Vì sao con trẻ… tự tử?

GD&TĐ - Năm nào, sau mỗi Kỳ thi tốt nghiệp THPT đều có hiện tượng thí sinh rơi vào trầm cảm, thậm chí có em còn nghĩ đến chuyện… tự tử.

Cha mẹ cần luôn gần gũi, lắng nghe và chia sẻ với con cái. Ảnh minh họa
Cha mẹ cần luôn gần gũi, lắng nghe và chia sẻ với con cái. Ảnh minh họa

Kết quả thi không mong muốn, đặc biệt, việc bố mẹ chưa quan tâm đến tinh thần của các con là một trong những nguyên nhân cơ bản của thực trạng trên.

1.

Mấy ngày đi chấm thi, tôi được lắng nghe từ một đồng nghiệp chia sẻ câu chuyện thật đáng suy ngẫm… Đồng nghiệp kể rằng, bạn ấy có một cô bạn xinh đẹp, giỏi giang nhưng từ nhỏ luôn bị mẹ cấm đoán mọi thứ. Từ việc phải học chuyên sâu môn học nào cho đến việc lựa chọn một người bạn đều do mẹ bạn ấy quyết định.

Bạn vốn có năng khiếu văn chương và hội họa. Ước mơ của bạn là thi vào trường Đại học Mỹ thuật. Nhưng rồi khi vừa đem ước mơ ấy chia sẻ, mẹ bạn ấy đã kịch liệt phản đối. Mẹ bạn còn đe dọa rằng, nếu thi vào trường đó thì sẽ không còn nhận bạn là con. Và, còn ra thông điệp, phải chọn thi một trường liên quan đến công nghệ thông tin dù rằng lĩnh vực ấy là điểm yếu của bạn. Nhiều đêm, bạn đã phải sụt sùi vì ước mơ của mình bị mẹ ngăn cản.

Đó là việc học, còn việc giao tiếp làm quen với bạn bè cũng vậy. Cứ vừa quen biết thêm được với một người bạn mới là mẹ lại truy vấn đủ điều. Khi có bạn đến nhà chơi, mẹ bạn luôn tỏ ra khó chịu, thậm chí ngăn cản nếu người bạn ấy bà không thiện cảm.

Tuổi thơ bạn ấy chỉ đo bằng chiều dài từ nhà đến trường và ngược lại. Cuộc sống bạn ấy luôn bị mẹ sắp đặt, định sẵn. Đến khi trưởng thành, bạn ấy kết hôn cũng theo sự định hướng và kết cục là gặp phải một người chồng “bất thường”. Anh ta có thể đánh đập vợ bất cứ lúc nào …Và, cô ấy đã không đủ dũng cảm để chạy trốn khỏi người đàn ông “bất thường” cho đến khi kiệt sức…

2.

Hôm kia, cậu bé con một người bạn cũ của tôi tự sát! Không một dấu hiệu gì báo trước. Không một lời từ biệt. Không một câu trăng trối.

Tầng tầng lớp lớp những dằn vặt bủa vây lấy người ở lại.

Rằng tại sao? Tại sao một thằng bé đang ở độ tuổi trăng tròn - tuổi đẹp nhất của cuộc đời, tuổi giàu sức sống nhất lại có thể làm điều dại dột - từ bỏ cuộc sống nơi trần gian? Rằng, cậu ta có hoàn toàn là một cậu bé khờ dại? Người lớn chúng ta có phải là những người vô can?

Có lẽ không một ai hiểu được tại sao một thằng bé 15 tuổi chọn cách từ bỏ cuộc đời này và ra đi mãi mãi.

Trong cuốn nhật ký năm 14 tuổi, cậu bé viết: “Năm lớp 6 mình có mối tình đầu tiên, mẹ phát hiện việc mình thích N, mẹ đọc trộm những mẩu thư ngăn bàn N viết, mẹ đến tận nhà N và yêu cầu bố mẹ N xem lại cách dạy con. Mình không còn nhớ nổi mối tình đầu của mình kết thúc ra sao. Chỉ biết sau đấy 2 đứa không bao giờ nhìn mặt nhau nữa dù còn học chung lớp đến trung học. Mãi sau này mẹ hỏi tại sao mình xa cách mẹ vậy, tại sao không tâm sự với mẹ? Vì sao? Vì mẹ đã biết quá nhiều, nên không bao giờ mẹ được quyền biết thêm bất cứ điều gì nữa cả”.

Sau đám tang, trên đường về, tôi không khỏi suy nghĩ mông lung.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

3.

Những đứa trẻ tự sát, mọi người nói chúng ngu dại, nhưng tôi lại thấy chúng già trước chúng ta - những người cha người mẹ tưởng mình trưởng thành và luôn đúng! Chúng không bồng bột đâu. Để có thể đi đến quyết định đau đớn thế, chắc hẳn chúng phải chuẩn bị từ rất rất lâu, tỉ mỉ và cặn kẽ, từ tốn nhưng quyết liệt.

Gần đây nhất, một đứa trẻ ở trường tôi cũng đã chọn cách từ biệt cuộc đời trước sự ngỡ ngàng của thầy cô, bạn bè. Đó là một cậu bé học hành chăm ngoan. Một cậu bé rất giàu lòng tự trọng và sống tình cảm. Có lẽ vì thế, trước cái chết của cậu nhiều người đã sửng sốt, bàng hoàng. Rất nhiều người đã trách em vì sự nông cạn, dại dột.

Nhưng cũng không nhiều người hiểu rõ rằng, cái chết ấy còn đến từ phía những bậc làm cha làm mẹ. Đó là sự kì vọng quá lớn vào kết quả học tập của con. Và khi, kết quả không như kì vọng thì có cách ứng xử với con không phù hợp dẫn đến sự tổn thương. Đó là kết quả của một chuỗi tổn thương từ lớp học này lên lớp học khác, từ cấp học này sang cấp học khác.

Khi nào thì các bậc phụ huynh hiểu được rằng, điểm số không quyết định cuộc sống này. Gây áp lực lên chính con mình và khi không còn hướng giải quyết chúng sẽ trở nên nghĩ quẩn.

Cuối cùng thì những người lớn như chúng ta đang làm gì cuộc đời của nhau?

Bạn có dám chắc rằng, con của bạn đang sống hạnh phúc như nó mong muốn?

Bạn có dám chắc rằng, con của bạn đang được thưởng thức cuộc sống? Mỗi ngày bạn có hỏi nó rằng, hôm nay có gì khiến con buồn và có gì khiến con vui?

Tôi từng chứng kiến rất nhiều đứa trẻ con hỏi ngược mẹ lại rằng: “Mẹ không có câu nào khác để hỏi con à?”, sau khi vừa mới nghe mẹ hỏi “Nay đi học được mấy điểm hả con?”.

Đành rằng, ta luôn cho con những điều tốt đẹp nhất, nhưng ta có bao giờ quan tâm điều con thực sự cần?

Tôi không biết phải nghĩ gì nữa. Mọi thứ như một vòng luẩn quẩn, như đám mây đen bám rịt trong lòng. Nặng nề và bí bách.

Có nhiều nguyên nhân để dẫn đến sự rời xa của con trẻ với cha mẹ. Không nên phán xét một phía. Tuy nhiên, cha mẹ ngoài việc mưu sinh để làm sao cho con có cuộc sống vật chất đủ đầy cũng cần phải luôn gần gũi, lắng nghe và chia sẻ với con cái để chúng ý thức được tình cảm mà cha mẹ dành cho chúng, ý thức được vị trí và trách nhiệm của một người con...

Làm cha mẹ ai chẳng đặt lên vai con những ước mơ hoài bão nào đó. Nhưng hãy gửi gắm, chứ đừng ép buộc.

Đừng ép con thực hiện ước mơ của bố mẹ hãy xây dựng ước mơ cho con và giúp con thực hiện ước mơ của chúng chẳng phải sẽ tốt hơn sao?

Tôi chỉ mong con tôi đủ mạnh mẽ trên đời. Sống như nhánh cỏ bị vùi dập sau cơn giông vẫn vươn mình trước gió.

Hãy quên đi việc ép con phải làm thế này thế kia. Xin hãy dạy con sự thẳng thắn, dạy con cách diễn đạt con nghĩ thế nào, bản thân con tự nói ra được rằng con muốn gì và nếu được cho phép, con sẽ làm gì. Rồi ta sẽ mỉm cười tự nhủ, tại sao ta không nhận ra điều ấy sớm hơn?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.