Vì sao có người bị đông máu sau tiêm vắc-xin Covid-19?

GD&TĐ - Các nhà khoa học đặt nghi vấn, adenovirus - loại virus vô hại được AstraZeneca sử dụng để mang gen S của virus Corona làm vắc-xin, có thể là nguyên nhân gây hiện tượng đông máu.

Việt Nam ghi nhận các trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm phòng.
Việt Nam ghi nhận các trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm phòng.

Hiện tượng chưa ghi nhận tại Việt Nam

Tại nước ta, trong quá trình tiêm vắc-xin phòng Covid-19 của AstraZeneca, hệ thống giám sát tiêm chủng đã ghi nhận khoảng 33% trường hợp phản ứng nhẹ thông thường, như: Đau, đỏ tại chỗ tiêm, mệt mỏi, sốt nhẹ, đau đầu, buồn nôn.

Những người có các dấu hiệu này đều tự khỏi trong 1 - 2 ngày sau tiêm và không cần điều trị. Theo các chuyên gia, những phản ứng này là dấu hiệu bình thường không chỉ sau tiêm vắc-xin ngừa Covid-19.

Thực tế, các loại vắc-xin phòng những bệnh truyền nhiễm khác như sở, ho gà, uốn ván... cũng gây phản ứng phụ sau tiêm.

Bên cạnh đó, hệ thống giám sát cũng ghi nhận, có khoảng một phần nghìn trường hợp gặp phản ứng quá mẫn sau tiêm. Những trường hợp này đều được xử trí đúng theo quy định. Sức khỏe của những người này đã ổn định và có thể trở lại đi làm sau 1 - 2 ngày theo dõi, đều trị tại cơ sở y tế.

Do đó, Bộ Y tế đánh giá, những số liệu ghi nhận phản ứng sau tiêm vắc-xin phòng Covid-19 của AstraZeneca tại Việt Nam thời gian qua tương đối thấp. Tỷ lệ đó tương đương những số liệu do nhà sản xuất cung cấp. Tới nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp đông máu nào sau tiêm loại vắc-xin này.

Hệ quả của adenovirus?

Ngày 12/4, tỉnh Bắc Ninh bắt đầu triển khai tiêm cho 311 người thuộc đợt 2 trên địa bàn. Trước đó, địa phương này đã kết thúc triển khai tiêm chủng đợt 1. Đến nay, có 9/19 tỉnh đã kết thúc triển khai kế hoạch đợt 1, bao gồm: Tây Ninh, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Gia Lai, Hòa Bình, Hà Giang và Bắc Ninh.
Tính đến 16 giờ ngày 12/4, có tổng cộng 50.249 người đã được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Trong đó, có thêm 831 người được tiêm chủng trong ngày 12/4.

Mới đây, TS Nguyễn Hồng Vũ - Viện Nghiên cứu City of Hope (Mỹ) dẫn chứng, hai nghiên cứu vừa qua của Đức và Na Uy cho thấy mối liên hệ “rất có thể” giữa những ca đông máu và vắc-xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca.

Tất cả bệnh nhân ở hai nghiên cứu này đều ở độ tuổi dưới 55. Họ bắt đầu gặp hiện tượng đông máu vào tuần đầu tiên hoặc tuần thứ 2 tiêm vắc-xin của AstraZeneca. Ngoài ra, những người này cũng gặp biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu nhiều, đau bụng...

Cũng theo nghiên cứu, hầu hết những người này nhập viện trong tình trạng giảm tiểu cầu nghiêm trọng. Họ xuất hiện các khối máu đông ở bụng hoặc đầu.

Kết quả cho thấy, hầu hết trong máu của những bệnh nhân này đều có nồng độ cao của loại kháng thể có thể bám lên phức hợp PF4-heparin. Đây là một loại protein của tiểu cầu tiết ra. Trong khi trước đó, tất cả người bệnh đều không sử dụng heparin - loại thuốc thông dụng được sử dụng để điều trị đông máu.

Do đó, các nhà khoa học suy luận, một tác nhân nào đó trong vắc-xin đã đóng vai trò như heparin. Từ đó, gây hiện tượng giảm tiểu cầu do tự miễn tương tác với heparin, dẫn đến đông máu.

Theo TS Vũ, thông thường, tiểu cầu có vai trò trong việc giúp đông máu. Do đó, giảm tiểu cầu thường dẫn đến máu khó đông, xuất huyết cơ quan... Tuy nhiên, sự giảm tiểu cầu do tương tác với heparin là trường hợp khá đặc biệt.

Việc xuất hiện các kháng thể bám lên phức hợp heparin-PF4 sẽ dẫn đến việc chúng bám lên tiểu cầu. Từ đó, tiểu cầu sẽ bị đại thực bào ăn, dẫn đến giảm số lượng. Ngoài ra, việc bám lên tiểu cầu như vậy sẽ kích hoạt tiểu cầu, khiến chúng tiết ra các yếu tố làm đông máu.

“Tuy chưa có những bằng chứng trực tiếp để chứng minh tác nhân cụ thể nào trong vắc-xin có thể đóng vai trò của heparin gây nên hiện tượng hiếm gặp này, nhưng nghi vấn đang được đặt ra là adenovirus. Đây là loại virus vô hại mà AstraZeneca sử dụng để mang gen S của virus Corona làm vắc-xin”, TS Vũ cho biết.

Chuyên gia này nhận định, việc làm sáng tỏ mối liên quan giữa vắc-xin của AstraZeneca với trường hợp đông máu có thể sẽ giúp quá trình tiêm chủng an toàn hơn.

“Hiện nay, vắc-xin làm từ adenovirus có của các hãng lớn như AstraZeneca, Johnson&Johnson, Sputnik V... Vừa rồi, Johnson&Johnson cũng đã có 4 trường hợp bị đông máu và đang được điều tra.

Hiện nay, chưa có kết luận chính xác tại sao có mối liên quan về độ tuổi. Song, dựa trên các trường hợp ghi nhận được thì hiện tượng này thường xảy ra ở người trẻ. Có lẽ là do hệ miễn dịch của người trẻ dễ bị kích thích hơn để tạo nên hiện tượng quá mẫn này”, TS Vũ cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ