Nhìn vào ngôn từ và tông điệu được sử dụng để thể hiện phản ứng, có thể thấy những nước như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Ukraine nữa đều hậm hực khi Nga phủ quyết dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA) về gia hạn thời gian hoạt động của nhóm chuyên gia độc lập giám sát Triều Tiên.
Nhóm chuyên gia trên được thành lập theo Nghị quyết số 1718 của HĐBA hồi năm 2006, và có nhiệm vụ giám sát Triều Tiên tuân thủ các quy định của Liên hợp quốc về trừng phạt liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.
Thời gian hoạt động của nhóm chuyên gia độc lập cho đến nay đã được gia hạn nhiều lần - đương nhiên với sự đồng ý của Nga và Trung Quốc. Ở lần vừa mới đây, Nga phủ quyết và Trung Quốc bỏ phiếu trắng. Vì không được Nga đồng ý gia hạn thời gian hoạt động thêm lần nữa nên nhóm này tự giải tán vào ngày 30/4 tới.
Nhóm chuyên gia có nhiệm vụ một năm hai lần báo cáo HĐBA. Trong bản báo cáo mới đây nhất, nhóm đề cập một số việc gây bất lợi trực tiếp cho cả Nga lẫn Triều Tiên. Đấy chính là giọt nước tràn ly khiến Nga không thể không xóa sổ nhóm chuyên gia này.
Báo cáo nêu Triều Tiên vẫn phóng tên lửa và nhập khẩu dầu mỏ nhiều hơn mức được Liên hợp quốc cho phép, đề cập đến việc Triều Tiên cung ứng cho Nga đạn dược để sử dụng trong cuộc xung đột với Ukraine. Ngoài ra, nhóm không bổ sung nội dung của Nga và Trung Quốc về định kỳ hàng năm xem xét lại những biện pháp chính sách của trừng phạt Triều Tiên.
Mối quan hệ Nga - Triều Tiên hiện rất tốt đẹp. Triều Tiên trên thực tế đã trở thành một trong những đồng minh chiến lược quan trọng nhất của Nga. Điều khiến Ukraine và khối các nước phương Tây cảm nhận như một cơn ác mộng là Nga được Trung Quốc và Triều Tiên viện trợ quân sự, cung ứng tên lửa, máy bay chiến đấu không người lái và đạn dược.
Hoạt động của nhóm chuyên gia độc lập này không chỉ gây bất lợi cho Triều Tiên, mà còn bắt đầu gây hại cho cả Nga. Như vậy, có thể hiểu rõ hơn vì sao Nga phủ quyết dự thảo của HĐBA về gia hạn thời gian hoạt động của nhóm chuyên gia độc lập kia. Nga làm thế chẳng phải vẹn toàn đôi ngả, vừa tranh thủ được Triều Tiên lại vừa ngăn ngừa được tổn hại trực tiếp tới quốc gia này.
HĐBA có 5 ủy viên thường trực với quyền phủ quyết. Mỹ, Anh và Pháp phê phán Nga nặng nề thế thôi chứ bản thân họ cho tới nay cũng vẫn luôn hành xử như Nga vừa rồi, tức là khi thấy có lợi cho họ và đồng minh thì bỏ phiếu thuận còn khi thấy bất lợi thì lập tức phủ quyết.
Theo thống kê của Liên hợp quốc, cho tới nay, Liên Xô trước đây và Nga ngày nay sử dụng quyền phủ quyết trong HĐBA nhiều nhất, sau đó đến Mỹ. Nga ủng hộ Triều Tiên chưa là gì so với Mỹ ủng hộ Israel chẳng hạn.
Trong tổng số hơn 90 lần Mỹ dùng quyền phủ quyết, hơn một nửa có liên quan thuần túy đến Israel. Hiện tại, giữa Nga với phương Tây có cuộc đối địch không khoan nhượng. Trong khi đó, HĐBA là sân chơi quyền lực và ảnh hưởng đặc quyền của các thành viên thường trực nên chuyện các thành viên này đoàn kết thống nhất chỉ rất hãn hữu.