Vì sao bóng đá thời Trung cổ bị cấm?

GD&TĐ - Cho dù bị cấm đoán trong hơn 700 năm nhưng bóng đá vẫn tồn tại và không ngừng phát triển, trở thành môn 'thể thao vua' như hiện nay.

Một trận đấu bóng đá đầy bạo lực thời Trung cổ.
Một trận đấu bóng đá đầy bạo lực thời Trung cổ.

Là môn thể thao hấp dẫn hàng tỷ người trên khắp thế giới nhưng nguồn gốc của bóng đá cho thấy con đường dẫn đến “ngôi vua” hiện nay của nó không hề bằng phẳng. Thậm chí đã có thời điểm bóng đá còn bị cấm gắt gao.

Trò chơi nguy hiểm

Vào thế kỷ thứ 9, một tu sĩ xứ Wales tên là Nennius đã quan sát và ghi lại khoảnh khắc một nhóm thanh niên chơi với quả bóng. Đến năm 1147, khoản trả tiền cho “7 quả bóng có kích thước lớn nhất” đã được ghi lại trong một điều lệ ở Normandie, Pháp, áp dụng cho các cuộc tranh tài “La Soule”.

Đây là môn thi thố giữa người dân các làng, các giáo xứ hay giữa những người đàn ông có gia đình với những người chưa lập gia đình và được chơi một, hai lần mỗi năm vào những lúc cần phải giải quyết, phân định thắng thua về vụ việc gì đó.

Người ta thi đấu quyết liệt bất kể chết sống, tất cả các ngón đòn đều được chấp nhận. Quả bóng trong môn “La Soule” thường làm bằng gỗ hoặc da được nhồi bằng thứ gì đó như cỏ khô chẳng hạn.

Vào những năm cuối cùng của thế kỷ 12, giáo sĩ William Fitzstephen đã ghi lại các lễ hội “Shrove Tuesday” ở London: “Sau bữa trưa, tất cả thanh niên trong thành phố ra đồng để tham gia một trận bóng. Học sinh của mỗi trường có quả bóng của riêng mình; các công nhân từ mỗi nghề thủ công của thành phố cũng đang mang theo những quả bóng riêng”.

Trận đấu bóng có thể diễn ra giữa một cộng đồng hoặc làng này đấu với làng khác. Không có quy tắc cụ thể nào được tuân thủ liên quan đến bóng đá thời Trung cổ, nếu có thì cũng thường bị bỏ qua sau các cuộc tranh luận căng thẳng. Ngay cả số lượng người chơi cũng không giới hạn.

Mặc dù có bằng chứng cho thấy, người chơi có thể sử dụng gậy và bàn tay của họ để đưa quả bóng đến đích, nhưng chủ yếu là dùng chân đá. Những cuộc thi đấu này thường xảy ra rủi ro và gần giống như những cuộc ẩu đả lớn.

Vào năm 1280, trong trận đấu diễn ra tại Ulgham ở Northumberland, Anh, một người đã chết do đụng phải con dao găm dắt trong người của đối thủ. Sau đó, vào năm 1283, tại cuộc thi đấu “La Soule” theo truyền thống lục địa Anh, sự cuồng nhiệt của những người Cornwall đã khiến một cầu thủ tên Roger tử vong do bị quả bóng cứng như đá văng trúng đầu.

Năm 1303, trong một trận bóng giữa các sinh viên từ Đại học Oxford, một người tên là Adam bị tử thương. Người ta cáo buộc rằng các sinh viên Ireland đã giết anh ta khi chơi môn bóng đá thời Trung cổ.

Bóng đá thời Trung cổ được yêu thích ở nhiều quốc gia. Ảnh minh họa: IT.

Bóng đá thời Trung cổ được yêu thích ở nhiều quốc gia. Ảnh minh họa: IT.

Bóng đá bị cấm

Bóng đá hiện đại ra đời vào năm 1863 ở Anh. Ngày 26/10 năm đó, đại diện một số câu lạc bộ ở London đã tổ chức một cuộc họp để thành lập Hiệp hội Bóng đá Anh (FA) - Hiệp hội Bóng đá lâu đời nhất trên thế giới. Vào ngày 8/12, FA đã công bố một bộ luật với 13 điều. Đây được xem là bộ luật hoàn chỉnh đầu tiên trong bóng đá.

Tuy nhiên không gì có thể làm giảm sự nhiệt tình đối với môn thể thao này và khi sự cuồng nhiệt gia tăng mạnh mẽ, các nhà chức trách bắt đầu lo ngại về số người thương vong trong thi đấu.

Với sự tán thành của vua Edward II, vào năm 1314, thị trưởng London đã ban hành lệnh cấm hoạt động bóng đá với nội dung chính, “...nhiều tiếng ồn lớn trong thành phố do tranh giành những quả bóng, từ đó có thể nảy sinh nhiều tệ nạn mà Chúa cấm. Chúng tôi thay mặt nhà vua ra lệnh cấm trò chơi như vậy..”.

Sau đó, vào năm 1331, vua Philip VI của Pháp cũng ra lệnh cấm tương tự. Đến năm 1363, vua Edward III đã ngăn chặn mọi hình thức thi đấu ở Anh và sẽ phạt tù những ai “tham gia các trò chơi ném gỗ, sắt, đá, bóng đá, bóng ném hoặc khúc côn cầu; đá gà và săn thỏ, hoặc những trò giải trí vô bổ khác”.

Đây có thể là một nỗ lực của nhà vua nhằm hướng cho người dân sang những trò tiêu khiển hữu ích hơn về mặt quân sự. Theo ông, “bóng đá” chỉ làm lãng phí sức lực và thời gian quý giá của những người lính. Hai năm sau, ông thông qua Luật Bắn cung, theo đó tất cả người Anh phải tập bắn cung vào Chủ nhật, và những môn thể thao khác đều bất hợp pháp.

Không ngừng phát triển

Bất chấp sự cấm đoán, nhiều người vẫn tin rằng bóng đá cũng có những lợi ích của nó, đặc biệt là đối với sức khỏe của những người tham gia. Các trận đấu bóng đá thời Trung cổ vẫn diễn ra ở một số nơi, thường là một phần của lễ kỷ niệm Shrove Tuesday.

Tại Scotland, bóng đá được chơi vào dịp năm mới và Giáng sinh ở Scone, Orkney, Jedburgh và nhiều nơi khác. Ngoài ra, một số khu vực khác bên ngoài châu Âu cũng có trò chơi khá tương đồng với bóng đá thời Trung cổ ở châu Âu, chẳng hạn như Ki-o-rahi ở New Zealand, Kemari ở Nhật, Cuju ở Trung Quốc và Marn Grook ở Australia.

Những nỗ lực cấm bóng đá ở Anh, Scotland và Pháp đều thất bại trong thời gian dài. Tuy nhiên, do xác định sự nguy hiểm của trò chơi phụ thuộc số lượng cầu thủ tham gia đông đảo nên môn thể thao mà hầu hết chúng ta biết hiện nay đã được hệ thống hóa, tổ chức chặt chẽ và hạn chế ở mức 11 người mỗi bên. Quả bóng chứa đầy không khí chứ không phải cỏ khô, nhằm giảm chấn thương cho đôi chân cầu thủ.

Mặc dù vậy, thời hiện đại cũng đã có những nỗ lực cấm bóng đá. Vào năm 1921, bóng đá nữ bị cấm bởi Liên đoàn bóng đá Anh, với lý do “trò chơi bóng đá không phù hợp với phụ nữ và không nên khuyến khích”. Điều này xảy ra cho dù bóng đá nữ phổ biến hơn và thường thu hút lượng khán giả lớn hơn so với các trận đấu của nam giới vào thời điểm đó.

Lệnh cấm được dỡ bỏ vào năm 1971, cùng năm này, Liên đoàn bóng đá châu Âu khuyến khích việc tổ chức thi đấu bóng đá nữ nên được đặt dưới sự kiểm soát của các liên đoàn thành viên ở mỗi quốc gia.

Cuối cùng, cho dù bị cấm đoán trong hơn 700 năm, nhưng bóng đá vẫn tồn tại và không ngừng phát triển, trở thành môn “thể thao vua” như hiện nay.

Theo Historicmysteries

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.