Ứng viên GS, PGS tăng 1,6 lần nhưng bài báo ISI/Scopus tăng 2,1 lần

GD&TĐ - Đó là thông tin từ GS.TSKH Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo ĐHQG Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng liên ngành Lịch sử, Khảo cổ, Dân tộc học (Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước) – khi chia sẻ về kết quả xét chức danh GS, PGS năm 2017 mới được công bố.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

- Thưa GS, một số phương tiện thông tin đưa con số ứng viên GS, PGS năm nay đông hơn nhiều so với năm trước? Ông nhận định sao về điều này?

Số ứng viên vào chức danh GS, PGS năm nay đúng là nhiều hơn năm ngoái; tính một cách chính xác là tăng hơn 1,6 lần. Trước hiện tượng này có nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có người nói do đây là lần cuối để áp dụng theo quy chế cũ và quy chế mới sẽ chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, có một thực tế, quy chế mới hiện chỉ là dự thảo, Thủ tướng Chính phủ chưa ký, cho đến tận hôm nay vẫn vậy. Nên ý kiến cho rằng, năm nay số ứng viên GS, PGS đông do “chạy” để không phải áp dụng theo quy chế mới là không có có sở.

Để giải thích tại sao năm nay có nhiều ứng viên cho chức danh GS, PGS, tôi không loại trừ khả năng nào, nhưng chắc chắn có một nguyên nhân quan trọng đó là việc kéo dài thời gian do sự chuẩn bị rất kỹ trong xét duyệt. Năm 2016, ứng viên nộp hồ sơ từ tháng 1 cho đến hết tháng 5; trong khi đó năm nay, thời gian là từ tháng 1 cho đến hết tháng 11; như vậy, thời gian kéo dài hơn 2 lần. Từ đó, tạo cơ hội cho rất nhiều người hoàn thiện được hồ sơ của mình. 

- Số lượng ứng viên đông như vậy có ảnh hưởng đến chất lượng GS, PGS năm nay không, thưa GS?

Tôi cho rằng, không phải lúc nào số lượng nhiều hơn thì chất lượng sẽ kém đi. Riêng năm nay, do hiện tượng ứng viên tăng tới 60% nên Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước đã quyết định tăng cường tính chặt chẽ. Đơn cử, nếu như mọi năm không có việc thẩm định lại hồ sơ từ Hội đồng cơ sở gửi lên thì năm nay đã thực hiện thẩm định xác suất hồ sơ từ Hội đồng cơ sở. Việc làm này giúp tăng tính nghiêm túc lên rất nhiều.

Cùng với đó là việc có đoàn giám sát, trong đó có Thanh tra Bộ GD&ĐT đến dự ở tất cả các cấp ở Hội đồng, đặc biệt Hội đồng ngành. Việc có đoàn giám sát là cố gắng của Chủ tịch Hội đồng chức danh GS Nhà nước và Thường trực Hội đồng chức danh GS Nhà nước, là một giải pháp để tăng cường tính nghiêm túc trong xét chọn ứng viên.

- Có ý kiến cho rằng, chất lượng GS, PGS thể hiện ở số bài báo quốc tế, nhưng bài báo năm nay đăng trên ISI/Scopus chưa nhiều, GS nghĩ sao?

Chất lượng ứng viên thể hiện ở 2 chỉ báo. Thứ nhất là hồ sơ, điểm công trình, hướng dẫn, giờ dạy, nghiên cứu khoa học. Thứ 2: ứng viên phải trình bày trước Hội đồng cả về chuyên môn lẫn ngoại ngữ.

Đánh giá chung của Hội đồng và đoàn giám sát, chất lượng ứng viên năm nay tương đối đồng đều, riêng Hội đồng tôi làm chủ tịch, chất lượng tương đối cao.

Số bài báo quốc tế nằm trong danh mục ISI/Scopus năm nay lên tới 5.310 bài. Năm 2016, số bài báo chỉ hơn 2.510 bài. Như vậy, dễ tính được, trong khi số ứng viên tăng 1.6 lần thì số bài quốc tế tăng gấp hơn 2 lần.

Nếu năm ngoái, số bài báo quốc tế trong lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn hầu như không có, thì năm nay đã có trên 120 bài. 

Chẳng hạn Hội đồng của chúng tôi năm nay có một cách đánh giá ngoại ngữ tương đối sát thực. Theo đó, ứng viên không phải trình bày những bài chuẩn bị sẵn mà ngoài trao đổi chuyên môn, mỗi ứng viên còn phải “bắt” ngẫu nhiên một trang văn bản liên quan đến chuyên môn và hoàn toàn mới với ứng viên. Họ phải đọc trước Hội đồng, sau đó dịch nhanh ra tiếng Việt, rồi lại dịch ngược lại bằng ngoại ngữ. Qua đó có thể thấy trình độ ngoại ngữ của ứng viên tương đối thực chất.

Điểm công trình của Hội đồng năm nay tôi làm Chủ tịch cũng khá cao. PGS chỉ cần 6 điểm, nhưng nhiều người đạt đến 20 điểm công trình. Hầu hết các GS đều đạt trên dưới 50 điểm công trình.

Người ta hay nói tới số lượng bài báo quốc tế, nhưng nếu không tìm hiểu kỹ thì dễ dẫn tới hiểu nhầm. Số bài báo quốc tế nằm trong danh mục ISI/Scopus năm nay lên tới 5.310 bài. Năm 2016, số bài báo chỉ hơn 2.510 bài. Như vậy, dễ tính được, trong khi số ứng viên tăng 1.6 lần thì số bài quốc tế tăng gấp hơn 2 lần.

Có một số ngành, ứng viên còn thiếu vắng bài báo trên các tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus; nhưng chúng ta cần xem xét một cách cụ thể, đó là, những ngành này, số tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus không nhiều.

Nếu năm ngoái, số bài báo quốc tế trong lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn hầu như không có, thì năm nay đã có trên 120 bài.

Rất nhiều nội dung khoa học về xã hội nhân văn viết về các vấn đề của Việt Nam, đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước, chất lượng không hề thấp vì trong nước rất nhiều chuyên gia am hiểu về vấn đề đó và đủ khả năng thẩm định những bài có chất lượng cao. Những bài nội dung này, nếu đăng trên tạp chí nước ngoài, không hẳn chất lượng đã cao hơn khi đăng ở tạp chí trong nước.

Chúng ta chỉ thống kê bài viết trên ISI và Scopus, nên công bố trên tạp chí nước ngoài không thuộc danh mục này không hiện lên trong số thống kê. Nếu tính hết, số lượng còn cao hơn nhiều.

Nhìn theo cách nào thì chất lượng GS, PGS được xét trong năm 2017 không hề thấp hơn năm 2016, nếu không nói là trên một số tiêu chí thì còn nhỉnh hơn.

- Xin cảm ơn GS!

Đây mới chỉ là công nhận đạt chuẩn chức danh GS/PGS, chưa phải là GS/PGS. Bước tiếp theo, những ứng viên đạt chuẩn này phải được cơ sở giáo dục bổ nhiệm thì mới là GS/PGS. Trong điều kiện các trường tự chủ thì việc bổ nhiệm không phải dễ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ