Dự án đường Huyền Trân Công Chúa tại TP Huế:

Vì sao 3 năm chưa xong 1 km?

GD&TĐ - Có chiều dài khoảng 1 km, thế nhưng sau gần 3 năm thi công, tuyến đường Huyền Trân Công Chúa, TP Huế đến nay vẫn ngổn ngang.

Xe ra vào khiến đường bị lún nghiêm trọng, 2 bên là khu dân cư bị ảnh hưởng sinh hoạt hằng ngày.
Xe ra vào khiến đường bị lún nghiêm trọng, 2 bên là khu dân cư bị ảnh hưởng sinh hoạt hằng ngày.

Tình trạng dở dang này khiến cuộc sống người dân bị ảnh hưởng.

Con đường đau khổ

Thời gian qua, người dân ở thôn Cư Chánh 2, xã Thủy Bằng, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế luôn sống trong cảnh bụi bặm, lầy lội, ô nhiễm không khí mỗi khi thời tiết nắng, mưa. Lý do, đoạn đường Huyền Trân Công Chúa với khoảng 1 km được thi công kéo dài 3 năm không thể hoàn thành.

Đây là tuyến đường đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giao thông, phát triển du lịch và phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của hơn 400 hộ dân trên địa bàn thôn Cư Chánh 2, xã Thủy Bằng.

“Chúng tôi quanh năm phải chịu đựng bụi bặm, đồ đạc, xe máy đưa vào nhà mà vẫn bị bụi. Trời nắng thì bụi mịt mù, trời mưa thì lầy lội đi lại rất khó khăn. Có những lúc tôi phải gửi xe ở nơi khác rồi đi bộ vào nhà mỗi khi trời mưa vì đường rất trơn, rất khốn khổ”, chị H. có nhà nằm ngay mặt tiền của con đường này than phiền.

Do đã quá quen sống trong cảnh bụi bặm, ô nhiễm không khí mỗi khi trời nắng, lầy lội, trơn trượt và bùn đất mỗi khi trời mưa nên người dân nơi đây gọi đường này là “con đường đau khổ”.

“Chúng tôi gọi đây là con đường đau khổ vì mỗi lần trời nắng, mưa là chúng tôi rất vất vả trong sinh hoạt, đi lại thì khó khăn. Gần 3 năm qua người dân đã quen sống trong cảnh như vậy rồi. Nhiều lần chúng tôi có phản ánh, kiến nghị, nhưng thời gian qua con đường vẫn vậy, thi công chậm tiến độ không biết đến bao giờ mới xong”, ông T. sống gần khu vực này cho biết.

Theo quan sát, trung bình cứ khoảng 5 đến 10 phút là có 1 chiếc xe ô tô đi qua và chủ yếu là xe tải, xe ben chuyên chở đất, cát (gần khu vực này có điểm tập kết cát lớn nên phương tiện xe ra vào rất nhiều, phóng viên).

Mỗi lần đi qua là cả con đường ngập trong bụi. Cây cối và nhà cửa cũng chìm trong… bụi. Việc này đang khiến cuộc sống của người dân nơi đây bị đảo lộn, ảnh hưởng rất nhiều.

“Mỗi lần đi qua lại khu vực này, nhà nhà đều than khổ và ám ảnh. Lòng đường thì nham nhở. Ngày mưa thì khổ vì đường lắm ổ voi, ổ gà, lầy lội, còn ngày nắng lại thêm khổ vì bụi mù mịt, bay cả vào nhà, đồ đạc, phải lau chùi thường xuyên. Mong sao cơ quan chức năng xử lý sớm để bà con ổn định cuộc sống chứ cứ tiếp tục như vậy ảnh hưởng rất nhiều đến người dân”, chị M. thường xuyên đi qua khu vực này than phiền.

Nhiều ổ voi, ổ gà xuất hiện gây khó khăn trong việc đi lại của người dân.

Nhiều ổ voi, ổ gà xuất hiện gây khó khăn trong việc đi lại của người dân.

Từng đề nghị chấm dứt hợp đồng với nhà thầu

Theo tìm hiểu, đường Huyền Trân Công Chúa nối dài là đoạn đường nằm trong Dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (Dự án các đô thị xanh) được đầu tư, nâng cấp vào tháng 9/2020, nhưng đến nay vẫn dang dở.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Trương Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng, TP Huế xác nhận đường Huyền Trân Công Chúa nối dài đang được đầu tư nâng cấp, thi công vẫn chậm tiến độ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của người dân.

“Tuyến đường này hiện đang thi công chậm tiến độ, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân, UBND xã cũng đã có kiến nghị lên cấp trên và mong muốn cơ quan có thẩm quyền quan tâm, chỉ đạo đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, sớm ổn định lại cuộc sống sinh hoạt cho người dân”, ông Tuấn cho biết.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Thành Bắc là Phó Giám đốc Ban QLDA Chương trình phát triển các đô thị loại II cho biết, đơn vị thi công tuyến đường này là Công ty Cổ phần xây dựng 68 Hà Tĩnh.

Đơn vị trên thi công đoạn từ đồi Vọng Cảnh (phường Thủy Biều, TP Huế), qua cầu Gò Bối đến đến QL 49A (xã Thủy Bằng), đang chậm tiến độ.

“Nhà thầu lấy lý do xe quá tải chở đất, cát lưu thông gây hư hỏng các hạng mục đã thi công. Họ đề nghị chúng tôi ngăn lại, nhưng chúng tôi không có bằng chứng chứng minh xe quá tải để xử lý và cũng không có thẩm quyền để xử lý. Trong khi hồ sơ mời thầu vẫn cho phép các phương tiện lưu thông.

Đầy bụi, mịt mù bao phủ khắp nơi mỗi khi có xe đi qua.

Đầy bụi, mịt mù bao phủ khắp nơi mỗi khi có xe đi qua.

Trước đây, nhà thầu này đã không đảm bảo tiến độ thi công nên ban đã có văn bản đề nghị chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, sau đó đơn vị này đã xin cam kết thực hiện theo đúng tiến độ của dự án nên các đơn vị liên quan đã đồng ý theo cam kết của nhà thầu”, Phó Giám đốc Ban QLDA Chương trình phát triển các đô thị loại II thông tin.

Một số hộ dân phải dùng vải để chắn bụi nhưng vẫn bị ảnh hưởng.

Một số hộ dân phải dùng vải để chắn bụi nhưng vẫn bị ảnh hưởng.

Được biết, kết cấu của đoạn đường thi công rộng 7,5 m, hiện tại đơn vị thi công đang đắp mở rộng thêm một số nơi trên đoạn đường này để đảm bảo đúng kết cấu.

Ban QLDA Chương trình phát triển các đô thị loại II cũng đã đề nghị theo dõi việc thi công đúng tiến độ như cam kết của Công ty Cổ phần xây dựng 68 Hà Tĩnh.

“Hiện tại chúng tôi đang tiến hành kiểm tra, theo dõi tiến độ thi công của đơn vị này 10 ngày một lần để xem có đúng như cam kết không. Nếu không đúng như cam kết chúng tôi sẽ chấm dứt hợp đồng với đơn vị này”, ông Lê Thành Bắc nói.

“Dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II đang triển khai 54 tiểu dự án trên địa bàn 19 phường thuộc TP Huế. Chủ đầu tư là Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trong đó, gói thầu số 27 bao gồm hạng mục đường Bùi Thị Xuân và đường Huyền Trân Công Chúa với giá trị gói thầu 89,065 tỉ đồng được khởi công từ ngày 21/9/2020 và dự kiến hoàn thành ngày 21/8/2023”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Viêm quanh móng - chín mé

GD&TĐ - Đầu ngón tay hoặc đầu ngón chân có một loại bệnh lý thường gặp mang tên viêm quanh móng hay còn gọi là chín mé.

Binh sĩ Israel tại Gaza.

Israel đang bị mắc kẹt

GD&TĐ - Thứ Ba tuần tới đánh dấu 15 tháng kể từ cuộc xung đột Trung Đông do Hamas tấn công Israel và cuộc ném bom và xâm lược của Israel vào Dải Gaza.

Indonesia có khoảng 60 loại keris khác nhau. Ảnh: Wikipedia.org

Linh kiếm của Indonesia

GD&TĐ - Nếu ở hầu hết các nền văn hóa, kiếm chỉ giữ vai trò vũ khí thì ở Indonesia, kiếm cổ truyền – Keris mang cả giá trị quân sự lẫn tâm linh.