Từ Đốc học Hà Nội đến Tế tửu Quốc Tử Giám

GD&TĐ - Nhà giáo dục Khiếu Năng Tĩnh, một vị quan thanh liêm, một học giả uyên thâm, đã dành cả đời cho sự nghiệp giáo dục và bồi dưỡng nhân tài.

Sau hai lần làm Đốc học Hà Nội, Khiếu Năng Tĩnh được triệu về giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám Huế.
Sau hai lần làm Đốc học Hà Nội, Khiếu Năng Tĩnh được triệu về giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám Huế.

Khiếu Năng Tĩnh được các sĩ phu đương thời ca ngợi là người có tấm lòng bao dung, biết trọng dụng và góp công đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước. Chính ông đã phát hiện và góp phần nuôi dưỡng tài năng của Phan Bội Châu.

Tri thức sâu rộng

Theo các nguồn sử liệu, Khiếu Năng Tĩnh tên tự là Trọng Định, hiệu Mỹ Đình, sinh năm 1835 tại xã Chân Mỹ, tổng Tử Vinh, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định (nay thuộc xã Yên Cường, Ý Yên - Nam Định).

Ngay từ hồi còn nhỏ đi học, ông đã tỏ ra thông minh sáng dạ, chăm chỉ học tập. Khi lớn lên, học hành tấn tới và sớm bộc lộ năng khiếu, thích học cổ văn, đọc suốt các sách cổ kim, nhân sĩ Bắc Hà đều biết tiếng.

Hoàng giáp Phạm Văn Nghị, cùng quê Ý Yên, từng giữ chức Đốc học tỉnh Nam Định - khi xem văn tập của Khiếu Năng Tĩnh, đã nói với Phó bảng Đỗ Huy Uyên, cùng quê phủ Nghĩa Hưng, rằng: “Văn này (tức văn của Khiếu Năng Tĩnh) phải quan trường học rộng như biển và nhẫn nại mới chấm đỗ”.

Đó là một đánh giá tinh tế, cho thấy văn chương Khiếu Năng Tĩnh sâu sắc và uyên bác, người đọc phải công phu mới đánh giá đúng chân giá trị. Cũng chính vì vậy mà Khiếu Năng Tĩnh sau này đã lận đận nơi trường ốc, bắt đầu lều chõng đi thi từ năm mới 20 tuổi mà tới 42 tuổi chỉ đỗ Tú tài, hết ông Kép, ông Mền, đến ông Đụp… phải tới khoa thi năm Mậu Dần (1878) mới đỗ Cử nhân.

Hai năm sau, vào tháng 3 niên hiệu Tự Đức 33, năm Canh Thìn (1880) ông vào Huế dự thi Hội. Kỳ thi này, vua Tự Đức ra đề bài rất thực tế và liên quan đến việc thực hiện phép Quân Điền tại Bắc Kỳ, thí sinh phải viết dưới dạng biểu, theo thể thức viết của Hàn Dũ – một trong “Bát đại gia nổi tiếng” của đời Đường - Tống.

Đề thi khó đã khiến nhiều thí sinh lúng túng, còn Khiếu Năng Tĩnh đã làm khá trọn vẹn bài biểu này. Khi chấm quyển, các quan phải lựa từng đoạn văn để cho điểm và chọn được có 6 người thuộc hạng trúng cách, trong đó có Khiếu Năng Tĩnh và 7 người thuộc hạng Phó bảng.

Nếu theo lệ thường thì chỉ những người có hạng trúng cách mới được dự thi Đình, nhưng vua Tự Đức cho rằng như vậy số tiến sĩ được chọn sẽ rất ít, nên vị vua kỹ tính và cẩn thận trong học thuật này đã chấp thuận cho cả 13 người được dự thi Đình.

Và ngay tại kỳ thi Đình tháng 4 cùng năm ấy (1880), Khiếu Năng Tĩnh đã đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Danh tính tiểu sử đã được khắc vào bia đá Hoàng triều Tự Đức tam thập tam niên Canh Thìn khoa Tiến sĩ đề danh bia, hiện vẫn được trân trọng lưu giữ tại Văn miếu Huế.

Hai lần làm Đốc học Hà Nội

Văn bia tại Văn miếu Huế cho thấy Khiếu Năng Tĩnh đỗ tiến sĩ khoa Canh Thìn (1880).

Văn bia tại Văn miếu Huế cho thấy Khiếu Năng Tĩnh đỗ tiến sĩ khoa Canh Thìn (1880).

Tư liệu của GS Đinh Xuân Lâm cho thấy, thi đỗ ra làm quan - đó là con đường duy nhất mà bất cứ sĩ tử nào cũng phải đi theo, Khiếu Năng Tĩnh cũng không ra ngoài con đường đó.

Sau khi đỗ tiến sĩ, ông được gọi vào triều giữ chức Hàn lâm viện Biên tu, hai năm sau lại được cử làm Đốc học tỉnh Nam Định quê nhà (1882), rồi thăng Hàn lâm viện thị giảng học sĩ (1885). Tiếp đó sau hai lần nhậm chức Đốc học Hà Nội là nơi trung tâm văn hóa - giáo dục cả nước.

Theo nghiên cứu của nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc, trong quá trình phụ trách Trường Đốc - dạy sĩ tử đi thi Hương, thi Hội, Khiếu Năng Tĩnh có nhiều biểu hiện đáng kính đáng trọng.

Cử nhân Đoàn Triển (1854 - 1919) từng làm đến Tổng đốc Nam Định, khi theo học gặp nhiều khó khăn, đã được Khiếu Năng Tĩnh tận tình giúp đỡ, rồi đỗ Cử nhân khoa 1886 tại Trường thi Hà Nội - Nam Định hợp nhất.

Đỗ cùng khoa còn có Chu Mạnh Trinh, Bùi Thức (thân sinh Phó bảng Bùi Kỷ), Nguyễn Tấn Cảnh (con trai Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản), Nguyễn Hữu Quý (con trai tiến sĩ Nguyễn Văn Lý)… Khoa thi Đồng Khánh năm đó, học trò Trường Đốc Hà Nội có 17 người đỗ Cử nhân trong tổng số 74 người đi thi, đều là học trò Khiếu Năng Tĩnh, nhiều người sau này trở thành quan lớn.

Riêng Đoàn Triển góp nhiều thơ văn, in sách “Mai Viên thi văn tập”. Đặc biệt là “An Nam phong tục” - khảo về phong tục, tập quán nước ta. Khi thầy Khiếu Năng Tĩnh qua đời, Đoàn Triển là người thay mặt đồng môn Hà Nội đứng ra làm lễ tang.

Lần thứ hai Khiếu Năng Tĩnh làm Đốc học Hà Nội, khoa thi Hương năm 1900, học trò Hà Nội đỗ cả thảy 43 cử nhân trong tổng số 90. Khoa này có một học trò sau thành nhà văn hóa có tiếng: Cử nhân Phạm Quang Sáu quê làng Vẽ (Từ Liêm) - tác giả của các sách giáo khoa Bắc sử tân biên, Ấu học phổ thông thuyết ước, có nhiều thơ văn in trên Hữu Thanh, Nam Phong, nổi tiếng một thời là “Phú cờ bạc” răn dạy sự nguy hiểm của thú chơi này.

Bồi dưỡng tài năng Phan Bội Châu

Năm Canh Tý (1900), khi thi Hương tại trường Nghệ An, Phan Bội Châu đã bị sốt trong lúc thi và tưởng phải bỏ dở kỳ thi. Chính Tế tửu Quốc Tử Giám là Khiếu Năng Tĩnh năm đó làm Chánh chủ khảo trường thi Nghệ An đã tỏ rõ sự quan tâm ưu ái. Ông sai người săn sóc thuốc men cho Phan Bội Châu để kịp thời lấy lại sức, làm xong quyển thi và đỗ đầu với danh hiệu Giải nguyên.

Có thể nói sự nghiệp của danh nhân Khiếu Năng Tĩnh thể hiện trên nhiều lĩnh vực. Ông là một nhà văn, nhà giáo, nhà văn hóa tài ba cuối thế kỷ 19. Ông không chỉ học giỏi đỗ cao, tài năng của ông khá nổi tiếng đến nay vẫn được người đời lưu nhớ truyền tụng.

Vào thập niên 90 của thế kỷ 19, ông được triều Nguyễn trọng dụng thăng cử giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám. Khoa thi Canh Tý niên hiệu Thành Thái 12 (1900), ông làm quan Chánh chủ khảo trường thi Hương Nghệ An (Tham tá Mai Khắc Đôn làm Phó chủ khảo) - trong kỳ thi này ông cùng các cộng sự đã lấy đỗ 30 cử nhân.

Có một chuyện thú vị, trong bài thi về phần phú do Khiếu Năng Tĩnh với chức vị Chánh chủ khảo kỳ thi ra đề “Bái thạch vi huynh” (Lạy đá làm anh) và ông đã phát hiện ra tài năng Phan Bội Châu (người xã Đan Nhiễm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Đề thi này đã được Phan Bội Châu làm bài vượt trội, nổi tiếng trường thi thời bấy giờ.

Chủ khảo Khiếu Năng Tĩnh cùng các quan chấm thi đã lấy Phan Bội Châu đỗ Giải nguyên (đứng đầu kỳ thi Hương) và lựa chọn Đoàn Tử Quang (người xã Phụng Công, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) khi đó đã 82 tuổi đỗ Cử nhân. Đây là trường hợp duy nhất trong lịch sử khoa cử Việt Nam lấy đỗ kỳ thi khi thí sinh tuổi đã ngoài 80.

Với tư cách của một nhà văn, Khiếu Năng Tĩnh sau nhiều năm nghiên cứu thực tế Nam Định, ông đã để lại cho đời tác phẩm Hán Nôm nổi tiếng “Nam Định tỉnh địa dư”. Nội dung sách cung cấp nhiều tư liệu quý trên nhiều lĩnh vực: Từ miếu, cổ tích, danh nhân, đường xá, núi sông, phong tục, kỹ nghệ, sản vật, rất có giá trị về lịch sử văn hóa địa phương.

Khiếu Năng Tĩnh còn thể hiện sự gắn kết tư tưởng yêu nước trong tấm lòng yêu quê hương tha thiết. Chính ông đã ủng hộ và cổ xúy cho những phong tục tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương đất nước như: Hội đồng canh, Tết hạ điền, Lễ cơm mới, Hội lão ông, Hội lão bà, Hội nữ quan, Hội bát âm, Hội phường trống, Hội rồng, Hội lân, Lễ mừng thọ…

Ngôi trường mang tên nhà giáo dục Khiếu Năng Tĩnh tại quê hương Nam Định.

Ngôi trường mang tên nhà giáo dục Khiếu Năng Tĩnh tại quê hương Nam Định.

Các nhà nghiên cứu đánh giá Khiếu Năng Tĩnh luôn gần gũi quan tâm đến cuộc sống của người nông dân, khuyến khích bà con trồng lúa, khơi mương, trồng dâu nuôi tằm, canh cửi… Ông khuyên bảo mọi người làm những điều nhân nghĩa, chống mê tín dị đoan, góp phần xây dựng thuần phong mỹ tục cho quê hương, đất nước.

Khi về già, Khiếu Năng Tĩnh mở trường dạy học tại quê hương. Ông tự bỏ tiền dựng nhà mở lớp, tới hơn 200 người theo học. Phương châm ông thường dạy cho học trò rèn luyện noi theo là “Kẻ sĩ đi học mong noi theo khuôn phép của Thánh hiền, làm gương mẫu cho người đời bắt chước, chớ không cần thi đỗ vẻ vang và hãnh diện. Khi làm quan lúc nào cũng phải nghĩ đến dân đến nước, chớ không cần bổng lộc để vinh thân phì gia”.

Theo GS Đinh Xuân Lâm: “Khiếu Năng Tĩnh mất tại quê nhà ngày 6 tháng 4 năm Ất Mão (1915), thọ 83 tuổi, trong sự tiếc thương và lòng cảm mộ của nhân dân địa phương, của văn thân sĩ phu cả nước. Ông vô cùng xứng đáng được vinh danh là một nhà văn hóa - giáo dục lớn, một vị “sư biểu” của nước ta”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ