Theo thống kê của Văn phòng Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, năm 2017 số ứng viên GS, PGS có số lượng bài báo công bố quốc tế tăng hơn nhiều so với những năm trước, trong đó có những bài đăng trên các tạp chí ISI và Scopus.
Như vậy, các nhà giáo của chúng ta ngày càng có nhiều bài công bố trên các tạp chí quốc tế hơn. Đây là một biểu hiện của sự hội nhập của khoa học Việt Nam với khoa học quốc tế. Tuy vậy, các ứng viên các ngành khoa học tự nhiên và khoa học công nghệ có số lượng các bài báo quốc tế cao hơn các ứng viên ngành khoa học xã hội. Vấn đề này nên được hiểu như thế nào ?
Trả lời câu hỏi này, GS Vũ Dũng cho rằng: việc công bố một bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế hay tạp chí quốc gia trước hết phải xem mục đích mà bài báo đó hướng tới.
Việc công bố quốc tế là rất cần thiết, đặc biệt trong xu thể hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam với các quốc gia khu vực và thế giới hiện nay. Song, bài báo đó trước hết phải phục vụ cho lợi ích của đất nước, của dân tộc, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Việc công bố các bài báo khoa học có chất lượng khoa học tốt, phục vụ thiết thực cho sự phát triển của Việt Nam thì bài báo đó dù đăng ở các tạp chí quốc gia vẫn cần được đánh giá, ghi nhận và tôn trọng.
Tại sao các bài báo công bố trên các tạp chí ISI và Scopus lại tập trung nhiều hơn vào một số ngành, mà cụ thể là các ngành khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ? Theo GS Vũ Dũng, điều này không khó để lý giải.
Vì các ngành khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ ít liên quan đến vấn đề chính trị nhạy cảm, trong khi đó nhiều ngành khoa học xã hội lại liên quan đến các vấn đề chính trị nhạy cảm mà các lực lượng bên ngoài có thể lợi dụng để chống đối chung ta, có thể ảnh hưởng xấu đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Chẳng hạn, như ngành Quốc phòng, An ninh, Chính trị học, Tôn giáo học, Dân tộc học, một số lĩnh vực của Kinh tế học, Tâm lý học, Ngôn ngữ, Ngoại giao…
Việc công bố các bài báo của các ngành này trên các tạp chí quốc tế cần phải suy nghĩ, cân nhắc, thận trọng để vừa đảm bảo tính khoa học, vừa không tổn hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc. Đây là một bài toán không đơn giản. Việc một tỷ lệ đáng kể các ứng viên không có công bố quốc chủ yếu rơi vào các ngành khoa học này.
“Cách đây không lâu, một người ở Cục An toàn thực phẩm kể cho tôi nghe câu chuyện: Có một bài báo công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín về vấn đề vấn đề thiếu an toàn trong sản xuất thực phẩm ở nước ta, lập tức một số nước ngừng ngay nhập sản phẩm của nước ta, gây cho chúng ta thiệt hại lớn về kinh tế. Sau khi tìm hiểu ra mới biết họ dựa vào kết quả nghiên cứu của bài báo này. Đây là một minh chứng về hậu quả tiêu cực của một công bố quốc tế” – GS Vũ Dũng đưa ví dụ.
Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư ngành Tâm lý học cũng cho biết thêm: Việc công bố quốc tế có những yêu cầu rất khắt khe. Để công bố được một bài báo quốc tế phải mất từ 1 - 2 năm. Mặt khác, nhiều tạp chí quốc tế muốn đăng bài phải đóng một khoản lệ phí đáng kể. Đây cũng là vấn đề khó khăn đối với nhiều nhà khoa học, nhà giáo, đặc biệt là các nhà khoa học và nhà giáo trẻ.
GS. TS. Vũ Dũng