GS, PGS tuổi đời trẻ hơn và năng lực tiếng Anh tăng
Công bố của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, số GS mới được công nhận là 85 người, PGS 1.141 người. Điều đáng lưu ý là số ứng viên năm nay có tuổi đời trung bình trẻ hơn các năm trước: GS là 55 (năm 2016 là 57) và PGS là 45 (năm 2016 là 44).
Ứng viên GS trẻ nhất năm 2017 là Phạm Hoàng Hiệp (Viện Toán học, Viện HLKH & CN Việt Nam), sinh 01/03/1982, ngành Toán học (kỷ lục GS trẻ nhất Việt Nam cho đến hết năm 2016 là 37 tuổi). Ứng viên PGS trẻ nhất năm 2017 là Đỗ Đức Thuận (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), sinh 28/9/1985) ngành Toán học (kỷ lục PGS trẻ nhất Việt Nam cho đến hết năm 2016 là 28 tuổi).
Tuy tuổi đời trẻ hơn, nhưng năng lực tiếng Anh và số lượng các bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí ISI và Scopus của các ứng viên đề tăng. Một số ứng viên được trao giải thưởng quốc tế có uy tín vì thành tích nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.
Công bố học sinh giỏi quốc gia 2018
Tuần qua, Cục Quản lí chất lượng (Bộ GD&ĐT) công bố danh sách các thí sinh đoạt giải trong kì thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2018. Theo công bố này, Hà Nội dẫn đầu cả nước với 142 học sinh đoạt giải, trong đó có 10 giải nhất. Xếp thứ 2 là Hải Phòng với 90 học sinh đoạt giải (có 11 giải nhất); Nghệ An xếp thứ 3 với 90 học sinh đoạt giải (4 giải nhất)…
Những gương mặt xuất sắc trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm nay góp phần làm nên điều đặc biệt cho kết quả kỳ thi.
Báo Hà Tĩnh đã gặp gỡ 3 thí sinh đoạt giải nhất giúp tỉnh giữ vững vị trí top 5 cả nước về thành tích học sinh giỏi quốc gia.
Đó là Lê Thị Hiếu Ngân (lớp 11 Sử - Địa, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh), dù lần đầu tiên tham gia kỳ thi nhưng đã có bước đột phá với giải nhất môn Lịch sử; Phan Văn Đức Nhật (lớp 12 T1, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh) đem về giải nhất môn Toán cho tỉnh sau 12 năm vắng bóng; Trần Thị Kim Chi (lớp 12 Pháp, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh) bứt phá với giải nhất tiếng Pháp từ xuất phát điểm là giải khuyến khích ở kỳ thi đầu năm lớp 11.
Báo Giáo dục và Thời đại chia sẻ câu chuyện về thí sinh điểm cao nhất toàn quốc kỳ thi HSG quốc gia môn Toán năm nay, đó là Vương Đình Ân - học sinh Trường THPT chuyên Bắc Giang. Năm học trước, Ân từng đạt giải nhì tại kì thi này.
Bố làm công nhân Nhà máy Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, mẹ là giáo viên dạy Tiểu học, ngay từ nhỏ, Ân đã được bố mẹ rèn nền nếp học tập nghiêm túc và đạt thành tích cao trong 12 năm học. Mơ ước của Ân là trở thành nhà nghiên cứu về toán trong tương lai.
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy Viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội vinh danh các cầu thủ Hà Nội tham gia đội tuyển bóng đá U23. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN) |
Tỏa sáng giữa đời thường
Tuần qua, những câu chuyện đẹp trong ngành Giáo dục tiếp tục được chia sẻ. Người lao động có bài viết về chân dung các nhà giáo tiêu biểu được Công đoàn Giáo dục TP Hồ Chí Minh tuyên dương năm 2018.
Trong đó có cô giáo trẻ Trịnh Hồng Nhung, giáo viên Trường THCS - THPT Sương Nguyệt Anh, người có sáng kiến giúp loại bỏ hẳn hình thức đọc, chép với môn Ngữ văn; thay vào đó là những giờ học sinh động được lồng ghép bằng phim, ảnh, các hình thức thi kể chuyện, đóng kịch… khơi gợi được hứng thú của học sinh.
Hay cô giáo Nguyễn Ngọc Ái Ban (Trường THPT Thủ Thiêm), chồng là chiến sĩ Hải Quân không mấy khi được về nhà, mình cô gánh vác mọi nhọc nhằn và chăm sóc người con tự kỷ nhưng vẫn luôn hoàn thành tốt công việc chuyên môn, đồng thời là một chủ tịch công đoàn tận tâm, hết mình vì tập thể…
Báo Thanh niên có bài viết về những sáng tạo tuyệt vời của các giáo viên đoạt giải cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin 2017”. Giải nhất của cuộc thi đến từ một sản phẩm có rất nhiều tiếng vang trong thời gian vừa qua là “Ánh sáng hạnh phúc” của thầy Phạm Thư Tùng và Mai Xuân Long (Trường THPT Ernst Thalmann - TP.HCM).
Từ một chuyến đi tình nguyện, nhận ra tại TP.HCM còn nhiều nơi đang thiếu thốn đèn điện, là giáo viên dạy môn Vật lý, hai thầy đã áp dụng kiến thức trong môn học này để chế ra “đèn ve chai” thắp sáng bằng năng lượng mặt trời. Dự án này được triển khai cho tất cả các khối lớp của trường. Ngoài việc học về các nguyên lý tạo ra ánh sáng của bóng đèn, học sinh sẽ trực tiếp đến những nơi nghèo khó, thiếu thốn ánh sáng của TP.HCM để lắp đặt bóng điện.
Báo Nhân dân có bài viết về cô Bùi Thị Bé Lê - Hiệu trưởng Trường mầm non xã Lượng Minh (Nghệ An). Thương trò nghèo, gần 5 năm qua, cô đã kết nối, trao gần 2.000 bộ quần áo, hơn một nghìn đôi dép, 65 chăn ấm,ba bình chứa nước cùng nhiều đồ cũ các loại khác cho học sinh. Các loại đồ cũ, trước khi phát cho các em, cô đều nhờ người nhà phân loại, khâu vá tươm tất hay giặt sạch sẽ. Đáng nói hơn, thông qua các cơ quan truyền thông, cô kêu gọi ủng hộ được số tiền khá lớn cho những trường hợp không may bị tai nạn.
"Hành động thiện nguyện "tất cả vì học sinh thân yêu" của cô giáo Bùi Thị Bé Lê xứng đáng được nêu gương và nhân rộng", Bí thư Huyện ủy huyện Tương Dương Phạm Trọng Hoàng nhận xét.
Ngày 1/2, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Thành Đoàn Hà Nội tổ chức tuyên dương 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2017.
Trong số 10 gương mặt trẻ tiêu biểu được tuyên dương lần này có chàng trai "vàng" Olympic Hóa học Đinh Quang Hiếu (sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội) - từng giành “cú đúp” huy chương vàng Olympic Hóa học quốc tế trong 2 năm liên tiếp 2016, 2017; sinh viên Vũ Huy Cảng (trường Đại học Điện lực), người từng trả lại 320 triệu đồng cho khách bỏ quên...