Hành tinh này, vốn sở hữu một cái tên có ý nghĩa khá "thú vị", có bầu khí quyển thối như trứng ung bởi các đám mây của nó được hình thành từ hydrogen sulfide.
Theo Mashable, một nghiên cứu xuất bản hôm thứ Hai trên trang Nature Astronomy đã xác nhận sự hiện diện của loại khí gas có mùi đầy "quyến rũ" này trong các đám mây của sao Thiên Vương.
Các nghiên cứu trước đây cho rằng khí quyển hành tinh này chứa ammonia và hydrogengen sulfide dựa trên việc nó không có một số bước sóng ánh sáng nhất định, nhưng ý kiến này không phải xuất phát từ việc quan sát trực tiếp.
Bằng cách sử dụng một chiếc kính thiên văn dài gần 8 mét tại đài quan sát Gemini ở Hawaii, một nhóm nghiên cứu do giáo sư Patrick Irwin của Đại học Oxford đứng đầu đã tìm hiểu ánh sáng mặt trời khúc xạ từ các đám mây của sao Thiên Vương và phát hiện ra hydrogen sulfide.
"Nếu một người không may rơi xuyên qua các đám mây của sao Thiên Vương, họ sẽ phải đối mặt với những mùi rất khó chịu và hôi hám", ông Irwin nói. "Nhưng trước khi ngửi thấy mùi kinh dị này, họ sẽ bị ngạt thở và phơi nhiễm".
Nghe có vẻ hài hước khi biết được sao Thiên Vương có mùi như sản phẩm của hệ tiêu hóa, nhưng cấu tạo của tầng khí quyển bên trên của nó còn giúp chúng ta biết thêm một số thông tin về lịch sử và sự hình thành của hệ Mặt trời.
Không như sao Thiên Vương - vốn được biết đến là một hành tinh băng khổng lồ bởi các phân tử trong cấu thành của nó nặng hơn hydrogen và heli - các nhà khoa học đã không tìm thấy hydrogen sulfide trên các hành tinh khí gas khổng lồ như sao Mộc và sao Thổ.
Các hành tinh khí gas này có bầu khí quyển chứa đầy ammonia. Sao Hải Vương - một hành tinh băng khổng lồ khác - lại có khả năng chứa các đám mây với cấu tạo như sao Thiên Vương. Từ đó, người ta đoán rằng sao Thiên Vương và sao Hải Vương hình thành ở xa Mặt trời hơn nhiều so với sao Mộc và sao Thổ.
Hình ảnh render khí quyển sao Thiên Vương
Trong công bố, thành viên nhóm nghiên cứu là Leigh Fletcher đã nhắc đến các điều kiện khí quyển trên các hành tinh vào lúc mới hình thành khác nhau như thế nào.
"Trong quá trình hình thành hệ Mặt trời, sự cân bằng giữa nitrogen và sulfur - dẫn đến ammonia và hydrogen sulfide - được quyết định bởi nhiệt độ và vị trí hình thành hành tinh" - ông nói.
Vậy, có thể kết luận rằng, việc biết được sao Thiên Vương có mùi như... rắm đã giúp chúng ta biết thêm được đôi chút về quá trình hình thành của hệ Mặt trời mà Trái Đất chúng ta là một thành viên trong đó!