Ngoại trưởng Venezuela Delcy Rodriguez và Đại sứ Venezuela tại OAS Bernardo Alvarez tại Đại hội lần thứ 46 của OAS tại Santo Domingo, Cộng hòa Dominica, ngày 14/6 vừa qua. (Nguồn: AFP)
Ngày 20/6, Chính phủ Venezuela đã yêu cầu Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) hủy bỏ phiên họp dự kiến diễn ra tại Washington, Mỹ vào ngày 23/6 tới để bàn về cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị trầm trọng hiện nay tại nước Nam Mỹ này.
Trong một bức thư gửi Tổng Thư ký OAS Luis Almagro, Đại sứ Venezuela tại OAS Bernardo Alvarez đã yêu cầu tổ chức gồm 34 nước thành viên này hủy bỏ một phiên họp của Hội đồng thường trực theo đề nghị của ông Almagro nhằm thảo luận về khả năng đình chỉ tư cách thành viên của Caracas.
Bức thư nêu rõ Tổng Thư ký Almagro “không có thẩm quyền” triệu tập cuộc họp, nhấn mạnh yêu cầu của ông này là “không thể chấp nhận.”
Đại sứ Alvarez cho rằng ông Almagro đã “lạm dụng” chức quyền của mình khi tạo cơ hội cho sự can thiệp vào tình hình nội bộ của một quốc gia thành viên.
Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Venezuela Delcy Rodriguez đã yêu cầu Tổng Thư ký Almagro từ chức với cáo buộc vi phạm Hiến chương OAS và liên tục công kích chính phủ nước này.
Bà Rodriguez tố cáo ông Almagro đã "phớt lờ" những quyết định của OAS, không công bằng, phiến diện trong việc đưa ra quyết định trên cương vị là người đứng đầu tổ chức này cũng như không tôn trọng những thành quả của cuộc Cách mạng Bolivar.
Hôm 15/6 vừa qua, Nicaragua cũng yêu cầu ông Almagro từ chức vì hành động can thiệp công việc nội bộ của Venezuela.
Hồi tháng Năm vừa qua, Tổng Thư ký Almagro đã công bố báo cáo dài hơn 100 trang để yêu cầu OAS xem xét khả năng áp dụng Hiến chương Dân chủ nhằm mục đích đình chỉ tư cách thành viên của Venezuela.
Ngày 23/6 tới, Hội đồng thường trực OAS sẽ nhóm họp tại trụ sở ở Washington để xem xét báo cáo này. Tuy nhiên, trước đó, theo đề nghị của Venezuela, OAS sẽ nghe trình bày của các cựu lãnh đạo Tây Ban Nha, Dominica và Panama về những diễn biến của cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Venezuela. Đây là những người đứng làm trung gian hòa giải giữa chính phủ và phe đối lập ở Venezuela trong những tuần qua.
Trong phiên họp tới đây của OAS, nếu 2/3 trong số 34 nước bỏ phiếu thông qua việc áp dụng Hiến chương dân chủ với Venezuela, quốc gia Nam Mỹ này sẽ bị đình chỉ tư cách thành viên.
Cho tới nay, OAS mới chỉ trục xuất một quốc gia thành viên là Cuba vào năm 1962 dưới sự vận động của Mỹ./.