họ thuê thuyền đi vãn cảnh, chụp ảnh. Không rõ rác thải sinh hoạt, chất thải của nhà hàng này đổ đi đâu”, bà M., một người dân khu vực lòng hồ nghi ngại.

“Đơn được gửi lên cả tỉnh, tỉnh lại chuyển về thành phố, thành phố lại chuyển về phường. Chúng tôi mong mỏi các cơ quan chức năng vào cuộc để giữ bình yên cho nhân dân”, bà Nguyễn Thị Tuyến - Tổ trưởng Tổ dân phố Tháu nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ