Venezuela: Giáo dục lao đao theo suy thoái kinh tế

Venezuela: Giáo dục lao đao theo suy thoái kinh tế

“Tất cả thứ chúng tôi có là những bức tường”

Tại Trường Jose Eduardo Sanchez Afanador thuộc Venezuela, có khoảng 723 trẻ em đang theo học tại đây. Tuy nhiên, tổ chức GD này thường xuyên rơi vào tình trạng không có điện, không có máy tính, không có bàn, ghế.

Các em nhỏ tại đây phải học trong điều kiện thiếu thốn, khi cửa sổ không có kính, nhà vệ sinh bị mất bồn rửa tay, còn cửa phòng học cũng bị kẻ trộm lấy. Ngay cả Giám đốc của Trường Jose Eduardo Sanchez Afanador cũng thường xuyên phải làm việc trong bóng tối. “Nói thật, chúng tôi phải đối mặt với một tình huống khá khó khăn”, bà Jetsica Benavides thừa nhận.

Không ít giáo viên tại trường cho hay, một số lớp học thậm chí không có bảng. “Tất cả những gì chúng tôi có là nhân viên hành chính và giáo viên cùng các bức tường. Không có gì khác”, một nhân viên GD tại trường chia sẻ.

Trường học Jose Eduardo Sanchez Afanador ở El Palmar - một thị trấn cách thủ đô Caracas của Venezuela khoảng 12 giờ lái xe. Nhiều người nhận định, tổ chức GD này chính là một ví dụ về hệ thống GD tồi tàn, bị tê liệt bởi sự sụp đổ kinh tế của Venezuela.

Không chỉ riêng Jose Eduardo Sanchez Afanador, hàng nghìn trường học trên khắp đất nước Nam Mỹ giàu dầu mỏ này cũng đang rơi vào tình trạng tương tự. Trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái, hàng loạt giáo viên quyết định bỏ nghề hoặc di cư đến đất nước khác.

Tuy nhiên, phía sau họ vẫn là những HS suy dinh dưỡng đến mức ngất xỉu trong lớp, trường học bị bỏ bê và thường xuyên không có điện - nước. Những điều này được cho là yếu tố chính khiến cuộc sống của trẻ em tại Venezuela gặp khó khăn bởi sự tan rã của hệ thống GD từng được coi là chất lượng.

Theo ông Olga Ramos, một chuyên gia và nhà vận động thuộc dự án Đài quan sát GD Venezuela, cuộc khủng hoảng của Venezuela trước khi kinh tế suy thoái bắt đầu vào năm 2013. Chuyên gia này nhận định, cuộc cách mạng đổi mới ngành GD của Venezuela những năm trước đó đã vô tình giao phó việc giảng dạy cho những người không có chuyên môn tốt.

Hàng loạt giáo viên bỏ nghề

Theo thống kê, có tới 120.000 giáo viên tại Venezuela bỏ nghề trong những năm gần đây, sau khi đất nước này rơi vào tình trạng siêu lạm phát, khiến mức lương của họ gần như trở nên vô giá trị.

Bà Doris Guzman (56 tuổi) - một lãnh đạo công đoàn giáo viên ở bang Bolivar cho biết, nhiều giáo viên từng chia sẻ rằng, họ thu được nhiều lợi nhuận hơn từ công việc bán hàng rong thay vì đứng lớp. Trong khi đó, nhiều giáo viên lựa chọn trở thành thợ mỏ, hoặc quyết định di cư tới quốc gia khác.

Cũng theo bà Guzman, giáo giới tại nước này đang phải đối mặt với một cuộc chiến sinh tồn hằng ngày, khi họ dành nhiều giờ chờ phương tiện giao thông công cộng để tới lớp, nhưng vẫn phải bán hàng ở chợ để có thêm thu nhập...

Trước bối cảnh này, chính phủ Venezuela đã phủ nhận việc các trường học đang rơi vào khủng hoảng. Phát biểu hồi tháng trước, Bộ trưởng GD Aristobulo Isturiz, tuyên bố: “Venezuela vẫn là một quốc gia có sự định hướng đúng đắn trong ngành GD”.

Đối với các phụ huynh tại El Palmar, những lời khẳng định như vậy không còn lạ lẫm. Mới đây, hàng loạt phụ huynh đã thể hiện sự tức giận trước điều kiện học tập của con mình tại Trường Jose Eduardo Sanchez Afanador.

Một cuộc họp khẩn cấp - thường được tổ chức nhằm thảo luận về cách cha mẹ có thể hỗ trợ mua bàn và ghế mới – đã biến thành một cuộc tranh cãi gay gắt. Trước những lời chỉ trích của phụ huynh cho rằng, chính phủ Venezuela chưa có những biện pháp đủ để nâng cao chất lượng GD, Giám đốc Benavides đã bác bỏ những ý kiến này và nhận định, cha mẹ cũng là những người nên nhận một phần trách nhiệm.

“Tất cả chúng ta đều cần chia sẻ trách nhiệm trong tình huống này. Nếu cộng đồng này cảm thấy trường học là một phần của nó, thì tất cả mọi người đều nên quan tâm đến ngành GD”, bà Benavides nhấn mạnh.

Nữ giám đốc của trường cũng khẳng định, bà hoàn toàn lạc quan trước tình trạng này. Tuy nhiên, bà Benavides cho biết, sẽ cần rất nhiều thời gian để có thể chấm dứt cuộc khủng hoảng GD.

Tuy nhiên, những lời giải thích trên không thể xoa dịu các phụ huynh. Ông Pedro Garcia Bolivar, một nhà truyền giáo có con gái đang theo học tại Trường Jose Eduardo Sanchez Afanador, đã yêu cầu trường học đóng cửa.

Trước bối cảnh này, bà Benavides khẳng định, phụ huynh không có quyền đóng cửa trường học. “Người duy nhất được ủy quyền đóng cửa một tổ chức GD là Bộ GD Venezuela”, nữ giám đốc tuyên bố.

Sau cuộc tranh luận, các phụ huynh rời khỏi ngôi trường đang xuống cấp và tiếp tục di chuyển tới bên ngoài tòa thị chính, hô to những khẩu hiệu phản đối khi diễu hành qua những con đường nhỏ của El Palmar, bỏ lại ngôi trường trong đống đổ nát với một tương lai không rõ ràng.

Theo The Guardian

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đây là lần thứ hai NHNN hủy đấu thầu vàng miếng.

Tiếp tục huỷ phiên đấu thầu vàng

GD&TĐ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa gửi đi thông báo hủy bỏ cuộc đấu thầu vàng miếng ngày 25/4 đến các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.