Vì sao giáo dục Thái Lan trì trệ?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hệ thống giáo dục công của Thái Lan hiếm khi được coi là một câu chuyện thành công, và đang phải đối mặt với một loạt thách thức...

Giáo viên thường được yêu cầu làm thêm. Ảnh: Thethaiger
Giáo viên thường được yêu cầu làm thêm. Ảnh: Thethaiger

Thách thức phổ biến như bất bình đẳng, kinh phí không đồng đều và thay đổi chính sách thường xuyên của Bộ Giáo dục; mức nợ giáo viên cao...

Bộ máy chậm chạp

Tỷ lệ 20 học sinh/giáo viên là chuẩn quốc gia, nhưng guồng quay của bộ máy hành chính ở Bộ Giáo dục Thái Lan thường hoạt động quá chậm. Vì không thể dễ dàng dự đoán được số lượng học sinh, một số trường như Noi Don Kha Pracha Samakkee, không có lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng giáo viên hợp đồng khi số học sinh đăng ký tăng lên.

Năm 2020, ngôi trường này chỉ có 65 học sinh nên mức trợ cấp thuê giáo viên do Bộ hỗ trợ là thấp. Thông thường, khi giáo viên được chỉ định đến các trường nhỏ hơn, ở nông thôn như nhiều trường ở Isaan (vùng Đông Bắc Thái Lan), họ được yêu cầu ở lại ít nhất hai năm. Khi giai đoạn đó kết thúc, nhiều yêu cầu được triển khai lại ở các trường lớn hơn tại thành thị.

Do khủng hoảng kinh phí kéo dài, giáo viên thường được yêu cầu làm thêm công việc hành chính về chuyên môn của môn học và sĩ số lớp học ngày càng tăng. Vào Ngày Nhà giáo, giáo viên tại các trường công đã ban hành tuyên ngôn bảy điểm về cải cách giáo dục, bao gồm yêu cầu trả lương cho nhân viên hỗ trợ để tối đa hóa thời gian giáo viên dành cho học sinh, giảm các đánh giá và nhiệm vụ không cần thiết, tăng số lượng giáo viên để giải quyết tình trạng thiếu nhân viên.

Chính phủ Thái Lan cũng đưa ra những sáng kiến nhằm giải quyết một số thách thức giáo dục dai dẳng. Một vài năm trước, Bộ trưởng Giáo dục lúc bấy giờ là Teerakiat Jareonsettasin đã tạo ra Dự án Trường học ICU, nhằm giúp đỡ hơn 5.000 trường học nhỏ có các tiêu chuẩn được cho là rất khó khăn. Mục tiêu của dự án là thuê thêm giáo viên, cũng như nâng cấp trường lớp. Tuy nhiên, kết quả cũng như trước, không được như mong đợi.

Giáo viên ở Thái Lan đối mặt với nhiều áp lực. Ảnh: Theisaanrecord

Giáo viên ở Thái Lan đối mặt với nhiều áp lực. Ảnh: Theisaanrecord

Nguồn vốn thiếu, không bình đẳng

Thái Lan được cho là sẽ huy động các nguồn lực theo Chương 8 của Đạo luật Giáo dục quốc gia, cho phép các tổ chức hành chính nhà nước và địa phương đánh thuế. Vấn đề là cơ chế tài trợ này không được ưa chuộng về mặt chính trị. Cuối năm ngoái, chính phủ quyết định giữ thuế đất và xây dựng ở mức vốn đã thấp trong hai năm nữa. Những nỗ lực để cải cách Đạo luật hoặc thay đổi cơ chế tài trợ đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt.

Về mặt lịch sử, Isaan và phần lớn miền Bắc được đánh giá thấp về chi tiêu công. Trong một báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2012, “Cải thiện cung cấp dịch vụ, Thái Lan: Quản lý tài chính công”, vùng đại đô thị Bangkok chỉ chiếm khoảng 17% dân số và 26% GDP, chiếm 72% chi tiêu. Trong khi vùng Đông Bắc chiếm 34% dân số, chiếm 5,8% tổng chi tiêu.

Các tiêu chuẩn cao hơn và sự tiêu hao cao hơn cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên. Theo Tiến sĩ Prawit Erawan, Tổng Thư ký Văn phòng Giáo viên và Ủy ban Nhân sự Giáo dục (GTEPC), Thái Lan có tổng số 400.000 giáo viên: 280.000 là giáo viên chuyên nghiệp (K2). Trong số mười giáo viên, bảy người có học lực thích hợp, ba giáo viên còn lại là mới hoặc dưới K2.

Năm nay, hơn 40 nghìn người đã vượt qua kỳ thi đủ điều kiện, trong tổng số hơn 140 nghìn người dự thi, đạt tỉ lệ 28%. Tình trạng thiếu hụt cũng liên quan đến đại dịch Covid-19, khi các kỳ thi tuyển giáo viên do chính phủ bổ nhiệm bị trì hoãn. Theo Văn phòng Ủy ban Giáo dục Cơ bản (OBEC), trong khi có hơn 170.000 người nộp đơn, 10.000 vị trí năm ngoái vẫn bị bỏ trống.

Ngoài mức lương thấp hơn mức trung bình, giáo viên ở Thái Lan còn phải vật lộn với khoản nợ tiêu dùng lớn. Ảnh: Impact-teaching

Ngoài mức lương thấp hơn mức trung bình, giáo viên ở Thái Lan còn phải vật lộn với khoản nợ tiêu dùng lớn. Ảnh: Impact-teaching

Bị áp lực bởi nợ

Các giáo viên của Thái Lan, ngoài mức lương thấp hơn mức trung bình, còn phải vật lộn với khoản nợ tiêu dùng lớn. Trong số hơn 900 nghìn giáo viên hiện tại và đã nghỉ hưu trên khắp đất nước, số nợ của họ vào khoảng 1,4 nghìn tỷ baht, trung bình hơn 1,5 triệu baht/người (khoảng 45.000 USD).

Bộ Giáo dục đã làm việc với các đơn vị để giảm lãi suất cho giáo viên, trong một chương trình thí điểm mà sau này sẽ được áp dụng trên toàn quốc. Chương trình cũng nhằm mục đích tái cơ cấu các khoản nợ hiện có và giảm lãi suất cho các giáo viên đã nghỉ hưu trên 75 tuổi xuống dưới một phần trăm.

Một vấn đề nữa là thiếu sự kiểm soát đối với số tiền có thể cho giáo viên vay khi họ cố gắng vay tiền từ các tổ chức tài chính. Các quan chức của Bộ đã xem xét các chính sách hạn chế vay ở mức 30% lương hàng năm của một giáo viên. Một phần của vấn đề nợ tiêu dùng liên quan đến bất bình đẳng thu nhập, trong đó Thái Lan xếp hạng cao nhất thế giới. Bất bình đẳng rõ rệt giữa thành thị và nông thôn.

Tình trạng thiếu giáo viên và khủng hoảng nợ đang gia tăng ở Thái Lan khó có thể sớm biến mất. Bất chấp lời hứa của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha rằng, năm 2022 sẽ là năm giải quyết vấn đề nợ hộ gia đình khổng lồ của Thái Lan, các giáo viên, trong số những chuyên gia được kính trọng nhất của đất nước, sẽ vẫn là gánh nặng trước mắt.

Tanawat Suwannapan - giáo viên Trường Rajadamri ở Bangkok đã lưu ý trong một cuộc trao đổi email với Theisaanrecord rằng, trong khi các giáo viên có được vị thế đặc biệt trong xã hội Thái Lan, đặc biệt là đối với những người không có trình độ học vấn, thì xã hội Thái Lan cũng đặt lên vai họ một gánh nặng đặc biệt. Ở nhiều khía cạnh, một Bộ Giáo dục hoạt động không hiệu quả là nguyên nhân dẫn đến phần lớn những gì gây ra cho nền giáo dục Thái Lan.

Theo Theisaanrecord

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ