Vì sao báo Tiền Phong tổ chức thi hoa hậu?

Vì sao báo Tiền Phong tổ chức thi hoa hậu?
Các Hoa hậu dự chương trình Ca nhạc thời trang kỷ niệm 20 năm cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2008. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Các Hoa hậu dự chương trình Ca nhạc thời trang kỷ niệm 20 năm cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2008. Ảnh: Hồng Vĩnh.

"Cuộc thi đã gây ra một chấn động lớn không chỉ ở Thủ đô Hà Nội. Khi Bùi Bích Phương đăng quang Hoa hậu, hàng ngàn người đã vây kín hai con phố dẫn đến Nhà văn hóa Thanh niên. Chúng tôi phải nhờ xe cảnh sát mở đường mới đưa được Bùi Bích Phương về đến nhà".

Tiền Phong là tờ báo đại diện cho tuổi trẻ Việt Nam. Tờ báo đại diện cho tuổi trẻ tổ chức thi Hoa hậu, lẽ đương nhiên không có gì phải bàn. Nhưng, để có được cái "lẽ đương nhiên" đó, là một quá trình gian nan vất vả, từ không đến có, từ nhiều người phản đối đến nhiều người ủng hộ và biết bao câu chuyện kể ra ngỡ chẳng ai tin…

Giữa tháng 11/1988, báo Tiền Phong tổ chức kỷ niệm 35 năm thành lập. Đó là một sự kiện không chỉ của tờ báo mà còn là của bạn đọc trẻ trong cả nước. Ban biên tập quyết định tổ chức Hội báo Tiền Phong trong 4 ngày.

Ba ngày hội báo tổ chức ở Nhà văn hóa thiếu nhi gồm trưng bày các ấn phẩm, giao lưu với bạn đọc, ca nhạc và các trò chơi có thưởng khác... Và một ngày, dành cho cuộc thi Hoa hậu đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất gọi là "Hoa hậu hội báo Tiền Phong" (tổ chức ở Nhà văn hóa Thanh Niên phố Tăng Bạt Hổ).

Để có sự kiện này, có rất nhiều tác động trước đó đối với bản thân tôi và nhiều anh chị em ở báo.

Hoa hậu Đặng Thu Thảo đăng quang.
Hoa hậu Đặng Thu Thảo đăng quang.

Để chuẩn bị cho những ngày hội báo, chúng tôi có mượn một số bộ phim "tham khảo" của Fafilm Việt Nam chiếu cho cán bộ, phóng viên xem. Thời đó, những phim được coi là "có vấn đề", hấp dẫn không chiếu công khai mà chỉ được thuê, mượn về chiếu "nội bộ".

Trong những bộ phim đó, có bộ phim Hoa hậu Thế giới. Lần đó, cô Phon Thít, Hoa hậu Thái Lan đoạt vương miện Hoa hậu thế giới đã gây ra một cơn chấn động ở châu Á. Hôm Hoa hậu Thế giới Phon Thít đăng quang trở về nước, Thủ tướng Thái Lan lúc đó đã ra tận thang máy bay để đón.

Ông phát biểu với giới báo chí: "Tôi đã đón nhiều bậc vua chúa, nhiều nguyên thủ quốc gia nhưng chưa lần nào tôi run như lần này… khi đón Hoa hậu Phon Thít trở về với đất nước".

Nhà thơ Dương Kỳ Anh và Hoa hậu Hà Kiều Anh.
Nhà thơ Dương Kỳ Anh và Hoa hậu Hà Kiều Anh

Từ phòng chiếu phim bước ra nhiều người bàn tán sôi nổi. Một vài người thốt lên: "Sao ta không tổ chức một cuộc thi Hoa hậu nhỉ". Cuộc họp cơ quan sau đó, tôi đã nêu ra ý kiến này, sau một lúc ngỡ ngàng, nhiều ý kiến lên tiếng ủng hộ. Trong những ý kiến nhiệt thành ủng hộ có họa sĩ Tôn Đức Lượng (một trong hai tác giả sáng tác ra huy hiệu Đoàn), nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam, nhà báo Tâm Tâm...

Dẫu vậy, chúng tôi vẫn tổ chức một cuộc họp "các vị lão làng" để lấy ý kiến. Trong nhiều cán bộ Đoàn lâu năm có 3 người nguyên là Tổng biên tập báo Tiền Phong (nay đã mất). Anh Lê Xuân Đồng lúc bấy giờ là Phó ban thường trực Ban Tuyên huấn T.Ư Đảng tỏ ý không đồng tình. Anh cho là không phù hợp với văn hóa Việt Nam... Anh Thanh Dương, lúc đó là Ủy viên Ban biên tập báo Nhân Dân phát biểu rất hăng, anh ủng hộ sáng kiến này. Anh Đinh Văn Nam thì không nói gì, chỉ gật đầu mỉm cười như tỏ ý tán thành... 

Phải nói rằng, Đại hội Đảng toàn quốc năm 1986 với đường lối đổi mới đã tạo nên nhiều sinh khí cho đất nước. Cuối tháng 11/1987, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 5 kết thúc, tôi được bầu vào Ban Thường vụ T.Ư Đoàn, sau đó từ Phó tổng biên tập tôi được đề bạt làm Tổng biên tập báo Tiền Phong và được phân công phụ trách khối báo chí xuất bản của Đoàn.

Hoa hậu đầu tiên Bùi Bích Phương (đứng giữa) sau phút đăng quang. Ảnh: Mai Nam.
Hoa hậu đầu tiên Bùi Bích Phương (đứng giữa) sau phút đăng quang. Ảnh: Mai Nam.

Giữa năm 1988, T.Ư Đoàn ra quyết định đề bạt hai Phó Tổng biên tập là anh Lương Ngọc Bộ và anh Nguyễn Văn Minh. Lúc đó, chúng tôi chưa đến tuổi 40. Anh Lương Ngọc Bộ cùng tuổi tôi còn Nguyễn Văn Minh (đã mất năm 2000) kém tôi 4 tuổi. Ban biên tập được coi là trẻ và chúng tôi rất hăng hái, nhiệt tình, cái hăng hái, nhiệt tình của tuổi trẻ trong không khí đổi mới của đất nước.

Chúng tôi muốn làm một cái gì đó cho tuổi trẻ, cho tờ báo.? Tổ chức diễn đàn, lập quỹ Đền ơn đáp nghĩa, quỹ học bổng khuyến khích tài năng trẻ. Rồi ra phụ san, ra báo Tiền Phong chủ nhật, tổ chức thi tuyển phóng viên công khai (Báo Tiền Phong là cơ quan đầu tiên ở Việt Nam tổ chức thi tuyển nhân viên công khai vào năm 1988)...

Bước vào cuộc thi Hoa hậu đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất (1988) trong tay chúng tôi chỉ có con số không. Không xin giấy phép (mà cũng chẳng biết xin ai). Không nhà tài trợ. Không bán vé (chỉ có giấy mời), chúng tôi chiếu băng ghi hình cuộc thi hoa hậu thế giới năm 1988 cho thí sinh xem và luyện tập.

Trong cuộc họp với các cán bộ lão thành hôm đó, thay mặt Ban biên tập, tôi đã bày tỏ ý nguyện của tờ báo muốn đổi mới mạnh mẽ, muốn tổ chức thi Hoa hậu để tôn vinh cái đẹp, để định hướng thẩm mỹ cho tuổi trẻ, để tập hợp thanh niên, thu hút họ đến với tờ báo, với tổ chức Đoàn.Thi Hoa hậu là một hình thức tôn vinh con người, mà trước hết là người phụ nữ Việt Nam.

Bước vào cuộc thi Hoa hậu đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất (1988) trong tay chúng tôi chỉ có con số không. Không xin giấy phép (mà cũng chẳng biết xin ai). Không nhà tài trợ.

Không bán vé (chỉ có giấy mời), chúng tôi chiếu băng ghi hình cuộc thi Hoa hậu thế giới năm 1988 cho thí sinh xem và luyện tập. Ban biên tập có sáng kiến thêm phần thi áo dài dân tộc vào, và cũng từ đó áo dài Việt Nam trở thành một phần thi gần như bắt buộc của các hội thi người đẹp.

Trong số trên 50 thí sinh dự thi lúc ấy, có 1 thiếu nữ ở TP Hồ Chí Minh, 1 ở Đồng Nai, 1 Đà Nẵng, một Thanh Hóa, 1 Tuyên Quang, còn lại là thí sinh của Thủ đô. Cuộc thi diễn ra vào buổi chiều (trong 3 tiếng) tại Nhà Văn hóa Thanh niên phố Tăng Bạt Hổ (Hà Nội). Hai người dẫn chương trình là Lê Quang Vinh và Quỳnh Hương (người của Nhà văn hóa).

Toàn bộ khán giả đến dự gần 1.000 người (theo giấy mời của báo Tiền Phong) trong đó có Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh và đồng chí Vũ Quang (nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, lúc đó là Trưởng ban đối ngoại T.Ư Đảng). 

Các thí sinh trình diễn áo dài, áo tắm và trang phục tự chọn.

Lần đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất, có những thiếu nữ mặc đồ tắm lên sân khấu. Chúng tôi đã phải động viên rất nhiều các thí sinh mới ra trình diễn. Màn trình diễn được coi là "chưa từng có" đến thời điểm đó. Nhiều thí sinh vừa bước ra sân khấu đã vội chạy vụt trở vào. Bộ phận phụ trách hậu trường phải động viên mãi các em mới chịu bước ra...

Sau này, ngồi xem lại bộ phim về cuộc thi Hoa hậu đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất do một hãng phim Tây Ban Nha quay, tôi hết sức xúc động. Tôi mới biết mình đã đánh rơi vương miện trước khi đội lên đầu hoa hậu Bùi Bích Phương… Cuộc thi đã được dư luận quốc tế rất quan tâm. Các hãng truyền thông lớn như BBC, CNN, NHK.., đều đưa tin. Họ coi đó là một tín hiệu đổi mới của Việt Nam.

Hoa hậu, người đẹp, Bùi Bích Phương,
Hoa hậu Ngọc Hân

Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, một người rất thân thiết với chúng tôi, đã có lần bảo tôi: "Lần ấy, tớ bị các cụ phê bình đấy".

Cuộc thi đã gây ra một chấn động lớn không chỉ ở Thủ đô Hà Nội. Khi Bùi Bích Phương đăng quang Hoa hậu, hàng ngàn người đã vây kín hai con phố dẫn đến Nhà văn hóa Thanh niên. Chúng tôi phải nhờ xe cảnh sát mở đường mới đưa được Bùi Bích Phương về đến nhà.

Tết năm đó tấm lịch in hình hoa hậu Bùi Bích Phương được phát hành rộng rãi trong cả nước. Cuộc thi đã trở thành một sự kiện văn hóa có tác động đến hàng triệu người khắp Bắc, Trung, Nam.

Bước sang năm 1989, do tác động của cuộc thi Hoa hậu đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất, hàng loạt địa phương trong cả nước tổ chức thi hoa hậu. Người đẹp Hội Lim, Hoa hậu Hà Nội, Người đẹp Đền Hùng, Người đẹp Đồng Nai, Người đẹp Tiền Giang…

Đó là thời kỳ được coi là "loạn hoa hậu" và báo chí bắt đầu lên tiếng. Nhiều bài báo phê phán cũng có nhiều tờ báo ủng hộ chủ trương thi hoa hậu do báo Tiền Phong khởi xướng. Bản thân tôi cũng như Ban biên tập báo Tiền Phong đã hứng chịu không ít "búa rìu dư luận", bị quy cho cái tội "Tuyên truyền lối sống Mỹ"... 

Cuối năm 1989, một cuộc họp liên ngành (các đại diện đến dự ở cấp Thứ trưởng) được tổ chức do Bộ Văn hóa đứng ra chủ trì. Cuộc họp đã tranh cãi gay gắt và cuối cùng nhất trí ủng hộ việc thi hoa hậu ở Việt Nam và giao cho tôi thay mặt báo Tiền Phong soạn thảo một quy chế .

Đó là quy chế thi người đẹp đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất do báo Tiền Phong soạn thảo và được Bộ Văn hóa ban hành cùng năm. Chính nhờ quy chế đó mà các cuộc thi sắc đẹp ở Việt Nam đã đi vào quỹ đạo, đã trở thành một sinh hoạt văn hóa lành mạnh thu hút hàng triệu bạn trẻ quan tâm. Quy chế này nếu tôi không nhầm thì đến năm 2006 mới được sửa đổi và ban hành quy chế mới .

Theo Tiền Phong

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ