Tâm sự người trong cuộc: Vui, buồn thưởng Tết của giáo viên

Một mùa xuân nữa lại về. Dường như ai cũng nôn nao khi Tết cận kề. Những ngày này, chủ đề quan tâm nhất của giáo viên chúng tôi chính là chuyện thưởng Tết của giáo viên. 

Tâm sự người trong cuộc: Vui, buồn thưởng Tết của giáo viên

Thực ra nghề giáo vốn có đặc thù là không làm ra sản phẩm nên không có thưởng. Bao nhiêu năm nay chúng tôi vẫn biết rõ là như vậy. Cuối năm, giáo viên chỉ được công đoàn trường tặng một bịch quà (tiền này cũng do mình đóng góp) là một chai dầu ăn, bịch bột ngọt, lít nước mắm hay kí lạp xưởng... Ngày liên hoan tất niên cuối năm cũng do giáo viên tự đóng góp. Chúng tôi đón xuân chủ yếu bằng những niềm vui tự tạo. Giáo viên vùng nông thôn đa số là vậy. Gần Tết, ai cũng cố tăng gia để kiếm thêm thu nhập. Thực phẩm Tết thì giáo viên tự làm. Từ bánh mứt đến giò, chả... Thôi thì vẫn vui... như Tết.

Tuy nhiên, mấy năm gần đây, các trường học đều tự chủ về kinh tế (theo Nghị định 43 của Chính phủ) nên cuối năm nếu dư ra sẽ dành để "thưởng Tết" cho giáo viên. Trường nào chi tiêu khéo thì sẽ có dư. Chính vì vậy cuối năm giáo viên có người hồ hởi, vui mừng, người thì lại ngậm ngùi vì chẳng có đồng nào thưởng Tết cả.

Năm nay trường tôi chi tiêu khéo nên có tiền tăng thu nhập dành cho giáo viên. Sau khi tổng kết các hoạt động chi tiêu thì trường tôi vẫn còn dư một khoản. Cuối cùng chúng tôi được chia tăng thu nhập ăn Tết. Số tiền được chia thực ra không lớn, mỗi người chỉ được vài triệu thôi. Thế nhưng chúng tôi rất vui và hạnh phúc. Lần đầu tiên chúng tôi được lĩnh nhiều như vậy. Ai cũng vui mừng hớn hở vì năm nay được ăn Tết lớn.

Nhớ những mùa xuân trước, mỗi khi gần Tết, tôi luôn đau đáu những nỗi lo. Làm sao để lo cho gia đình một cái Tết đủ đầy. Ngành giáo vốn lương bổng không nhiều. Vì thế gần Tết bao giờ tôi cũng tính toán làm gì thêm để có ít tiền lo cho gia đình. Nào là tăng gia, bán thêm hàng tự làm... Bên cạnh đó, bao giờ tôi cũng cố gắng chi tiêu dè xẻn lại để mong dư ra một ít mà biếu bố mẹ hai bên. Rồi sắm sanh cho con vài bộ quần áo mới. Riêng bản thân thì chẳng dám mua gì vì kinh phí không cho phép.

Năm nay, tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Cả một năm nỗ lực phấn đấu ai chẳng mong có thưởng để Tết được trọn vẹn, đủ đầy. Gần Tết, thương nhất là những giáo viên trẻ mới ra trường. Các em lương thấp chẳng đủ tiêu. Cả một tháng chỉ trông chờ vào mấy triệu tiền lương. Trong khi đó cuối năm đám hiếu, hỉ lại nhiều. Cận ngày Tết vẫn phải gặp kế toán để ứng ít tiền rồi ra giêng xài nhín lại trả dần. Thương lắm mà chúng tôi chẳng biết làm sao. Năm nay, nhìn các em hồ hởi vui mừng khi xuân về mà tôi cũng thấy ấm lòng.

Niềm vui của tôi đang rộn ràng thì chuông điện thoại bỗng đổ dồn. Đầu dây đằng kia là giọng của cô cháu gái - cũng là đồng nghiệp của tôi gọi tới. Cháu bảo năm nay trường không có tiền tăng thu nhập cho giáo viên. Trường cháu chi tiêu không còn dư. Gần Tết rồi mà lương tháng 1 vẫn chưa có... Các cháu vẫn đang chờ đợi. Tuy vậy các cháu vẫn cố gắng để chăm lo Tết cho các học sinh nghèo trường mình. Các cháu đang kêu gọi sự ủng hộ của các mạnh thường quân. Nghe cháu nói lòng tôi chợt chùng xuống. Thương cháu, thương các thầy cô vùng sâu biết bao.

Một mùa xuân nữa lại về. Hòa theo niềm vui của đất trời, các giáo viên chúng tôi lại nôn nao đón mùa xuân mới. Niềm vui ngày Tết của nhà giáo luôn giản dị. Chỉ mong sao đủ sức khỏe để được cống hiến nhiều hơn nữa. Chúc tất cả quý thầy cô đón xuân Kỷ Hợi thật vui tươi và hạnh phúc.

Theo dantri.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Mâu thuẫn nhỏ, hậu quả lớn

GD&TĐ - Không biết từ bao giờ, con người trở nên hung hăng, luôn giải quyết mâu thuẫn bằng những hành vi phi nhân tính.

Hyun Bin thừa nhận nghiện vợ con

Hyun Bin thừa nhận nghiện vợ con

GD&TĐ - Hyun Bin đã chia sẻ suy nghĩ của mình về cuộc sống hôn nhân và đưa ra cái nhìn sâu sắc hơn về những thay đổi mà anh trải qua kể từ khi kết hôn.