Vì sao danh sĩ Phạm Đình Hổ xin thôi chức Tế tửu Quốc Tử Giám?

GD&TĐ - Miễn cưỡng giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám, nhưng chưa được một năm thì Phạm Đình Hổ có bản tấu xin từ chối chức vụ.

Khu lăng mộ danh sĩ Phạm Đình Hổ tại Mả Duồng (Hải Dương).
Khu lăng mộ danh sĩ Phạm Đình Hổ tại Mả Duồng (Hải Dương).

Là một danh sĩ nổi tiếng đương thời, dù chỉ đỗ Tú tài nhưng được vua Minh Mạng rất mực quý trọng bổ nhiệm chức Thự Tế tửu Quốc Tử Giám thế nhưng Phạm Đình Hổ lại cáo bệnh để thôi chức - khi thời gian chưa đầy một năm.

Vậy nguyên cớ nào khiến một danh sĩ nức tiếng lại kiên quyết từ bỏ chức vụ.

Thi cử lận đận

Chân dung danh sĩ Phạm Đình Hổ.

Chân dung danh sĩ Phạm Đình Hổ.

Sự nghiệp của Phạm Đình Hổ là điều đặc biệt, hoạn lộ không sớm nhưng thăng tiến nhanh, không đỗ đạt cao nhưng nhiều người kính trọng. Ông là người ngang tàng khiến nhiều lần vua Minh Mệnh phải than rằng: “Trẫm ưu đãi Đình Hổ không phải là không hậu, thế mà mới nhậm chức thì liên tiếp cáo ốm mà xin về. Há là vì tuổi già sức yếu mà nguội lạnh với công danh hay không có ý làm quan mà thế chăng?”.

Phạm Đình Hổ có tên tự là Bỉnh Trực, người làng Đan Loan, huyện Đường An, nay thuộc xã Nhân Quyền, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

Cha của ông là Phạm Giáp, thi đỗ Hương cống đời Lê Cảnh Hưng, làm quan đến chức Thái bộc tự khanh.

Phạm Đình Hổ thuở nhỏ ham học, nhưng thi cử lận đận, nhiều lần không đỗ. Ông cố gắng đọc sách, thuộc cả điển cố, mọi người đều biết tiếng và suy tôn. Ngay bản thân Minh Mạng, một vị vua uyên thâm nho học cũng rất thán phục tài năng của ông.

Tháng 12 năm Canh Thìn (1820), vua Minh Mạng có chuyến ngự giá ra Bắc. Trong chuyến đi này, vị vua thứ 2 của triều Nguyễn đã cho gọi Phạm Đình Hổ vào yết kiến. Lấy lý do bị bệnh, ông từ chối.

“Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ” ghi về việc này như sau: “Gọi bọn Tiến sĩ triều Lê là Nguyễn Đăng Sở và Đỗ Lệnh Thiện, Sinh đồ ở Bắc Thành là Phạm Đình Hổ, Phan Huy Chú, sĩ nhân là Ngô Du, Đoàn Nguyên, Đỗ Huy Ngạc, Nguyễn Minh Khiêm, do bộ dẫn vào yết kiến. Lệnh Thiện và Đình Hổ vì ốm từ chối không đến. Đăng Sở đến Kinh, được bổ Hàn lâm viện Tu soạn. Bọn Huy Chú được bổ các chức Biên tu, Kiểm thảo, theo bậc khác nhau”.

Một năm sau, tức năm Tân Tỵ (1821), Phạm Đình Hổ được sung chức Hành tẩu ở Hàn Lâm viện. Đến năm Bính Tuất (1826), trong một lần hội triều, vua Minh Mạng có cuộc đối thoại với Tham tri Lễ bộ Phan Huy Thực, trong đó có đoạn nhắc đến Phạm Đình Hổ.

Sách “Minh Mệnh chính yếu” ghi rằng: Vua bảo Phan Huy Thực, Tham tri bộ Lễ rằng: “Trẫm sớm tối lấy việc cầu hiền làm cần, mà đến nay chưa thấy người hiền tài nào, khanh sinh trưởng ở Bắc Hà, có biết ai là người học rộng, hạnh kiểm tốt như Phạm Thích thì đề cử để trẫm dùng”.

Huy Thực thưa: “Các vị lão sư túc nho ở Bắc Hà, hầu như đã hết cả, còn như các vị tân tiến, tiểu thần ít khi được tiếp nên không biết ai”. Vua bảo: “Trước trẫm ra Bắc tuần nghe tiếng Phạm Đình Hổ, triệu vào yết kiến ở chỗ hành tại, nhưng lại lấy cớ có bệnh khước từ, thì người ấy thế nào”.

Huy Thực thưa: “Đình Hổ là người có văn học, tính cương trực mà có tiết nghĩa. Ngụy tây mấy lần trưng dụng mà không chịu thần phục, đó là chỉ biết đại lược thế thôi”. Vua bảo: “Tiết tháo hạnh kiểm người ấy cũng khá nên muốn triệu đến để dùng, cũng như ý cổ nhân đem ngàn vàng mua bộ xương con ngựa…”.

Sau đó, vua Minh Mạng đã sắc xuống cho quan Bắc thành tuyên chỉ triệu vào kinh, cấp cho 20 lạng bạc làm lệ phí đi đường. Khi Phạm Đình Hổ tới yết kiến tại điện Cần Chính, vua thong dong hỏi Phạm Đình Hổ: “Ngươi bao nhiêu tuổi”. Hổ thưa rằng: “Thần gần sáu chục mà sức vóc đã kém, mới nghe có lệnh triều đình sợ hãi khôn xiết, chỉ sợ không đủ sức làm việc”.

Vua hỏi: “Thấy ngươi là danh sĩ cho nên triệu đến để phòng lúc hỏi han thôi”. Bèn cho làm Hàn lâm viện Biên tu, rồi thăng Thừa chỉ và ban cho mũ áo đại triều. Vua bảo bộ Lễ rằng: “Hổ có tính cương trực, không xu nịnh kẻ quyền quý, nên đặc biệt hậu đãi để khuyên người khác sau này”.

Miễn cưỡng nhậm chức Tế tửu

Mộc bản “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ” ghi việc vua Minh Mạng cho gọi Phạm Đình Hổ đến yết kiến nhưng lý do bị bệnh, ông đã không đến. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Mộc bản “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ” ghi việc vua Minh Mạng cho gọi Phạm Đình Hổ đến yết kiến nhưng lý do bị bệnh, ông đã không đến. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Khi vào kinh, Phạm Đình Hổ đem theo sách “An Nam chí” và “Ô châu cận lục” dâng lên, vua thưởng cho ông 10 lạng bạc và 5 tấm lụa.

Một thời gian sau, vua Minh Mệnh cho thăng Phạm Đình Hổ làm Thự Tế tửu Quốc Tử Giám ở thành Thăng Long. Ngay lập tức Phạm Đình Hổ đã dâng bản tấu từ chối.

Bản Tấu ngày 28 tháng 12 năm Minh Mệnh thứ 7 (1826) Hàn Lâm viện Thừa chỉ Phạm Đình Hổ trình rằng: “Thần phụng Chỉ thăng làm Thự Tế tửu Quốc Tử Giám, vừa nghe tin báo đã vừa mừng vừa lo. Thần chỉ là anh hàn nho thấp hèn chậm chạp, phong trần lưu lạc, yếu ớt tầm thường, nhờ hưởng thiên ân mà được gia cấp. Trong một tháng 5 lần được triêm ân nên khắc cốt ghi tâm vô cùng xúc động. Duy danh cao vọng trọng được nhiều ưu ái nhưng mỗi lần phụng mệnh đều lo lắng hết sức.

Thần trộm nghĩ Thái học là nơi cửa hiền, Tế tửu là thầy của học giả, vì vậy người đó tất phải như thánh thần. Huống đâu như thần, uyên thâm chưa tới, khoa mục chưa thành, còn đang cố công dốc lòng học hỏi mà vẫn chưa biết sâu hiểu rộng. Thần nay khoác áo đồ nho mà dám lạm lên làm thầy, tư cách còn chưa đáp ứng sự mong mỏi của đám học trò.

Hiện hai vị Tư nghiệp đều là các bậc sĩ lưu túc nho, thần được dự cùng hàng với họ còn cảm thấy hổ thẹn, huống hồ chức Tế tửu là quan đứng đầu trường học, phải tập hợp được kẻ sĩ bốn phương.

Nay thiên hạ vừa mới ổn định, đạo đức thống nhất nhưng phong tục còn bất đồng. Giới sĩ phu từ Linh Giang trở vào Nam khi triều đình cử lệnh thì đều cổ vũ mà rèn đúc nhân tài nhưng giới nho sĩ từ Hoành Sơn trở ra Bắc chẳng cứ bọn khoa mục đỗ đạt vị tất đã phục tùng.

Việc phép tắc cho đến việc quyền thế chưa hẳn đã dung hòa, may mà người có lòng, có danh hiệu để chọn không thiếu. Vậy thần cúi xin thánh thượng xem xét chọn lựa người hiền đức làm khuôn mẫu cho học trò, cốt sao cho học trò được đào tạo bởi nhân đức lớn lao mà tiểu thần cũng tránh được tội không tròn chức trách. Thần mạo muội lo lắng sợ hãi kính cẩn tấu trình”.

Bản Tấu được vua Minh Mệnh phê rằng: “Truyền (ngươi) hãy cố gắng nhận chức, khâm thử”.

Dạy học trò bằng… giày?

Bản Tấu ngày 28 tháng 12 năm Minh Mệnh thứ 7 (1826) của Phạm Đình Hổ xin từ chối chức Tế tửu Quốc Tử Giám. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia.

Bản Tấu ngày 28 tháng 12 năm Minh Mệnh thứ 7 (1826) của Phạm Đình Hổ xin từ chối chức Tế tửu Quốc Tử Giám. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia.

Có thể thấy vua Minh Mệnh rất phóng khoáng và trọng thực tài, ông sẵn sàng bỏ qua chuyện bằng cấp thứ bậc để chọn Phạm Đình Hổ chỉ là một Tú tài, trong khi chức Tế tửu theo quan chế chỉ dành cho các bậc Trạng nguyên, Tiến sĩ uyên bác.

Sau khi miễn cưỡng nhận chức Tế tửu, được một thời gian ngắn thì Phạm Đình Hổ liên tục cáo bệnh xin nghỉ, vua bèn chấp nhận và để ông giữ chức Hàn lâm viện Thị giảng học sĩ.

Vậy có phải Phạm Đình bị bệnh mà xin thôi chức Tế tửu hay không? Việc này, “Quốc sử di biên” của Phan Thúc Trực ghi: Thự Tế tửu Phạm Đình Hổ xin giải chức. Vua y cho. Hổ là người cương trực, dạy học rất nghiêm khắc.

Lúc học ở Quốc Tử Giám, có một công tử không vâng lời, Hổ rút giày ném vào công tử ấy. Công tử hỏi rằng: Roi dùng làm hình phạt học trò, nay lấy giày mà ném, là nghĩa gì, rồi cầm ngay giày ấy ném lại, và nói: “Không đậu đại khoa thì không đủ làm mô phạm”. Hổ thẹn quá, dâng biểu xin về Bắc thành dưỡng bệnh, vua cho 100 quan tiền.

Những ghi chép trên có thể đúng hoặc chỉ là phỏng đoán. Tuy nhiên có thể nhận thấy Phạm Đình Hổ là người vốn chỉ muốn lấy văn thơ làm lẽ sống, vì vậy cuộc đời ông chủ yếu dành cho việc sáng tác và biên soạn sách hơn là tham gia vào chốn quan trường.

Năm 1832, Phạm Đình Hổ xin về quê dưỡng bệnh, vua chuẩn y và cho mang theo mũ áo đại triều đã cấp. Mấy năm sau Phạm Đình Hổ bị bệnh mất tại quê nhà, vua sai theo lệ cấp tiền tuất và cấp thêm cho 100 quan tiền, 5 tấm lụa, 10 tấm vải.

Ông đã để lại nhiều công trình khảo cứu trước thuật có giá trị trên nhiều lĩnh vực lịch sử, địa lý, văn học như: Lê triều hội điển, Bang giao điển lệ, An Nam chí, Vũ trung tùy bút, Tang thương ngẫu lục…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo phi hạt nhân mới “Oreshnik” của Nga

'Mục tiêu nóng' đang chờ Oreshnik?

GD&TĐ -Nga được cho là đã biên soạn một danh sách các địa điểm quân sự quan trọng của Kiev sẽ bị nhắm mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.