Chợ đen hoành hành giá vé
Mong chờ Việt Nam có mặt ở trận chung kết AFF Cup 2018, nên trận bán kết lượt về của đội tuyển Việt Nam gặp Philippines trên sân nhà đã khiến nhiều người hâm mộ càng muốn sở hữu tấm vé vào sân cổ vũ. Tránh sức ép của dư luận về cách bán vékhông công khai, minh bạch ở các trận trước, VFF đã chọn hình thức bán 25.000 vé online.
Theo thống kê của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam: 25.000 vé online, được mở bán lúc10 giờ sáng ngày 28/11, nhưng lúc cao điểm có tới 130.000 lượt truy cập. Con số này cao gấp nhiều lần so với dự kiến ban đầu. Thậm chí, có tổng số 2,7 triệu lượt truy cập đăng ký mua vé online.
Bán vé online để hạn chế tình trạng chen lấn, xô đẩy khi người hâm mộ xếp hàng mua vé. Thế nhưng, tình trạng nghẽn mạng diễn ra liên tục. Không mua được vé, người hâm mộ bủa vậy trước cổng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Điều này đã khiến cho dư luận xã hội đặt ra câu hỏi: Vé của VFF bán có thực sự đến tay người hâm mộ hay chỉ là hình thức đánh lừa. Tại sao người xem không mua được vé từ VFF nhưng chợ đen vé bán công khai lại rất nhiều?
Trong khi nhiều người hâm mộ thất vọng vì không thể mua nổi tấm vé qua mạng thì ngoài chợ đen, vé loại nào cũng có và được bán công khai với mức chênh từ 6 - 13 lần/cặp, tùy theo vị trí khán đài. Trận này, VFF bán vé với các mệnh giá: 200.000 - 300.000 - 400.000 - 500.000 đồng/vé.
Chìa ra tập vé, người phụ nữ có tên Hà giao bán: “Vé bị đội giá theo từng ngày. Vé khán đài D, chị lấy em hữu nghị 2,5 triệu đồng/cặp. Nếu em chịu chi, ngồi ở khán đài A xem cho đã mắt thì chị chỉ lấy 7 triệu đồng/cặp thôi. Mỗi cặp vé chị chỉ ăn lãi vài trăm, tùy em chọn. Em không mua nhanh, vé khan hiếm thì sẽ càng bị đội giá đắt”. Vậy là, so với trước đó một ngày, giá vé đã bị đẩy lên cao hơn vì khán đài D, ngày đầu chỉ bán 2 triệu đồng/cặp và 5 triệu đồng/cặp vé khán đài A.
|
Lời giải thích chưa thỏa đáng
Là một người hâm mộ bóng đá Việt Nam, anh Ngô Văn Chinh, ở Đông Anh (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi không tin chỉ trong một ngày rưỡi mà VFF đã bán hết vé sân Mỹ Đình, có sức chứa hơn 4 vạn chỗ ngồi. Là một chuyên gia công nghệ thông tin, sau khi VFF mở bán chưa đến 10 giây, tôi đã đặt mua nhưng đều không kích hoạt nổi. Thậm chí, cả ngày ngồi trên mạng săn vé, vào cả 4 trang web bán vé của VFF nhưng “đều chết” ở mọi thời điểm. Tôi bấm F5, Ctrl+F5 liên tục cũng không mua nổi bất kỳ tấm vé nào”.
Về việc này, ông Lê Hoài Anh, Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam giải thích: “Với bất cứ hình thức bán vé nào cũng có cái được và chưa được. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã lường trước đến tình huống nghẽn mạng khi người truy cập quá tải. Bán vé online là hình thức bán vé thông minh, người mua được chuyển vé đến tận nhà, tránh được hình ảnh phản cảm xếp hàng chen lấn, xô đẩy, lời lẽ bức xúc khi không mua được vé”.
“Nhu cầu và lượng truy cập mua vé cao gấp nhiều làn so với thực tế sân vận động quốc gia Mỹ Đình đáp ứng. Có tới 2,7 triệu lượt người truy cập, thậm chí lúc cao điểm có 130.000 người. Do đó, việc phải xếp hàng trên mạng để chờ được tiếp nhận lệnh xử lý là bình thường. Mới đầu, người truy cập có thể nhận được thông báo hết vé hoặc nghẽn mạng vì đang chờ xử lý, không được xử lý ngay cũng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, VFF sẽ tổng kết, xem cái gì được, chưa được để rút kinh nghiệm, đưa ra phương án hợp lý” - ông Hoài Anh chia sẻ.
VFF bán vé bóng đá bằng đường công văn, xếp hàng mua, thậm chí bán online cũng đều thất bại. Có hay không sự thao túng trong việc bán vé đến tay người hâm mộ? Câu hỏi này xin dành cho các cơ quan hữu quan mà người hâm mộ cần câu trả lời thỏa đáng.