Bí ẩn về phù thủy trong bóng đá

GD&TĐ - Mới đây Paul Pogba bị cáo buộc thuê phù thủy để tác động đến kết quả trận đấu, cùng nhiều hành vi phi thể thao khác. Thực hư ra sao?

Paul Pogba trong màu áo đội Juventus.
Paul Pogba trong màu áo đội Juventus.

Phù thủy cùng những lời nguyền đã tồn tại trước các cuộc thi đấu thể thao rất lâu, nhưng hoạt động tâm linh này chỉ được chú ý khi thế giới bắt đầu cuồng nhiệt với những trận đấu bóng, cùng với đó là cá cược.

Mới đây, cựu ngôi sao của Manchester United, Paul Pogba - cầu thủ của Juventus, bị cáo buộc thuê phù thủy để tác động đến kết quả trận đấu, cùng nhiều hành vi phi thể thao khác. Thực hư ra sao?

Ngôi sao bóng đá bị tống tiền

Sự liên quan giữa thể thao và phù thủy được xem là nghiêm trọng gần đây khi nó được kênh truyền hình ESPN và các trang mạng thể thao hàng đầu đưa tin. World Soccer Talk tường trình rằng, Mathias Pogba, anh trai của tiền vệ Paul Pogba, đã đăng các video tiết lộ em trai của mình đã thuê một phù thủy nổi tiếng để giúp Manchester United đánh bại Paris Saint-Germain (PSG) trong giải Champion League vào năm 2019, bằng cách “yểm bùa” siêu sao Kylian Mbappé của đội này.

Mathias tuyên bố, Paul Pogba đã trả 4 triệu USD cho một phù thủy tên là Ibrahim, nhưng được biết đến nhiều hơn với biệt danh “Grande”. Ông ta tự quảng cáo mình là một pháp sư có thể áp và giải lời nguyền, mang lại sự may mắn, thành công, hoặc làm cho cuộc sống của một người nào đó đầy đau khổ. Vì vậy, “Grande” được biết đến là một trong những người giỏi nhất về bùa chú trong cộng đồng người châu Phi xung quanh Paris.

Nhiều người không tin vào điều đó, nhưng trong nền văn hóa châu Phi mà Paul Pogba và nhiều cầu thủ bóng đá khác lớn lên, những người như “Grande” rất phổ biến và có ảnh hưởng đáng kể với cộng đồng.

Theo Mathias, bùa chú mà em trai anh mua đã có tác dụng và thậm chí, chính anh cũng đã mắc lời nguyền từ phù thủy của Pogba.

Thực tế, trong khi Paul Pogba bị cáo buộc dùng bùa chú trong thể thao, Mathias mới là người phải ngồi tù vì tội tống tiền em trai mình. Trong khi đó, ngôi sao bóng đá thừa nhận, anh đã đến thăm “Grande” nhưng chỉ nhờ sự can thiệp từ “thần thánh”, giúp anh tránh nguy cơ chấn thương để được tham dự FIFA 2022 World Cup sắp tới.

Theo Get French Football News, Pogba đã đệ đơn lên cảnh sát, sau khi bị hai người đàn ông trùm đầu mang súng trường đe dọa tại một căn hộ ở Paris vào tháng Ba năm nay, đòi phải giao cho họ 13 triệu euro, nếu không muốn bị vạch trần vụ xài bùa chú trong thể thao cùng những bê bối khác.

Pogba đã nói với nhà chức trách rằng, anh tin những kẻ đứng sau âm mưu tống tiền là một vài người bạn thời thơ ấu của anh và anh trai Mathias.

Trong một tuyên bố gần đây, Pogba cho biết: “Những gì Mathias Pogba tung lên mạng xã hội không phải là một bất ngờ. Chúng đến sau lời đe dọa và nỗ lực tống tiền của một băng nhóm có tổ chức chống lại tôi”.

Paul Pogba (trái) và anh trai Mathias.

Paul Pogba (trái) và anh trai Mathias.

Bùa chú có hiệu quả?

Bruno Metsu, huấn luyện viên người Pháp của đội bóng Senegal, rất quen thuộc với văn hóa châu Phi do có thời gian làm việc ở lục địa đen, không tin bùa chú và lời nguyền mang lại hiệu quả trong thi đấu bóng đá. “Có thể hai hoặc ba cầu thủ dễ bị ảnh hưởng bởi bùa chú, nhưng phần đông chỉ coi đó như một trò vui... Nếu nó thực sự linh nghiệm, chúng tôi đã vô địch Cúp các quốc gia châu Phi và World Cup từ nhiều năm trước”, ông nói.

Ý định của Paul Pogba nhờ phù thủy giúp về mặt sức khỏe có thể vô hại - mặc dù không bình thường. Tuy nhiên, việc sử dụng bùa chú dưới bất kỳ hình thức nào, nếu bị phát hiện, cũng có thể khiến anh ta không được tham dự World Cup và các giải đấu khác.

Vào năm 2003, việc thực hành nghi lễ “juju” hay phép thuật phù thủy đã bị Liên đoàn bóng đá châu Phi cấm, sau chiến thắng 1-0 của đội tuyển quốc gia Rwanda trước Uganda, trận đấu mà người hâm mộ và các cầu thủ đã gây bạo loạn vì “juju” được cho là đã được sử dụng.

Lệnh cấm được ban hành một lần nữa vào năm 2016 ở giải vô địch Rwandan, khi trọng tài đã phải cho dừng trận đấu hai lần vì nghi ngờ “juju” được thực hiện để chống lại một thủ môn. Theo Hamza Nkuutu, một nhà báo thể thao của Rwandan, người đưa tin về sự kiện này, “Không có chỗ cho ‘juju’ trong bóng đá hiện đại”.

Tuy nhiên, bùa chú dường như là một đặc trưng của môn thể thao được yêu thích trên thế giới.

Ngay trận khai mạc World Cup 2002, đội tuyển quốc gia của Senegal, “Những chú sư tử thành Terenga”, đã khiến cả thế giới sửng sốt khi hạ gục đội đương kiêm vô địch Pháp và tiến thẳng vào tứ kết. Người ta cho rằng, có được thành tích tuyệt vời này là nhờ họ đã thuê một phù thủy dùng bùa chú hỗ trợ.

Năm 1997, Chủ tịch của PSG được cho là đã thuê Sidi, một phù thủy nổi tiếng, hỗ trợ một số trận đấu mà đội bóng đã thắng. Theo ESPN, việc sử dụng các phù thủy phổ biến ở Pháp và châu Phi, nơi có nhiều cầu thủ thi đấu ở các câu lạc bộ của Pháp.

Tại vòng loại World Cup ở Mozambique năm 1969, đội tuyển bóng đá nam Australia, có biệt danh là “Socceroos”, đã thuê một pháp sư địa phương để giúp đánh bại đội Rhodesia.

Đội đã giành chiến thắng nhưng được cho là không chịu thanh toán thù lao cho phù thủy. Kết quả là ông ta đã đảo ngược lời nguyền một cách ác ý và từ đó trở đi “Socceroos” luôn gặp vận đen.

Mãi đến năm năm 2004, một nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực truyền hình Australia đã thuê hai pháp sư để phá bỏ lời nguyền và “Socceroos” đã vượt qua vòng loại World Cup 2006, lọt vào vòng 16 - thành tích tốt nhất trong lịch sử của họ.

Liệu pháp sư có thể tác động đến kết quả của một trận đấu bóng đá? Hầu hết các chuyên gia và huấn luyện viên đều cho rằng điều đó phụ thuộc vào số lượng cầu thủ tin vào phép thuật phù thủy.

Ngôi sao bóng đá Paul Pogba có thực sự thuê phù thủy để yểm bùa siêu sao Kylian Mbappé của PSG, người chỉ là cái bóng của chính mình trong trận đấu lượt về Champions League 2019 với MU? Hay anh ta nhờ phù thủy hỗ trợ về mặt sức khỏe? Những câu hỏi trên vẫn còn bí ẩn.

Theo Mysteriousuniverse

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.