Thái Lan: “Giáo dục thực tế” lên ngôi

GD&TĐ - Học sinh tại Trung tâm Huay Pan (Thái Lan) đang chuẩn bị cho bài học buổi chiều - nơi sẽ được học về nước. Điều đặc biệt là, các em nhỏ sẽ được học ngay trên dòng sông Nan, một nhánh sông dài 740 km chảy qua ngôi làng nhỏ của chúng nằm tại một trong những vùng xa xôi nhất ở miền Bắc Thái Lan.

Các HS tại Trung tâm Huay Pan đang học cách đánh bắt cá trong môi trường tự nhiên
Các HS tại Trung tâm Huay Pan đang học cách đánh bắt cá trong môi trường tự nhiên

Giáo dục thực tế ở vùng hẻo lánh

Thực hành ngoài trời là một phần không thể thiếu trong chương trình học tại Trung tâm Huay Pan - ngôi trường duy nhất mà trẻ em trong làng dễ dàng tiếp cận, thay vì phải đi tới 120 km để theo học ở những cơ sở GD chính quy.

Không giống như các trường chính quy của Thái Lan, Huay Pan cung cấp “nền GD thực tế” cho trẻ từ cấp độ mẫu giáo đến THCS. Chương trình giảng dạy không chỉ bao gồm các môn học chính do Bộ Giáo dục đưa ra, mà còn kết hợp các bài học về những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến ngôi làng như: Đất, nước, rừng và an ninh lương thực.

HS tại Huay Pan được lựa chọn những gì các em muốn học và không phải làm bài thi. Đánh giá sẽ được đưa ra dựa vào quá trình học trong cả năm và điểm được tích lũy thông qua dự án do HS thực hiện. Về phần giáo viên, họ không phải là người dạy, mà là người cố vấn thiết kế môi trường học tập tích cực và đặt câu hỏi để kích thích trí tò mò, sáng tạo của HS.

“GD truyền thống ở Thái Lan giống như học trong một căn phòng nhỏ như bất cứ ở đâu trên thế giới. Nhưng ở đây, HS của chúng tôi học hỏi từ những kinh nghiệm đầu đời mà môi trường tự nhiên mang lại. Chúng học bằng cách nhìn và chạm vào những thứ có thật và điều đó mang lại hạnh phúc trong quá trình học tập”, cô Saranporn “Mon” Ratsiwo – GV Trung tâm Huay Pan, chia sẻ.

Giáo dục chính thống là chưa đủ

Trong khi các trường học ở Thái Lan về cơ bản vẫn là GD để HS phấn đấu đạt thành tích xuất sắc, các giáo viên tại Huay Pan lại hướng đến mục tiêu khiến GD trở nên thú vị nhằm phát huy hết tiềm năng của HS.

Trên thực tế, phương pháp dạy và học này đang dần phổ biến ở các quốc gia Đông Nam Á, nơi hệ thống GD chính thống đang có dấu hiệu đi xuống. Năm 2015, theo đánh giá của Chương trình Đánh giá HS quốc tế (PISA), Thái Lan chỉ khiêm tốn đứng ở vị trí 54/72 nước.

Theo đó, chương trình này đánh giá khả năng của các HS 15 tuổi về Khoa học, Toán học và Đọc, nhằm xác định khả năng vận dụng kiến thức đó vào thực tiễn. Kết quả cho thấy, Thái Lan đạt điểm thấp hơn mức trung bình trong mọi lĩnh vực, trong khi các nước láng giềng như Singapore đứng ở vị trí đầu bảng và Việt Nam xếp hạng 8.

8 HS từ 6 - 14 tuổi ngồi thành một vòng tròn cùng với GV và thảo luận về những gì các em sẽ làm. “Hôm nay, chúng ta sẽ học cách tìm thức ăn ở sông. Các em có thấy những gì cha mẹ đang làm ở đằng xa không?”, cô Saranporn “Mon” Ratsiwo hỏi. “Câu cá!”, lũ trẻ hào hứng đáp. Cô Ratsiwo cho biết, các bậc phụ huynh sẽ trở thành GV của các em trong buổi học này và hướng dẫn trẻ cách tìm ra các phương pháp đánh cá.

“Khoảng 1/2 trẻ em Thái Lan thiếu những kỹ năng nền tảng. Ở tuổi này, nhiều HS lựa chọn bỏ học để đi làm, có nghĩa là chúng tôi có một lực lượng lao động tiềm năng nhưng lại thật đáng lo ngại về kỹ năng mềm”, ông Nicha Pittayapongsakorn - nhà nghiên cứu GD của Viện Nghiên cứu phát triển Thái Lan cho biết.

Ông Pittayapongsakorn cho rằng, các trường học không nên chỉ cung cấp cho trẻ các kiến thức học thuật.

Tuy nhiên, cựu Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan Teerakiat Jareonsettasin khẳng định, kết quả của PISA không phải là biểu hiện của sự thiếu sót trong hệ thống GD nước này. “Ngay cả những người nói tiếng Anh cũng thấy bài đọc khó hiểu và phải đọc đi đọc lại nhiều lần. Tôi không nghĩ rằng đề thi quá tệ, nhưng điều đó rất khó đối với HS Thái Lan”, vị cựu Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trước tình trạng này, nhiều phụ huynh tin rằng, GD chính thống là không đủ cho con em họ. Bà Pornthawan Chanchitsophon - một phụ huynh vừa đăng ký cho con theo học tại một trường có chương trình học thực tế ở Bangkok, nhận định: “Chúng tôi không cho rằng, nền GD xuất sắc sẽ giúp trẻ dễ tồn tại trong xã hội này. Kỹ năng sống rất quan trọng và trẻ em tốt nghiệp từ các trường học thực tế sẽ được trang bị toàn diện”.

Tuy nhiên, tại Thái Lan, học phí cho các trường có mô hình học thực tế này tương đối cao. Không phải gia đình nào cũng có khả năng chi trả cho các cơ sở GD tư nhân cung cấp chương trình giảng dạy như vậy. Vì vậy, nhà nghiên cứu GD Nicha Pittayapongsakorn cho rằng, các trường công cần điều chỉnh chương trình học để giúp trẻ phát triển những kỹ năng ngoài sách vở.

Nỗ lực thay đổi

Nhiều nỗ lực đã được thực hiện để cải thiện nền GD Thái Lan. Các trường công đã cử đại diện đến thăm những cơ sở GD thực tế và quan sát kỹ thuật giảng dạy để điều chỉnh phương pháp.

Trường Roong Aroon (Bangkok) là một trong những cơ sở GD tiên phong trong việc áp dụng mô hình GD thực tế. Roong Aroon thường xuyên đón giáo viên từ nhiều trường trên cả nước đến quan sát cách GV và HS tương tác trong khuôn viên trường - một lớp học thiên nhiên rộng 8 ha bao quanh một hồ lớn.

Trường sử dụng một cách tiếp cận toàn diện để GD khoảng 1.400 HS từ mẫu giáo đến trung học về cách sống tự lập. Các HS phải tự nấu bữa trưa, trồng lúa và phân loại rác thải của trường để tái chế.

“Cuộc sống là để học. Chúng tôi học mọi lúc. Lớp học ở khắp mọi nơi và sách giáo khoa cũng vậy. Mỗi địa điểm trong trường đều mang đến cơ hội học tập”, người sáng lập Trường Roong Aroon, bà Prapapat Niyom chia sẻ. Cũng theo bà, Trường Roong Aroon luôn tạo cơ hội cho tất cả trẻ em phát huy hết tiềm năng theo cách hiệu quả nhất.

Bên cạnh việc học các môn chính, HS tại Trường Roong Aroon còn có được các kỹ năng khác từ quá trình học tập toàn diện. Các môn học được tích hợp và GV là những người tạo ra cơ hội học tập chủ động cho trẻ. Ngoài ra, HS được khuyến khích nghiên cứu, giao tiếp và làm việc theo nhóm thông qua thực hành trong các tình huống thực tế.

Theo CNA

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.