Vệ tinh mới phát hiện "thảm họa" thiên nhiên

GD&TĐ - Cho dù đó là những đám cháy rừng quét qua Bờ Tây, những cơn bão từ Thái Bình Dương tràn vào hay sương mù dày đặc bao phủ Tây Bắc Thái Bình Dương, một vệ tinh thời tiết mới có khả năng theo dõi tất cả.

GOES-T được cho là sẽ cải thiện mô hình dự báo trên khắp nước Mỹ.
GOES-T được cho là sẽ cải thiện mô hình dự báo trên khắp nước Mỹ.

Vệ tinh “đa năng”

Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia (NOAA) đã phóng GOES-T - vệ tinh thứ ba trong loạt vệ tinh thời tiết địa tĩnh tiên tiến vào ngày 1/3 từ Cape Canaveral, Florida. Khi vệ tinh đi vào quỹ đạo, nó sẽ được đổi tên thành GOES-18.

Vệ tinh này có nhiệm vụ theo dõi thời tiết tác động đến miền Tây nước Mỹ, Alaska, Hawaii, Mexico, Trung Mỹ và Thái Bình Dương. Vệ tinh sẽ cung cấp cái nhìn sắc nét nhất về hình ảnh bán cầu Tây của Trái đất, từ độ cao 22.236 dặm (35.785 km).

GOES-T được trang bị một bộ công cụ có thể cung cấp các phép đo khí quyển, lập bản đồ tia sét trong thời gian thực. Đồng thời, gửi lại hình ảnh với độ nét cực cao. Việc thu thập dữ liệu liên tục của vệ tinh được cho là sẽ cải thiện khả năng dự báo thời tiết trên Trái đất.

GOES-T sẽ cùng với vệ tinh GOES-16, được phóng vào năm 2016, tích cực giám sát hơn một nửa địa cầu, trải dài từ bờ biển phía Tây của châu Phi đến New Zealand.

Pam Sullivan - Giám đốc chương trình GOES-R của NOAA - cho biết: “Các quan sát từ những vệ tinh này thậm chí còn quan trọng hơn ở hiện tại, khi Mỹ đang trải qua một số lượng kỷ lục những thảm họa tiêu tốn hàng tỷ USD. So với thế hệ trước, vệ tinh GOES-T cung cấp hình ảnh nhiều hơn 60 lần.

Chúng sở hữu một camera tia chớp mới để theo dõi các cơn bão nguy hiểm, có khả năng sinh ra lốc xoáy và gió mạnh”. Khu vực Đông Bắc của Thái Bình Dương là nơi xuất hiện nhiều cơn bão ảnh hưởng đến nước Mỹ. “Do nhiều thảm họa thời tiết của Mỹ di chuyển từ Tây sang Đông,

GOES-T sẽ cải thiện mô hình dự báo cho toàn quốc”, ông James Yoe - Giám đốc hành chính của Trung tâm tổng hợp dữ liệu vệ tinh, cho biết. Không chỉ báo cáo thời tiết trên Trái đất, vệ tinh mới này cũng sẽ theo dõi các cơn bão Mặt trời và thời tiết không gian. Nhờ đó, cung cấp cảnh báo sớm trước bất kỳ sự cố gián đoạn nào có thể xảy ra đối với điện lưới của chúng ta trên Trái đất.

Theo dõi các hiện tượng nguy hiểm

GOES-T sẽ cùng GOES-16 giám sát hơn một nửa địa cầu.
GOES-T sẽ cùng GOES-16 giám sát hơn một nửa địa cầu.

Lũ lụt và lở đất ở các vùng ven biển thường bắt nguồn từ một loại hiện tượng thời tiết gọi là “sông trong khí quyển”. Theo NOAA, những “dòng sông trên bầu trời” này cung cấp các cột hơi nước từ những vùng nhiệt đới. Từ đó, giải phóng mưa hoặc tuyết khi chúng đổ bộ vào đất liền.

Bão hình thành ở Thái Bình Dương có thể quay về phía Hawaii hoặc Mexico. Vệ tinh GOES-T sẽ cung cấp khả năng giám sát tốt hơn cả hai loại hiện tượng thời tiết này. Nhiệt độ bề mặt đại dương ấm có thể góp phần hình thành bão.

Do đó, việc theo dõi sự gia tăng này của vệ tinh có thể đưa ra cảnh báo sớm về sự hình thành bão. Khả năng theo dõi của vệ tinh cũng sẽ giúp các nhà dự báo thời tiết giám sát những cơn bão nhiệt đới và cuồng phong trong thời gian thực. Đồng thời, chia sẻ dữ liệu về cấu trúc và tính năng của bão, tốc độ gió cũng như sét.

Tất cả các yếu tố này có thể được sử dụng để tính toán cường độ của một cơn bão. Theo dõi nhiệt độ nước biển tăng cũng có thể cho phép các nhà khoa học giám sát tốt hơn các sóng nhiệt biển. Đây là yếu tố gây ra hiện tượng tẩy trắng san hô hàng loạt và làm thay đổi toàn bộ hệ sinh thái biển.

Bên cạnh đó, cháy rừng được coi là một mối nguy hiểm khác đối với những người sống ở phần lớn miền Tây nước Mỹ. Vì vậy, GOES-18 được trang bị vô số cách để phát hiện và quan sát bản chất hủy diệt của những sự kiện cực đoan này. Vệ tinh này có thể tìm thấy các điểm nóng cháy rừng, phát hiện những thay đổi trong đám cháy.

Nó cũng có thể dự đoán chuyển động, cũng như ước tính cường độ, lượng khói và chất lượng không khí của đám cháy. Ngoài ra, vệ tinh sở hữu khả năng xác định các tia sét có nguy cơ cao gây ra những đám cháy này nhất.

Đồng thời, phát hiện các đám mây vũ tích hình thành trong những vụ cháy rừng. Những đám mây khổng lồ này có thể kéo dài hàng dặm. Sự kết hợp nguy hiểm giữa kích thước và sức nóng của chúng cho phép các đám mây tạo ra thời tiết riêng. Điều đó có thể đe dọa những người lính cứu hỏa bị mắc kẹt dưới chúng.

Dan Lindsey - nhà khoa học của NOAA - cho biết: “Máy chụp ảnh đường cơ sở nâng cao, hay ABI, là công cụ lý tưởng để phát hiện dấu hiệu nhiệt, hoặc các điểm nóng, từ những đám cháy. Đôi khi, nó thậm chí có thể phát hiện ra đám cháy trước người dân.

Đây thực sự là thông tin quan trọng cần được cung cấp cho các nhân viên cứu hỏa. Nhờ đó, họ có thể xử lý đám cháy trước khi chúng vượt ngoài tầm kiểm soát”. ABI của GOES-T có thể quét hành tinh của chúng ta nhanh hơn năm lần, với độ phân giải gấp bốn lần so với các vệ tinh địa tĩnh trước đây.

Thiết bị này đã khiến các nhà khoa học NOAA ngạc nhiên với một khả năng khác chưa từng được biết đến. Đó là phát hiện sóng áp suất từ các vụ phun trào núi lửa. Các vệ tinh GOES không chỉ giám sát Trái đất. Chúng có thiết bị chuyên dụng để phát hiện những vết lóa Mặt trời, cũng như theo dõi các hạt bức xạ không gian.

Khi GOES-18 đi vào hoạt động, nó sẽ thay thế vệ tinh GOES-17 hiện tại. Vệ tinh GOES-17 sẽ vẫn ở trên quỹ đạo như một công cụ dự phòng. Thử nghiệm sau khi ra mắt của GOES-17 vào năm 2018 đã cho thấy sự cố với hệ thống làm mát trên hình ảnh của vệ tinh.

Tình trạng đó dẫn đến việc mất hình ảnh theo thời gian. Vấn đề này đã được sửa chữa trong ABI của GOES-18. Nhờ đó, giúp vệ tinh này thay thế hiệu quả việc giám sát bán cầu Tây của GOES-17. NOAA dự đoán, hình ảnh và dữ liệu đầu tiên từ GOES-18 sẽ được gửi về vào mùa hè năm 2023.

Theo CNN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.