Vị đại khoa có 'lá gan thép'

GD&TĐ - Trong khi quan viên sợ quân Tây Sơn mà bỏ trốn, mình ông ở lại giữ kinh thành.

Đền thờ Tiến sĩ Trần Công Xán tại Hưng Yên.
Đền thờ Tiến sĩ Trần Công Xán tại Hưng Yên.

Đối diện với chủ soái Nguyễn Huệ, ông bình tĩnh biện luận coi khinh cái chết khiến Nguyễn Huệ bội phục.

Đó là nhà khoa bảng Trần Công Xán, một trọng thần triều Lê, cũng là người được ví có lá gan thép, không sợ quyền uy, không sợ cái chết. Dù tài năng không xoay chuyển được vận cục trời định, nhưng sự can đảm và phong thái anh hùng của Trần Công Xán xứng đáng là một nhà nho quân tử.

Trọng thần triều Lê

Trần Công Xán là vị đại thần can đảm triều Lê. Ảnh minh hoạ: IT.

Trần Công Xán là vị đại thần can đảm triều Lê. Ảnh minh hoạ: IT.

Tới nay đã hơn 230 năm sau cái chết của Trần Công Xán, nhưng thanh danh và sự can đảm của ông mãi được hậu thế biết tới. Tên ông được khắc tên trên bia Tiến sĩ tại Văn miếu Quốc Tử Giám và Văn miếu Xích Đằng. Trong “Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập”, vua Dực Tông nhà Nguyễn có thơ rằng: Hang cọp dâng thư há quản mình/ Dặn ai, còn vẳng tiếng đinh ninh/ Lời hay, ý cứng khi tranh luận/ Chẳng đợi dìm thuyền chết cũng vinh.

Bàn về nhà nho quân tử và nhà nho tiểu nhân, sách Khổng Tử và các nho gia đã luận nhiều. Trong “Tam quốc chí”, Gia Cát Lượng khi khẩu chiến với đám nho sĩ Giang Đông có đề cập rằng: “Nho cũng có nho quân tử, cũng có nho tiểu nhân.

Nho quân tử thì trung vua yêu nước, giữ chính ghét tà, chuyên làm những điều ích lợi chung, tiếng để đời sau. Còn như loại tiểu nhân thì chỉ gọt giũa văn chương, miệt mài nghiên bút; còn trẻ làm phú đầu bạc đọc kinh, dưới bút dẫu có nghìn lời, trong bụng không được một mẹo”.

Nhà nho thường phải có khí tiết, nhưng đối diện với cái chết thì ít có nhà nho nào thể hiện được khí tiết quân tử. Hoặc là khom lưng để mong thoát nạn, hoặc là run rẩy chờ chết, vã mồ hôi phó mặc số mệnh. Có được khí tiết như Giang Văn Minh, Ngô Thì Nhậm… có chăng chỉ Trần Công Xán là sánh được.

Trần Công Xán (Trần Công Thước) người làng Yên Vỹ, huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu (nay là xã An Vỹ, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Ông đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 33 đời vua Lê Hiển Tông (1772).

Theo Viện Nghiên cứu Hán Nôm, văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1722) ghi khoa thi này, do Phó Đô tướng Quế Quận công Trịnh Bồng làm Đề điệu, Nhập thị Bồi tụng Hộ bộ Tả Thị lang Dĩnh Thành hầu Lê Quý Đôn làm Tri Cống cử, Nhập thị Bồi tụng Binh bộ Hữu Thị lang Liên Khê hầu Vũ Miên, Hộ bộ Hữu Thị lang Thái Đình bá Vũ Trần Thiệu làm Giám thí, lấy trúng cách 13 người. Qua tháng sau Điện thí, cho 2 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, 11 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân.

Trong đó, Hồ Sĩ Đống và Nhữ Công Chân đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân. Trong 11 người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân - Trần Công Xán đứng đầu, khi đó ông 42 tuổi.

Năm Canh Tý (1780), ông đi sứ nhà Thanh, khi về được thăng làm Ngự sử, tước Luyện Trạch hầu. Đến năm Ất Tỵ (1785), ông được thăng chức Tham tụng. Năm sau, gặp khi trong nước có biến loạn, ông đứng ra lo toan mọi việc để bảo toàn tôn miếu xã tắc nhà Lê, được vua Lê trọng dụng cho thăng chức Hình bộ Thượng thư đồng Bình chương sự.

Lá gan Trần Công Xán

Ban thờ Tiến sĩ Trần Công Xán.

Ban thờ Tiến sĩ Trần Công Xán.

Khi Tây Sơn Nguyễn Huệ ra Thăng Long, các quan đều sợ hãi bỏ trốn, ông một mình quyết giữ lấy kinh thành. Đến lúc vua Lê hội quần thần ở cung điện để đón tiếp Nguyễn Huệ, quan quân thấy Nguyễn Huệ đều lo sợ, duy có Trần Công Xán vẫn giữ vẻ đường hoàng và bản lĩnh khí tiết của một nhà nho.

Nguyễn Huệ thấy cử chỉ của ông như vậy, lấy làm lạ mấy lần hỏi chuyện ông về việc ở Bắc Hà. Trần Công Xán đều trả lời cứng cáp không chút e sợ, nhiều câu nói còn làm Nguyễn Huệ phật ý, nhưng hễ vặn lại thì ông tuỳ cơ mà ứng biến không chịu khuất phục khiến Nguyễn Huệ bội phục mà khen rằng: “Trước ta nghe nói Bắc Hà nhân tài nhiều lắm, nay ta thân đến nơi, mới biết chỉ có một mình Trần Công Xán là có nhân sắc mà thôi”.

Nhận xét này của Nguyễn Huệ khiến người nay nhớ đến lời khắc trên văn bia Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1772) - khoa mà Trần Công Xán thi đỗ: “Thánh nhân tác thành nhân tài, mà hiền tài làm cho nền trí trị được bền vững lâu dài… Người dũng sĩ, kẻ tâm phúc không ai không được tin dùng, như vậy mới không phụ ý nuôi dưỡng khích lệ nhân tài của nước nhà.

Kinh Thi có câu: “Ái ái vương đa cát sĩ, duy quân tử sử” (Lớp lớp triều đình đông đảo hiền tài, do quân tử mà có được như vậy). Khoa này chọn người hiền, ngõ hầu cũng được như thế chăng?”.

Năm Đinh Mùi (1787), Trần Công Xán vâng lệnh vua vào Phú Xuân điều đình với nhà Tây Sơn xin chuộc lại đất Nghệ An. Sứ bộ do ông làm Chánh sứ, Ngô Nho là phó cùng hoàng thân Lê Duy Án và các tùy viên.

Trước khi đi ông còn dặn Nguyễn Hữu Chỉnh chăm lo tới việc quân cơ, đề phòng bất trắc xảy ra: “Sau khi tôi đi, ông nên để ý, đừng có coi thường. Nên chia quân đóng đồn ở rìa núi Thanh Hoá để ngăn cản đường bộ binh của Tây Sơn, còn các cửa bể về mạn Sơn Nam thì nên đóng cọc...”. Nguyễn Hữu Chỉnh cho là phải nhưng không làm theo.

Dọc đường Ngô Nho bàn sửa lại quốc thư, ông gạt đi nói rằng: “Chúng ta vâng mệnh đi sứ, mới ra ngoài cõi đã toan chữa quốc thư, mạo chúa, chẳng những mang tội với nhà vua, mà nếu bên địch biết chỗ đó là lừa dối, cũng sẽ không tha mình. Như vậy, tai vạ lại càng to, tiếng chê cười để lại nghìn thu. Bất nhược ta cứ minh bạch mà làm, còn thắng bại là tại trời”.

Đến Phú Xuân, ông dâng trình quốc thư. Nguyễn Huệ xem xong giận vứt xuống đất lớn tiếng quát mắng. Ông bình tĩnh nói: “Xin Đại vương hãy bớt giận, để tôi nói rõ. Nếu muốn giết tôi, tôi cũng xin nói một lời rồi chết”.

Trần Công Xán biện bác từng khoản để đối lại Nguyễn Huệ: “Xưa đức Lê Thái Tổ dẹp yên quân Ngô, mở mang nước nhà, công đức như trời. Vua Thánh Tông tự mình làm nên thái bình, rạng danh đời trước, mở rộng về sau. Từ núi Thạch Bi ra Bắc, từ dãy Đại Lĩnh vào Nam, đều làm tôi làm dân, ai ai cũng phải tôn kính, trải qua hàng trăm năm.

Họ Mạc tiếm ngôi, cả nước đều giận. Đấng tiên vương hội họp những người đồng chí, dựng lại họ Lê. Họ Trịnh nối theo cũng vì có công phò Lê, cho nên mới sai bảo được bốn phương, và được mọi người hưởng ứng. Từ mấy đời nay, chúa Trịnh tuy là hiếp chế vua Lê, nhưng chính sóc không đổi thay, chuông khánh vẫn ở đấy, thiên hạ vẫn là thiên hạ của nhà Lê.

Đại vương ruổi xe một mạch, thẳng đến kinh thành, tuy rằng oai danh đã vang dậy khắp nơi, nhưng cũng do lấy nghĩa cả tôn phò, khiến người ta tin phục mới được như vậy. Nếu không, việc vào nước người ta, đâu có dễ dàng như thế.

Tiên đế thoạt thấy Đại vương, tiếp đãi rất là long trọng. Trước ban sách mệnh làm tước công, rồi sau sẽ phong vương, đó là điển cũ của bản triều, không phải trả ơn không hậu, chớ nên thấy như thế mà cho là bạc.

Một nước đã trải hơn ba trăm năm, trời cao chứng giám, lòng người tôn sùng. Đại vương đem cả cõi đất trả lại nguyên vẹn, là thể thuận ý trời, chiều lòng dân, chưa có thể lấy đấy làm ơn.

Tiên đế mất đi, Hoàng thượng nối ngôi, mọi việc đều bẩm trước với Đại vương. Đại vương không làm chủ thì ai làm chủ nữa. Lý đã đến thế, đừng cũng chẳng được. Tôi không dám khen ngợi để dâng lời ton hót”.

Tiếng thơm muôn đời

Dù bị dìm thuyền, nhưng cái chết của Trần Công Xán để lại tiếng thơm muôn đời. Ảnh minh hoạ: IT.

Dù bị dìm thuyền, nhưng cái chết của Trần Công Xán để lại tiếng thơm muôn đời. Ảnh minh hoạ: IT.

Thấy trời sắp tối, Nguyễn Huệ bảo ông rằng: Thôi, hãy ra nhà trọ nghĩ lại cho kỹ. Ông đáp: Tâu đại vương, nghĩ lắm chỉ thêm quẩn thôi, ngày nay kẻ ngu thần này chỉ một chết là xong.

Bắc Bình Vương nổi giận, sai bắt bỏ ngục. Trong ngục ông vẫn cười nói như thường, lại còn đề lên tường ngục đôi câu đối: Đạt đức hữu tam, túng vị năng chi nguyện học/ Tiểu tâm vô nhị, hành kỳ tố dã hà vưu (Nghĩa là: Đức thường có ba điều, nếu chưa đủ, xin học/ Lòng mọn không hai, làm theo ý mình, còn oán hận gì).

Quần thần Tây Sơn thấy vậy, tâu với Nguyễn Huệ đem giết đi. Nguyễn Huệ mến tài ông muốn thu dụng, sai Trần Văn Kỷ và Võ Văn Trụ đến dụ, ông bảo với họ: “Tôi từng nghe kẻ bề tôi nguyện chết, sự ấy xưa nay đều vẫn thế, ngoài ra, không dám nghe điều gì khác”.

Nguyễn Huệ thấy không thể thu phục được ông, muốn giết đi nhưng e mang tiếng xấu, sai đô đốc Võ Văn Nguyệt sắp đặt thuyền bè đưa Trần Công Xán về Bắc. Thuyền ra giữa biển, Nguyệt sai người đục thuyền rồi phao tin thuyền bị đắm. Trần Công Xán và đoàn sứ bộ 18 người đều bị chết. Vua Lê biết tin, thương tiếc, truy phong cho ông là Trung liệt và phong làm phúc thần, truyền cho lập đền thờ tại quê nhà.

Theo tích xưa, sau khi vinh quy bái tổ, Tiến sĩ Trần Công Xán cùng các vị chức sắc địa phương đã lập Văn chỉ ở thôn Trung (An Vỹ) để khuyến khích con cháu về đạo lý nhớ ơn và tôn trọng sự học.

Sự tích về Trần Công Xán hiện được lưu giữ trong hai cuốn sách lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm có tiêu đề: Tiến sĩ Trần Công Xán sự trạng (ký hiệu A.2136), Hưng Yên tỉnh Khoái Châu phủ Đông An huyện Kim Động huyện Phù Cừ huyện các xã thần tích (ký kiệu AE.a3/5).

Nhà thờ Tiến sĩ Trần Công Xán ở quê nhà Hưng Yên được dựng lại vào 1997. Hiện còn lưu giữ được một số di vật: Bài vịnh về Tiến sĩ Trần Công Xán viết bằng chữ Hán dưới triều vua Tự Đức, hoành phi, câu đối và bản sắc phong thời Nguyễn (18/11/1889) phong Trần Công Xán là “Quang ỷ Dực bảo Trung hưng Trung đẳng thần”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.