Trước đây học phí là một loại phí thuộc ngân sách nhà nước, cơ chế thu, quản lý, sử dụng học phí thực hiện theo Pháp lệnh phí và lệ phí, theo đó học phí phải được ghi thu, ghi chi ngân sách nhà nước và phải nộp vào kho bạc nhà nước để theo dõi, quản lý theo quy định.
Tuy nhiên năm 2015 Quốc hội đã ban hành Luật phí, lệ phí, trong đó bỏ học phí ra ngoài danh mục phí, lệ phí do nhà nước quản lý, và coi học phí là giá dịch vụ giáo dục và đào tạo. Theo đó, học phí thuộc phạm vi điều chỉnh bởi Luật Giá, và cơ chế thu, quản lý sử dụng học phí được chuyển sang cơ chế giá dịch vụ theo quy định của Luật Giá và được tính đúng tình đủ, vì vậy cần phải sửa đổi quy định về học phí cho phù hợp với Luật Giá.
Ngoài ra tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đã quy định:
Giai đoạn đến năm 2021 phải hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản) đối với một số lĩnh vực cơ bản như y tế, giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp;
Hiện nay, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập cũng đã quy định lộ trình tính đủ chi phí:
Đến năm 2016, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp (chưa tính chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định). Đến năm 2018: Tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý (chưa tính chi phí khấu hao tài sản cố định). Đến năm 2020: Tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định.
Ngoài ra, nhằm khuyến khích các trường công lập có thêm nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và giảm bớt hỗ trợ của nhà nước trong bối cảnh ngân sách gặp nhiều khó khăn, Dự thảo sửa đổi quy định theo hướng cho phép các cơ sở giáo dục công lập được cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao và chủ động xây dựng mức thu học phí tương xứng sau khi đáp ứng các điều kiện về tiêu chí, tiêu chuẩn thực hiện dịch vụ chất lượng cao và được sự phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.
Đồng thời nhằm giúp các trường ngoài công lập có thể tồn tại và phát triển theo đúng chủ trương xã hội hóa, yêu cầu đặt ra là phải cân đối được thu chi và có tích lũy hợp lý, vì đối với các trường này, nhà nước không hỗ trợ kinh phí.
Do đó, Dự thảo đã bổ sung quy định cho phép cơ sở giáo dục ngoài công lập được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí và các dịch vụ khác. Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng các cơ sở giáo dục ngoài công lập tăng học phí tùy tiện, Dự thảo bổ sung quy định yêu cầu các cơ sở giáo dục này phải thực hiện công khai chi phí đào tạo; thông báo mức thu, lộ trình thu cho cả khóa học và phải cam kết mức thu, lộ trình tăng mức thu trong đề án thành lập trường.
Từ các lý do trên, cần thiết phải sửa quy định về học phí cho phù hợp với các quy định hiện nay.