Vệ tinh NASA tìm thấy dấu vết sự sống trên mặt trăng sao Mộc

GD&TĐ - Tàu Galileo bay qua cột hơi nước 193 km phun từ lớp băng bao phủ mặt trăng Europa của sao Mộc, dấu hiệu sự sống có thể tồn tại.

Vệ tinh NASA tìm thấy dấu vết sự sống trên mặt trăng sao Mộc

Tàu thăm dò của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) khám phá mặt trăng Europa của sao Mộc và bay qua cột hơi nước khổng lồ phun lên từ bề mặt băng, có độ cao lên tới 160 km, theo phân tích mới từ dữ liệu của tàu Galileo, Guardian đưa tin. Phát hiện được công bố trong buổi họp báo trực tuyến được NASA tổ chức lúc 0 giờ đêm qua theo giờ Việt Nam.

Nếu những mạch nước phun này phổ biến trên Europa, các phi vụ NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) sắp thực hiện có thể bay qua và tìm kiếm dấu hiệu của sự sống trong nước biển có nguồn gốc từ đại dương ngầm rộng lớn chứa lượng nước nhiều gấp đôi tất cả đại dương trên Trái Đất gộp lại.

Tàu vũ trụ Galileo dành 8 năm bay quanh quỹ đạo sao Mộc và bay qua Europa, thiên thể lớn ngang Mặt Trăng, ở khoảng cách gần nhất vào ngày 16/12/1997. Khi tàu thăm dò hạ xuống độ cao dưới 400 km, cảm biến trên tàu bị giật do tín hiệu bất ngờ mà các nhà khoa học lúc đó không thể lý giải.

Trong nghiên cứu mới, các tác giả mô tả quá trình họ xem xét lại dữ liệu của tàu Galileo sau khi hình ảnh truyền về Trái Đất từ kính viễn vọng vũ trụ Hubble năm 2016 chỉ ra dường như có cột nước phun trên bề mặt Europa. Họ nhận thấy cột nước phun bất ngờ từ mặt trăng sao Mộc có thể giúp giải thích kết quả đo kỳ lạ của tàu thăm dò Galileo.

"Có một số đặc điểm bất thường trong lần bay sát vào tháng 12/1997 mà chúng tôi không bao giờ hiểu rõ", Margaret Kivelson, nhà khoa học cấp cao trong phi vụ Galileo kiêm giáo sư danh dự ngành vật lý vũ trụ ở Đại học California, Los Angeles, cho biết. "Chúng tôi tìm lại và xem xét dữ liệu cẩn thận hơn và tìm ra đó là kết quả nằm trong dự kiến nếu bay qua cột nước phun".  

Trong lần bay qua gần nhất, tàu Galileo lướt bên trên Europa ở tốc độ gần 3.600 km/h. Trong lúc tàu bay nhanh, thiết bị trên tàu phát hiện sự biến dạng nhanh nhưng mạnh của từ trường và sự gia tăng đột ngột trong mật độ plasma hay khí gas ion hóa.

Mô phỏng máy tính do Xianzhe Jia, nhà khoa học vũ trụ ở Đại học Michigan, tạo ra cho thấy mạch phun cao 193 km phun lên từ khu vực tương đối ấm trên Europa sẽ cho kết quả chính xác như vậy. Nghiên cứu chi tiết được đăng trên tạp chí Nature Astronomy.

Khi cột nước phun bắn tung tóe, các phân tử lập tức va đập với những hạt năng lượng cao, quá trình này khiến chúng vỡ thành ion mang điện tích. Chính ion này tạo ra biến động nhanh ở hướng từ trường và làm tăng mật độ plasma bên trên mạch phun.

"Phát hiện của chúng tôi về cột nước phun dựa trên dữ liệu của tàu Galileo sẽ tạo nền tảng chắc chắn cho những chuyến thám hiểm Europa trong tương lai", Jia nói. Phi vụ Europa Clipper của NASA, dự kiến phóng vào những năm 2020, với mục tiêu tìm hiểu liệu mặt trăng sao Mộc có thể chứa sự sống hay không. Phi vụ khác mang tên Jupiter Icy Moons Explorer hay Juice của ESA, dự kiến phóng cùng thời gian, sẽ thực hiện nhiều lượt bay qua Europa và hai mặt trang sao Mộc khác là Ganymede và Callisto.

Mặt trăng Europa của sao Mộc hầu như không phải nơi phù hợp cho sự sống tồn tại. Nhiệt độ bề mặt không bao giờ vượt quá -160 độ C. Nếu sự sống xuất hiện trên sao Mộc, nó có thể tập trung quanh mạch thủy nhiệt ở đáy đại dương trong bóng đêm lạnh lẽo vĩnh cửu.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ