Công bố 1.226 ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017

GD&TĐ - Trong 2 ngày 31/1-1/2/2018, tại Hà Nội, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước nhiệm kỳ 2014-2019 đã họp kỳ họp lần thứ VII, xét duyệt, bỏ phiếu tín nhiệm ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017.

Công bố 1.226 ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017

Văn phòng Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đã có thông cáo báo chí thông tin về nội dung này.

Theo thông cáo, năm 2017, số ứng viên nộp hồ sơ là 1.537, trong đó có 151 ứng viên GS và 1.386 ứng viên PGS. Số ứng viên năm nay có tăng là do ngày hết hạn nộp hồ sơ muộn hơn gần 6 tháng so với năm 2016; mặt khác, có thể các ứng viên mong muốn được xét theo quy định hiện hành trước khi có sự thay đổi về tiêu chuẩn chức danh.

Số ứng viên đạt kết quả tại 110 Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở là 1.418 người (92,26%), trong đó ứng viên GS là 125 người (82,78%), ứng viên PGS là 1.293 người (93,29%).

Số ứng viên đạt kết quả tại 28 Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước là 1.235 người (85,70%), trong đó ứng viên GS là 89 người (71,20%), ứng viên PGS là 1.146 người (88,69%).

Số ứng viên đạt kết quả tại Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước là 1.226 người (91,17%), trong đó ứng viên GS là 85 người (95,50%), ứng viên PGS là 1.141 người (99,56%).

GS trẻ nhất là 35 tuổi

Số ứng viên đạt kết quả tại Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước là 1.226 người (91,17%), trong đó ứng viên GS là 85 người (95,50%), ứng viên PGS là 1.141 người (99,56%).

Số ứng viên năm nay có tuổi đời trung bình trẻ hơn các năm trước: GS là 55 (năm 2016 là 57) và PGS là 45 (năm 2016 là 44).

Ứng viên GS trẻ nhất năm 2017 là Phạm Hoàng Hiệp (Viện Toán học, Viện HLKH & CN Việt Nam), 35 tuổi (sinh 01/03/1982), ngành Toán học; kỷ lục GS trẻ nhất Việt Nam cho đến hết năm 2016 là 37 tuổi;

Ứng viên PGS trẻ nhất năm 2017 là Đỗ Đức Thuận (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), 32 tuổi (sinh 28/9/1985), ngành Toán học; kỷ lục PGS trẻ nhất Việt Nam cho đến hết năm 2016 là 28 tuổi.

Tổng số ứng viên nữ: 349 người (28,46%); dân tộc thiểu số: 9 người (0,73%); số ứng viên là giảng viên thỉnh giảng: 232 người (18,92%). Số ứng viên làm việc tại Hà Nội: 713 người (58,15%), TP. HCM: 205 người (16,72%), các tỉnh thành khác: 308 người (25,12%); năm 2016: số ứng viên của các tỉnh thành khác là 19,66%; số ứng viên nữ đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017 và số ứng viên đạt tiêu chuẩn GS, PGS các khu vực ngoài Hà Nội và TP. HCM năm 2017 nhiều hơn các năm trước.

Năng lực tiếng Anh của GS, PGS tăng

Xem danh sách các ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017 TẠI ĐÂY

Năng lực tiếng Anh của các ứng viên tốt hơn các năm trước, nhất là các ứng viên trẻ, các ứng viên được đi du học theo Đề án 322, Đề án 911 của Chính phủ, ứng viên của các cơ sở giáo dục đại học có hợp tác quốc tế hiệu quả. Ở một số hội đồng, năng lực ngoại ngữ nhất là tiếng Anh của các ứng viên còn hạn chế.

Điều đáng mừng là số lượng các bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí ISI và Scopus của các ứng viên trong các năm gần đây tăng nhanh và năm 2017 là 5.316, trong đó Vật lý: 1.177, Hóa học-Công nghệ thực phẩm: 1.027, Y học: 674, Sinh học: 597,...

Ứng viên một số ngành khoa học xã hội và nhân văn cũng đã có bài báo đăng trên các tạp chí ISI và Scopus, cụ thể: Kinh tế: 102, Triết học-Xã hội học-Chính trị học: 14,...

Tất nhiên, khi thống kê các số liệu này, cần chú ý đến: đặc thù quốc tế khác nhau của các ngành khoa học; có tác giả viết nhiều bài báo quốc tế nhưng mỗi bài lại thường nhiều tác giả; khi đánh giá thành tích của các tân GS, PGS cần xem trọng cả 3 lĩnh vực: nghiên cứu khoa học, đào tạo và đóng góp cho xã hội.

Một số ứng viên có nhiều bài báo quốc tế ISI/ Scopus, có chỉ số H cao, hoặc có nhiều công trình được ứng dụng hiệu quả trong thực tế, đáng được biểu dương. Ví dụ: Nguyễn Quang Trường, ngành Sinh học có 160 bài; Nguyễn Thị Hồng Vân, ngành Vật lý: 153 bài; Trần Đại Lâm, ngành Hóa học: 114 bài, chỉ số H = 26; Trần Đăng Thành, ngành Vật lý: 110 bài, ...; Nhiều ứng viên có đề tài nghiên cứu khoa học đã được ứng dụng và chuyển giao công nghệ, đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội tốt.

Một số ứng viên được trao giải thưởng quốc tế có uy tín vì thành tích nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng: Nguyễn Thế Hoàng (Bệnh viện Trung ương quân đội 108), giải thưởng A.v.Humboldt, APKO, J.N. Von Nussbaum của Đức;

Nguyễn Thị Kim Tiến (Bộ Y tế), Huân chương Bắc đẩu Bội tinh của Pháp; Nguyễn Thị Lệ Thu (Trường ĐH Bách khoa, Đại học Quốc gia TP. HCM) và Hoàng Thị Đông Quỳ (Trường Đại học KHTN, Đại học Quốc gia TP.HCM): Giải thưởng cho các nhà khoa học nữ năm 2017 “L’Oreal – UNESCO For Women in Science”. Giải thưởng Bông lúa vàng, Giải thưởng Tạ Quang Bửu hoặc Huy chương vàng về Văn hóa-Nghệ thuật,..

Tỷ lệ ứng viên đạt kết quả qua hai cấp hội đồng cho thấy: Khâu “sàng” ở các HĐCDGSCS, nhất là khâu “lọc” ở HĐCDGSN và khâu “xét duyệt” của HĐCDGSNN là cần thiết cho việc nâng cao và đảm bảo mặt bằng chất lượng chung trong phạm vi cả nước, các ngành, liên ngành và chú ý đặc thù vùng miền, dân tộc ít người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ