Thái Lan: Thách thức giáo dục không đồng đều

GD&TĐ - Trong bối cảnh suy thoái thương mại toàn cầu và căng thẳng gia tăng, nền kinh tế Thái Lan dự kiến sẽ tăng 3,8% trong năm 2019 và 3,9% vào năm 2020 - theo báo cáo Giám sát kinh tế Thái Lan vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố. 

HS Thái Lan tại các trường ở khu vực phát triển có sự khác biệt rất lớn về điều kiện học tập so với bạn bè ở những vùng khó khăn. Ảnh: Thailand Business.
HS Thái Lan tại các trường ở khu vực phát triển có sự khác biệt rất lớn về điều kiện học tập so với bạn bè ở những vùng khó khăn. Ảnh: Thailand Business.

Báo cáo cho rằng, đầu tư vào vốn nhân lực và theo đuổi cải cách kinh tế là điều cần thiết để Thái Lan trở thành một quốc gia có thu nhập cao, với cơ hội bình đẳng cho mọi công dân.

Cảnh báo tác động từ thế giới

Theo nhận định của WB, năm 2018, bất chấp những cú sốc bên ngoài đối với thương mại và du lịch, tăng trưởng của kinh tế Thái Lan được ước tính đã tăng tốc lên 4,1%. Nền kinh tế nước này tỏ ra kiên cường trước những “cơn gió mạnh” toàn cầu, do tăng cường nhu cầu trong nước xuất phát từ sự gia tăng của tiêu dùng và đầu tư tư nhân.

Tuy vậy, từ phân tích xu hướng của nền kinh tế toàn cầu, báo cáo cảnh báo nhiều khả năng sẽ có sự suy giảm kinh tế nhẹ vào năm 2019. Trong khi đó, chi tiêu cơ sở hạ tầng công cộng của Thái Lan dự kiến sẽ tăng tốc vào năm 2019 và đón năm 2020, khi các dự án Hành lang kinh tế phương Đông được chính phủ nước này triển khai.

Báo cáo Giám sát kinh tế Thái Lan, được xuất bản hai lần một năm, là báo cáo hàng đầu của Văn phòng WB tại Thái Lan, nhằm phân tích hiệu quả và triển vọng kinh tế của đất nước. Phiên bản năm 2019 tập trung vào những thách thức cũng như cơ hội của Thái Lan trong việc tăng cường vốn nhân lực và giảm bất bình đẳng, với vai trò của giáo dục được đặc biệt nhấn mạnh.

Ông Kiatipong Ariyapruchya, Chuyên gia Kinh tế cao cấp của WB tại Thái Lan cho biết, tăng trưởng toàn cầu yếu hơn có thể sẽ tác động đến hoạt động xuất khẩu của Thái Lan và hạn chế các hoạt động sản xuất trong các ngành định hướng xuất khẩu.

“Trong bối cảnh này, việc tiếp tục thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng công cộng và cải cách kinh tế có thể giúp thúc đẩy nhu cầu trong nước vào năm 2019 và hỗ trợ tăng trưởng trung hạn”, ông Ariyapruchya đưa ra lời khuyên.

Tháng 10 năm ngoái, WB đã đưa ra Chỉ số Vốn nhân lực, trong đó đo lường mức năng suất cho thế hệ công nhân tiếp theo so với tiềm năng đầy đủ của họ, nếu tất cả các kết quả giáo dục và y tế được tối đa hóa.

Trong khi Thái Lan đạt được nửa trên của các chỉ số khác nhau so với các nước ASEAN và các quốc gia có thu nhập trung bình cao khác, WB cho rằng, vẫn còn khoảng trống để cải thiện thêm.

Thái Lan: Thách thức giáo dục không đồng đều ảnh 1
  • Bộ Giáo dục Thái Lan đang có kế hoạch cải tổ hệ thống giáo dục lên một cấp độ hoàn toàn mới, trong đó dành ưu tiên lớn cho giáo dục đại học. Ảnh: Thailand Business.

Thách thức giáo dục không bình đẳng

Tại Thái Lan, một đứa trẻ được sinh ra ngày hôm nay sẽ chỉ đạt 60% tiềm năng, về năng suất và thu nhập trọn đời. Chất lượng giáo dục không đồng đều ở đất nước này là một trong những thách thức lớn nhất, với các khu vực nghèo hơn bị đánh giá thấp và chịu nhiều thiệt thòi so với những khu vực phát triển.

Do các trường học ở những vùng khó khăn thường có quy mô nhỏ và nguồn lực hạn chế, với cơ sở hạ tầng và tài liệu giáo dục không đầy đủ, việc đáp ứng thời gian yêu cầu về 12,4 năm học cơ bản dự kiến cho một đứa trẻ sinh ra ở Thái Lan ngày nay, trên thực tế chỉ đạt được mức tương đương với 8,6 năm học.

Bên cạnh đó, gánh nặng cao của các bệnh không lây nhiễm và thương tích giao thông đường bộ đã ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ lệ sống sót trưởng thành của người dân trong nước, thấp hơn một nửa so với tỷ lệ trung bình toàn cầu.

Bà Birgit Hansl, Giám đốc Quốc gia WB tại Thái Lan cho biết, việc duy trì tốc độ cũng như chất lượng cải cách cơ cấu kinh tế - xã hội sẽ rất quan trọng trong việc giảm nghèo và nâng cao con đường tăng trưởng dài hạn trên 4% của Thái Lan, trước những thách thức về nhân khẩu học.

“Để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả người dân Thái Lan, sự nhấn mạnh vào đầu tư vốn của con người là chìa khóa chính. Giải quyết các lĩnh vực ưu tiên trong giáo dục và y tế có thể giúp chính phủ đi một chặng đường dài trong việc cân bằng các cơ hội cho thế hệ tiếp theo của đất nước”, bà Hansl nói.

Trở lại với phân tích của báo cáo Giám sát kinh tế Thái Lan, các lĩnh vực ưu tiên để cải thiện nguồn nhân lực ở nước này bao gồm giải quyết các thách thức mà các trường học có quy mô nhỏ phải đối mặt, nơi có khoảng một triệu trẻ em nghèo hiện đang được cung cấp một nền giáo dục kém chất lượng.

Để làm được điều này, khuyến cáo được đưa ra là các nỗ lực của chính phủ nên tập trung vào việc cải thiện quản lý dựa trên trường học và tăng hiệu quả của chi tiêu giáo dục công cộng - báo cáo lập luận. Cùng với đó, thúc đẩy môi trường sống lành mạnh hơn, đặc biệt là tập trung vào phòng ngừa và giảm các yếu tố rủi ro, là điều cần thiết để tăng tỷ lệ sống sót của người trưởng thành ở quốc gia này.

Theo Worldbank.org

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ