Vai trò ông quan lang
Đây là một phong tục đẹp được cộng đồng người Tày xứ Lạng lưu truyền từ bao đời nay. Hàng ngàn bài thơ, hàng trăm bài hát thường xuyên được các quan lang diễn xướng trong những đám cưới đã làm say mê và ấm lòng hai họ trong ngày đại hỷ.
Trong ký ức tuổi thơ tôi, vào những tháng mùa đông sau mùa gặt, quê tôi vào mùa cưới và đã có đám cưới là có hát quan lang. Đám trẻ chúng tôi ngày ấy chưa hiểu được hết những ý đẹp lời hay trong hát quan lang nhưng háo hức lắm.
Cái sự háo hức ấy xuất phát từ một tục lệ mang tính truyền thống, giàu chất nhân văn. Đó là khi đoàn họ nhà trai, đại diện là ông quan lang đến nhà gái xin rước dâu, khi vào làng, bao giờ cũng gặp đám trẻ giăng dây ngăn đón. Đoàn nhà trai muốn được đám trẻ bỏ dây mở đường đi tiếp thì ông quan lang cũng phải có vài câu hát xin đường và cái mà đám trẻ làng háo hức chờ mong chính là những phong bao lì xì, kèm những gói xôi vuông vức cùng thịt gà, thịt heo (lợn).
Có thể nói trong cộng đồng người Tày xứ Lạng, hát quan lang luôn giữ vị trí quan trọng và chi phối toàn bộ diễn trình của một đám cưới truyền thống.Vì thế người Tày dù nghèo, hay giàu thì khi tổ chức cưới vợ cho con trai đều phải mời bằng được ông quan lang.
Những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, quê tôi cũng bắt đầu thực hiện đám cưới theo đời sống văn hóa mới, hát quan lang không còn được diễn xướng. Nhưng sức sống bền bỉ và mãnh liệt của hát quan lang thì mãi tồn tại trong tâm thức của các thế hệ cộng đồng dân tộc Tày xứ Lạng. Những năm gần đây, hát quan lang được hồi sinh trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, được phục dựng diễn xướng, được sân khấu hóa trong các chương trình văn nghệ ở nhiều địa phương trong tỉnh.
Qua trò chuyện với các nghệ nhân quan lang, tôi thêm hiểu hơn, yêu thích hơn về hát quan lang quê mình. Trước đây, hát quan lang không phải để biểu diễn cho đông đảo công chúng thưởng thức mà là để thể hiện sự kết nối giữa con người với con người và giữa con người với thế giới tâm linh trong ngày tổ chức đám cưới của những đôi trai gái trong vùng.
Nghệ thuật, ý nghĩa hát quan lang
Trong hát quan lang có cả một hệ thống lớp lang các bài thơ, bài hát dân gian có thể kéo dài hàng ngàn câu, với hàng trăm bài, chia thành các phần cụ thể với nội dung là cách giáo huấn chỉ bảo, cách ứng xử tinh tế, tao nhã của mỗi con người trong đời sống cộng đồng xã hội.
Theo phong tục người Tày trước đây, trong các đám cưới, hát quan lang thay cho những lời chào mời xã giao rất tế nhị, lịch thiệp, thể hiện tình cảm chân tình, tôn trọng nhau giữa nhà trai và nhà gái.
Khi đến nhà gái rước dâu, ông quan lang giữ trọng trách là trưởng đoàn và là người có khiếu ăn nói lưu loát, khéo léo, nhanh trí, am tường phong tục và quan trọng là phải có giọng hát ấm áp, truyền cảm, thuộc lời nhiều bài, nhiều cung quan lang (thơ lẩu).
Từ lúc đến cửa nhà gái cho đến khi rước được dâu về theo giờ tốt, phải trải qua những nghi lễ của phong tục và ông quan lang phải thể hiện được bản lĩnh của mình qua những bài hát quan lang như hát xin được ra mắt nhà gái, xin cho chú rể dâng lễ vái bàn thờ tổ tiên, xin rước dâu ra cửa, chúc nhà gái khi con gái sắp về nhà chồng…
Quan lang và đoàn nhà trai rước dâu về nhà |
Lời hát quan lang là những bài thơ tuy mộc mạc, nhưng có ý nghĩa sâu sắc, vần điệu giàu chất nhạc, nên khi ông quan lang cất tiếng xướng lúc bổng, khi trầm thì người nghe ít nhiều cũng xao xuyến theo. “Kính trình lên nhà sang quý họ/ Trời sinh nàng thiếu nữ khôn ngoan/ Lại sinh người thế gian cao kế/ Chú rể mới khác mường vừa tới/ Trình họ hàng bác bá chú cô/ Nay rể mới xin ra trình diện/ Tôi có lời thưa với gường cao/ Tiểu lễ tôi xin hầu bàn tổ/ Thắp đèn hương sáng tỏ bàn trên/ Cho phép rể vào dâng mời rượu…”.
Mỗi nghi thức là một bài thơ được ông quan lang thuộc làu và hát xướng lên theo diễn trình nghi lễ, trong đó lời thơ chan chứa tình cảm và sự lưu luyến, nhất là trong giờ phút chuẩn bị rước dâu ra cửa để về nhà chồng. “Tôi xin trình nội ngoại gường cao/ Giờ tôi xin đón dâu ra cửa/ Đón dâu về trình cả họ hàng/ Đường xa sợ trên đường lâu tới/ Vừa đi vừa nghĩ ngợi trên đường/ Sắm sửa cho dâu nàng xuất giá/ Để phượng loan kết khóa giao ca/ Pả mẻ xếp chăn hoa cho sớm/ Đón dâu về đến chốn nhà sang/ Đón dâu về lạy tổ lạy tiên/ Sống hạnh phúc thiên niên hai họ”.
Những câu thơ được các ông quan lang diễn xướng sẽ chỉ kết thúc khi nhà gái ưng bụng và cho phép rước dâu ra cửa, với bài hát cuối cùng là những chúc phúc nhà gái trong ngày hôn hỷ. “Tôi xin trình quý họ nhà người/ Xin kính chúc đôi lời chào lại/ Nếu có lời vụng dại bỏ qua/ Hai nhà kết thông gia hôn hỷ/ Không có gì của quý đền công/ Ngày lành xin chúc mừng bô lão/ Sống bình yên mạnh khỏe trăm năm/ Người trẻ được luôn luôn sức khỏe/ Người người được cứng khỏe tay chân/ Các thiếu nhi học thông chữ nghĩa…”.
Quan lang đại diện cho nhà trai, thông qua những cung hát cũng không quên chào và cảm ơn những trai gái bản làng đã có công phục vụ một bữa ăn thật chu đáo cho hai họ, với những câu hát thật chân tình. “Thân họ đông nhộn nhịp ra về/ Bát đĩa hãy còn kia chưa rửa/ Được ơn ban trai gái bản mường/ Người người đều có công giúp đỡ/ Thịt thà đầy bát đĩa trên mâm/ Chúng tôi thật vui lòng nhớ mãi”.
Những bài hát quan lang được các quan lang hát thay cho lời chúc trong ngày đại hỷ, làm sao cho nhà gái nghe thật êm tai, thật hài lòng để cho đám rước dâu diễn ra thật suôn sẻ, thật tươi vui. Nói chung vai trò người quan lang trong đám cưới thời xưa, cũng na ná như vai trò MC đám cưới ngày nay vậy.
Trong diễn trình tiến hành các nghi lễ, nhà gái cũng sẽ có người đại diện đáp lại quan lang và họ nhà trai bằng những bài hát quan lang mang nội dung chúc phúc cho đôi uyên ương, tạo nên một không khí thật vui vẻ, với những giai điệu ngân nga nhấn nhá mang đậm màu sắc văn hóa vùng miền.
Thông qua hát quan lang, có thể thấy rõ được tất cả các giá trị văn hóa truyền thống được hội tụ trong đó với những quy ước về đối nhân xử thế, sự giao tiếp tinh tế giữa cá nhân với cộng đồng, với tổ tiên nguồn cội, với thế giới tâm linh và thấy được những khát vọng sống, khát vọng vươn tới hạnh phúc lứa đôi, những nét đẹp đạo lý…