Vẽ trâu cho vua cày ruộng

GD&TĐ - Lễ hội Tịch điền với hình ảnh vua cày ruộng đã trở thành nét văn hóa có một không hai. Nhưng ấn tượng hơn là những chú trâu được trang trí màu sắc với họa tiết bắt mắt bởi các họa sĩ tài năng.

Lễ hội Tịch điền phục dựng cảnh vua Lê Đại Hành cày ruộng.
Lễ hội Tịch điền phục dựng cảnh vua Lê Đại Hành cày ruộng.

Khoảng trên 1.000 năm trước, vua Lê Đại Hành về Đọi Sơn cày ruộng. Đó là thời khắc vị vua đầu tiên của Nhà nước quân chủ phong kiến cày cấy khai mở nông trang. Lễ hội thất truyền nhiều năm, cuối cùng đã được phục dựng tại chính mảnh ruộng trước núi Đọi, xã Đọi Sơn (Duy Tiên – Hà Nam).

Vào ngày mùng 6 tháng Giêng, hình ảnh những chú trâu được các họa sĩ vẽ trang trí các hoạ tiết đầy tính nghệ thuật. Lễ hội Tịch điền không chỉ rộn ràng hơn mà còn là thời khắc để giới hội họa trổ tài “khai bút”, trước khi vị vua của muôn dân đặt tay lên cán cày trên cánh đồng Kim Ngân.

Huyền sử đất thiêng

Vẽ trâu cho vua cày ruộng ảnh 1

“Sông Châu, núi Đọi” là địa danh mà thực ra đã trở thành cốt tủy linh tích của vùng đất Hà Nam. Nhưng có lẽ ít người biết đến núi Đọi với những huyền tích cổ xưa mà lại gắn với ngày nay.

Xưa mà nay, trâu là thần nhưng lại trên chính mảnh đất có lễ hội Tịch điền lại xuất hiện nghề làm trống thì kể cũng lạ. Mà nghề làm trống ở Đọi Sơn thì đã có từ lâu và nổi tiếng lắm rồi. Cùng với việc vua về đây cày ruộng, là thời điểm xuất hiện nghề làm trống.

Cụ Đinh Văn Bục, từng làm thủ nhang đình cũng là người tường chuyện ở Đọi Sơn nói rằng, cách đây hơn 1.000 năm có hai anh em Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Bản đi qua làng. Thấy vùng này có nhiều cây mít gỗ đẹp, quả chín thơm lừng, gỗ vàng ươm. Lại không bị mọt nên quyết định chọn làm chốn định cư để hành nghề.

Năm 986, khi vua Lê Đại Hành sửa soạn về làng cày ruộng khuyến nông. Hai anh em làm một cái trống đón vua. Khi lễ Tịch điền diễn ra, hai ông cùng dân làng cổ vũ đánh trống vang rền một góc trời.Vì tiếng trống vang như sấm rền nên về sau hai anh em được dân làng tôn là Trạng Sấm.

Đất vua cày ruộng còn nổi tiếng với Long Đọi Sơn – một thiền tự nghìn năm tuổi trên đỉnh núi Đọi. Chùa do vua Lý Thánh Tông và Vương phi Ỷ Lan chủ trì cho xây dựng trên thế đất Cửu Long. Toàn cảnh núi Đọi trông xa giống như một con rồng nằm giữa một dải đất bằng phẳng, đầu núi Đọi hơi nhô cao về hướng Thăng Long.

Đứng trên đỉnh núi có thể nhìn thấy 9 con đường và sông chạy về giống như 9 con rồng. Mắt rồng là 9 cái giếng cổ (Cửu tỉnh) vẫn tọa xung quanh dãy núi Đọi.

Huyền sử về một vùng đất cổ với những tục lệ lạ sẽ càng trở nên thật hơn khi du khách được chính người đang sống quanh núi Đọi kể cho nghe. Hoặc nếu có thể, bạn nên bước qua 373 bậc thang bằng đá uốn dẫn lên thiền tự.

Tại đây, hiện vẫn còn lưu giữ rất nhiều tác phẩm nghệ thuật qua các giai đoạn như tấm bia Sùng Thiện Diên Linh, tượng Quan Âm Thị Kính, tượng Dị Lặc bằng đồng nặng 1 tấn đúc vào 1864.

Trong số này, bia Sùng Thiện Diên Linh là tấm bia cổ 900 năm tuổi được xem là một báu vật độc đáo của chùa Đọi, bởi tấm bia được xem là một công trình nghệ thuật điêu khắc đặc sắc thời Lý đặt ở ngay cổng chính, trước tòa tam bảo do đích thân vua Lý Nhân Tông chỉ đạo chế tác và ngự đề. 

Tuyển trâu vào hội

Những con trâu đạt giải sẽ được chọn cày trên cành đồng Kim Ngân.
Những con trâu đạt giải sẽ được chọn cày trên cành đồng Kim Ngân.

Từ năm 2009 khi lễ hội Tịch điền được phục dựng, từ đó cứ sáng sớm mùng 6 tháng Giêng như một thông lệ - các họa sĩ tụ tập dưới chân núi Đọi.

Ông Lê Minh Sơn, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hà Nam nói rằng, cuộc thi vẽ trang trí trâu trong lễ hội Tịch điền là cuộc thi riêng của Hà Nam. Cuộc thi có những ý tưởng bảo đảm được yêu cầu của Ban tổ chức với những tiêu trí cụ thể nói về khuyến nông. Lễ hội năm nào cũng có họa sĩ người nước ngoài tham gia.

Năm 2020, họa sĩ Phương Vũ Mạnh, đến từ đoàn họa sĩ Hà Nội tham gia trang trí trên thân trâu cho rằng, mỗi họa sĩ có một góc nhìn, một cách thể hiện khác nhau. Tuy nhiên, có một điểm chung là liên tưởng đến một con giáp để thể hiện tác phẩm cá nhân với các chủ đề về mùa xuân và nông nghiệp.

“Từ nền màu đen đặc trưng của thân trâu khiến người họa sĩ phải biết tìm tòi cách phối màu và họa tiết sao cho phù hợp để làm nổi bật được tác phẩm, thuyết phục được người xem cũng như ban giám khảo. Hơn nữa, trâu phục vụ cho lễ hội nên họa sĩ thường phải kết hợp các họa tiết truyền thống để làm nổi bật ý nghĩa dân tộc”, họa sĩ Phương Vũ Mạnh chia sẻ.

Theo UBND xã Đọi Sơn, vì cuộc thi trang trí trên thân trâu cũng là ngày hội “khai bút” của giới họa sĩ nên địa phương tuyển lựa những chú trâu khỏe và đẹp nhất. Thông thường, từ tháng 11 âm lịch năm trước, địa phương đã cùng nông dân các thôn tuyển lựa trâu phù hợp cho lễ hội.

Khoảng 30 con trâu được lựa chọn qua hình dáng và độ thuần trong việc kéo cày. Từ đó, chủ nhà có trâu được chọn sẽ ra sức huấn luyện thêm và vỗ béo cho trâu. Trước ngày diễn ra lễ hội, những chú này được đưa ra bãi đất dưới chân núi Đọi để các họa sĩ bốc thăm chọn lựa, đánh số.

Tờ mờ sáng ngày hôm sau, cả người và trâu có mặt trên mảnh đất sẽ diễn ra lễ hội Tịch điền. Đây là thời điểm để các họa sĩ phô bày tài năng trang trí trên thân trâu bằng những họa tiết sao cho bắt mắt nhất và phù hợp với chủ đề mà ban tổ chức yêu cầu.

Một trong những người khá quen mặt trong hội thi vẽ trâu là họa sĩ – nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền. Từ năm 2009, khi lễ hội bắt đầu được phục dựng thì họa sĩ Bùi Trọng Hiền đã có mặt. “Tịch điền là một trong những lễ hội cổ nhất, ý nghĩa nhất đối với không chỉ người nông dân mà còn đối với các triều đại. Lấy nông nghiệp làm gốc, cầy cấy mở mang nông trại, tăng gia lương thực làm cho quốc gia giàu mạnh”, họa sĩ Trọng Hiền tâm sự.

Họa sĩ Trọng Hiền thường vẽ trên thân trâu các họa tiết mang tính truyền thống. Ngoài những con giáp ứng với năm mới, ông còn thể hiện những đình đền, cảnh làng quê một cách khá cầu kỳ dựa trên bố cục thân trâu. Còn trong năm mới 2021 – năm của trâu, thì có thể ông sẽ kết hợp sự sinh trưởng bằng cách vẽ nghé con cùng mẹ cày ruộng.

Một trong những nghệ sĩ nước ngoài cũng khá quen thuộc trong lễ hội Tịch điền là họa sĩ Khairul Azuwan, người Malaysia. Tù năm 2010 anh đã về Đọi Sơn tham gia vẽ trên thân một con trâu mộng. Năm 2020, anh dự định về cùng các họa sĩ người Nga nhưng vì có việc đột xuất nên đã vắng mặt.

“Tôi biết ở Việt Nam có câu “con trâu là đầu cơ nghiệp”, là tài sản lớn nhất của người nông dân. Với tất sự trân trọng nên tôi muốn thể hiện con trâu với những đức tính cần cù, thân thiện như chính người Việt Nam. Tôi rất vui khi luôn được mời tham dự lễ hội, được đón Tết với người dân Việt Nam”, họa sĩ Khairul Azuwan cho hay.

Không chỉ sặc sỡ sắc màu, họa tiết cũng phải đáp ứng yêu cầu chủ đề khá khắt khe mà ban tổ chức đưa ra.
Không chỉ sặc sỡ sắc màu, họa tiết cũng phải đáp ứng yêu cầu chủ đề khá khắt khe mà ban tổ chức đưa ra.

Lấy thân trâu làm giá vẽ

Vẽ trâu cho vua cày ruộng ảnh 4
Năm nào cũng có họa sĩ nước ngoài tham gia vẽ trang trí trên thân trâu.
Năm nào cũng có họa sĩ nước ngoài tham gia vẽ trang trí trên thân trâu.

Họa sĩ cao tuổi Lê Hồng Quang cho biết: Vẽ trên thân trâu rất khác với trên giá vẽ thông thường. Từ nền màu đen đặc trưng của thân trâu khiến người họa sĩ phải biết tìm tòi cách phối màu và họa tiết sao cho phù hợp để làm nổi bật được tác phẩm cũng như ý đồ thể hiện sáng tạo của họa sĩ.

Trong việc sáng tạo, nhiều họa sĩ quen với cảm hứng môi trường yên lặng. Tuy nhiên, vì là ngày hội nên không khí vô cùng rộn rã ồn ào. Cũng vì thế, không ít họa sĩ bị “đứt mạch” ý tưởng lẫn cảm xúc nên khi hoàn thành tác phẩm không được ưng ý.

Có những họa sĩ gặp tai nạn nghề nghiệp trong chính lúc vẽ khi bị trâu đá. Họa sĩ Khải Đinh vào năm 2015 đã bị như thế, nhưng may mắn là người bạn đi cùng đã thay thế để hoàn thành nốt tác phẩm.

Một trong những chủ trâu thường xuyên được chọn là ông Trần Văn Bình ở thôn Đọi Tín cho biết: Trâu có con hiền, con nhát nhưng có con dữ. Thường khi bị người lạ động vào sẽ phản ứng theo nhiều cách. Chúng thường đá, hoặc vạng sừng vào người lạ, có họa sĩ còn bị chúng lao hẳn đầu vào.

Vì một số tai nạn ngoài ý muốn, nên ban tổ chức thường yêu cầu chủ trâu có mặt tại vị trí để làm an lòng chú trâu của mình.

Sau khi ban tổ chức chấm giải, những chú trâu được giải Nhất – Nhì – Ba sẽ được chọn vinh dự cùng cụ già đóng vai vua Lê Đại Hành xuống đồng thực hiện những đường cày đầu tiên trên cánh đồng Kim Ngân.

Lễ hội Tịch điền đầu tiên được vua Lê Đại Hành tổ chức và đích thân xuống đồng cày ruộng vào đầu Xuân năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (năm 987). Lần đầu vua cùng bá quan văn võ cày ruộng tịch điền ở Đọi Sơn và bắt được chum vàng, năm sau cày ở Bàn Hải bắt được chum bạc. Vì thế, những thửa ruộng này còn được gọi là Kim Ngân Điền, người dân Hà Nam thì gọi là ruộng vàng, ruộng bạc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.