Vẹn tròn niềm vui

GD&TĐ - Không lương tháng 13, không tiền thưởng, nhưng Tết của GV miền biên viễn và nơi hải đảo xa xôi của Tổ quốc vẫn ấm áp nghĩa tình và vẹn tròn niềm vui.

Cô – trò Trường Tiểu học Nậm Cắn I cùng chơi trò chơi dân gian. Ảnh: TG
Cô – trò Trường Tiểu học Nậm Cắn I cùng chơi trò chơi dân gian. Ảnh: TG

Tết yêu thương

Con đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu với nhiều đoạn “cua tay áo” dẫn chúng tôi đến Trường Tiểu học Nậm Cắn I (Kỳ Sơn, Nghệ An). Ngôi trường vùng biên giới Việt - Lào nằm lọt thỏm giữa núi rừng đại ngàn. “Trăm nghe không bằng một thấy”, có trực tiếp trải nghiệm mới cảm nhận được những khó khăn, nhọc nhằn, vất vả mà các thầy, cô giáo nơi đây đối diện thường ngày. Song trong khó khăn, vất vả, nghĩa tình thầy trò nơi biên cương của Tổ quốc càng thêm ấm áp và tỏa sáng.

Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Phương chia sẻ: Không tiền thưởng, không lương tháng 13 như các cơ quan, doanh nghiệp, thế nhưng Tết của GV vùng biên vẫn vẹn tròn niềm vui và đầy nghĩa tình. Tham dự chương trình tất niên - Tết sum vầy, yêu thương của thầy - trò Trường Tiểu học Nậm Cắn I mới thấy, không khí nhộn nhịp, tươi vui ngập tràn miền biên viễn. Người gói bánh, người chuẩn bị các trò chơi dân gian… GV và phụ huynh cùng bắt tay vào  công việc chung này. Không còn khoảng cách, họ trở thành người một nhà, cùng lo cho học trò và cười nói vui vẻ với nhau, xóa tan không khí giá lạnh của núi rừng, mang đến một mùa xuân tươi trẻ.

Bữa cơm ngày “Tết sớm” có đầy đủ “thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh” và tất nhiên là không thể thiếu những món ăn truyền thống của bà con. Mọi người không ngừng gửi cho nhau những lời tốt đẹp nhất trong dịp đầu xuân năm mới. Dường như bao khó khăn, nhọc nhằn, vất vả của những ngày “cõng chữ lên nương”, nay đã nhường chỗ cho tình thầy - trò và nghĩa tình của bà con dân bản.

Thầy Phạm Xuân Diệu. Ảnh cắt từ clip
Thầy Phạm Xuân Diệu. Ảnh cắt từ clip

Mời chúc chén rượu mừng năm mới, cô Nguyễn Thị Phương hồ hởi chia sẻ: Năm nào cũng vậy, nhà trường tổ chức cho Tết sum vầy cho GV và HS. Tết sớm bao giờ cũng vui. Và càng vui hơn khi có sự tham gia của các bậc phụ huynh. Đó cũng là cách dân vận để gắn kết nhà trường với gia đình và xã hội.

Tình nguyện đến huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) để “gieo chữ”, thầy Phạm Xuân Diệu – GV Trường Tiểu học Sinh Tồn bộc bạch: Không quà, không lương thưởng, nhưng ngày Tết của GV vùng hải đảo luôn ngập tràn niềm vui. Món quà lớn nhất mà các thầy, cô có được là chữ Tình. Tết ở đảo cũng đủ đầy và ấm cúng không khác gì ở nhà. Một cây nêu được dựng trong chiều 30 Tết, xunh quanh đảo được trang hoàng rực rỡ. Trẻ con tíu tít chạy quanh xem các chú Hải quân gói bánh chưng. Háo hức nhất là đêm giao thừa, mọi người quây quần bên màn hình tivi để được chứng kiến thời khắc thiêng liêng chuyển giao năm cũ sang năm mới. Ai nấy đều gọi điện cho người thân ở trong đất liền, kể chuyện đón Tết ở đảo và Tết ở quê nhà.

Song có lẽ vui nhất vẫn là được HS tặng quà đầu năm bằng những tấm thiệp chúc mừng làm bằng lá bàng vuông. Có em còn tự thiết kế tấm thiếp bằng những mảnh giấy màu được cất giữ từ những gói quà trong đất liền gửi tặng. “Đấy cũng là kết quả sau những bài học mà GV chúng tôi hướng dẫn các em. Cầm tấm thiếp chúc mừng trên tay ai nấy đều vỡ òa trong hạnh phúc. Hạnh phúc của GV “cắm đảo” được bắt nguồn từ những điều giản dị như thế, nhưng nó lại là điểm tựa giúp chúng tôi vượt qua khó khăn giữa muôn trùng sóng gió. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để làm nên cái Tết vẹn tròn niềm vui và yêu thương, ngập tràn” - thầy Diệu trải lòng.

Học sinh trên đảo Sinh Tồn. Ảnh: Đức Thành
Học sinh trên đảo Sinh Tồn. Ảnh: Đức Thành

Tết ấm

Ngồi nhẩm tính, thầy Trần Văn Tuyển - GV Trường Phổ thông dân tộc nội trú Ka Lăng (Mường Tè, Lai Châu) cho hay: Tổng thu nhập được gần 20 triệu đồng/tháng (bao gồm tiền lương và phụ cấp thâm niên, phụ cấp lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn). Hai vợ chồng cộng vào cũng “có tấm, có món” để mua sắm và trang hoàng nhà cửa đón Tết.

Thầy Tuyển quê ở Ninh Bình, sau khi tốt nghiệp, thầy tình nguyện lên huyện Mường Tè dạy học. Sau đó, thầy được điều động về Trường Phổ thông dân tộc nội trú Ka Lăng. Đến nay, thầy có hơn 15 năm đứng trên bục giảng. Nói về chính sách cho GV vùng đặc biệt biệt khó khăn, thầy Tuyển bộc bạch: Nhờ chính sách này giúp GV có cái Tết đàng hoàng và tươm tất. Chúng tôi vẫn nói vui với nhau , đó là tết ấm của GV vùng khó. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ GD&ĐT và địa phương đến đời sống GV sẽ là động lực để chúng tôi bám trường, bám lớp, cống hiến hết mình cho sự nghiệp “trồng người” nơi vùng khó.

Thầy Nguyễn Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Ka Lăng bày tỏ: Những chính sách về phụ cấp thâm niên, thu hút, ưu đãi... dành cho đội ngũ nhà giáo nói chung và GV vùng biên giới, hải đảo, đặc biệt khó khăn nói riêng trong thời gian qua rất thiết thực. Chính sách đó đã đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của đông đảo cán bộ, GV. Điều đó cho thấy, những chính sách của Đảng và Nhà nước đã đi vào cuộc sống. Sự quan tâm bằng chế độ chính sách là sự bù đắp đúng đắn và bền vững nhất dành cho GV, nhất là đội ngũ nhà giáo vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. 

Sự nghiệp “trồng người” của GV vùng biên giới, hải đảo vẫn còn muôn vàn khó khăn, vất vả. Vượt lên hoàn cảnh và vượt lên chính mình, các thầy, cô vẫn quyết tâm bám trường, bám lớp. Và ở những nơi xa xôi ấy, có biết bao câu chuyện cảm động về lòng yêu nghề, tình cảm thầy - trò giản dị mà trong sáng, cao đẹp. Chắc chắn rằng, sau những ngày vui xuân, đón Tết, họ sẽ lại tiếp tục hành trình “gieo chữ” nơi biên cương, hải đảo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ