Sau trận lũ lụt lịch sử ở Đức, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã báo cáo “khi bầu khí quyển ấm lên, nó sẽ giữ nhiều độ ẩm hơn và điều này có nghĩa là trời sẽ mưa nhiều hơn khi có bão, làm tăng nguy cơ lũ lụt”.
Nước lũ quét qua các quốc gia trên thế giới, gây ra 1/3 số thảm họa thiên nhiên lớn của năm nay, trong khi đó lốc xoáy và các hệ thống bão khác chiếm thêm 50% danh sách.
Dưới đây là 10 thảm họa thiên nhiên tàn khốc nhất năm 2021:
Núi lửa phun trào làm chết hơn 40 người ở Indonesia. Núi Semeru của Indonesia phun trào ngày 4/12, tàn phá ngôi làng Curah Kobokan và làm chết 45 người. Nhiều báo cáo cho biết dân làng không được cảnh báo về hoạt động của núi lửa, do đó nỗ lực sơ tán bị hạn chế. Ngày 17/12, nhà chức trách đã nâng số người chết là 48 và cảnh báo một vụ phun trào mới có thể xảy ra. Nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, Indonesia, Philippines và Nhật Bản thường phải đối mặt với các vụ phun trào núi lửa và động đất.
Lốc xoáy làm chết 92 người tại 5 bang của Mỹ. Ngày 10 và 11 tháng 12, nhiều cơn lốc xoáy xuất hiện ở bang Kentucky và tàn phá thêm 4 bang nữa, làm chết 92 người. Nó đã trở thành trận lốc xoáy tàn khốc nhất lịch sử của bang.
Siêu bão Ida làm chết 91 người tại 9 bang của Mỹ. Siêu bão Ida đổ bộ vào cảng Fourchon Louisiana vào ngày 29/8. Cơn bão tàn phá nhiều cơ sở hạ tầng và khiến 32 người chết ở khắp Gulf Coast. Nó cũng gây lụt lội ở phía đông bắc đất nước và cướp đi sinh mạng của 56 người.
Bão Tauktae làm chết ít nhất 200 người ở Ấn Độ. Trước khi bão Tauktae đổ bộ ven biển Gujarat vào ngày 17/5, nó khiến 6 người thiệt mạng và làm chết thêm ít nhất 109 người khác khi nó đổ bộ vào đất liền. Tuy nhiên, sau đó Tauktae đã tàn phá thêm ở Biển Ả rập, khiến 86 người trêu tàu kéo và sà lan chết đuối.
Lũ quét làm chết 201 người ở Ấn Độ và Nepal. Mưa xối xả đã đổ xuống khắp Nepal và các bang Kerala và Uttarakhand của Ấn Độ trong tuần từ ngày 18/10, kéo theo lũ lụt và lở đất nghiêm trọng và cướp đi sinh mạng của 201 người – theo CNN.
Bão Seroja làm chết ít nhất 222 người. Sau khi hình thành ở biển Savu vào ngày 3/4, bão Seroja đổ bộ vào miền đông Indonesia vào sau đó tới Đông Timor, làm chết 222 người tại 2 quốc gia này. Trước khi tan, bão di chuyển đến Tây Úc, phá hủy 70% các tòa nhà ở các thị trấn Kalbarri và Northampton.
Lụt lội làm chết hơn 230 người ở Đức, Bỉ. Ngày 14/7, miền tây nước Đức đối mặt với mưa lớn, gây ra lũ lụt lịch sử và làm 196 người bị chết – theo hãng tin NBC. Tuy nhiên, trận lụt này không giới hạn ở Đức, 38 người ở nước láng giềng Bỉ cũng thiệt mạng vì trận lũ này.
Lũ lụt, lở đất ở Trung Quốc làm chết ít nhất 302 người. Mưa lớn kéo dài tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc gây ra lũ lụt và lở đất, làm chết ít nhất 302 người ngày 20/7 – theo hãng tin BBC. Ngoài ra, hàng ngàn ngôi nhà bị phá hủy ở Trịnh Châu.
Siêu bão Rai làm chết 375 người ở Philippines. Cơn bão này đổ bộ vào Philippines ngày 16/12 khiến hàng trăm nghìn người phải sơ tán, khiến 375 người thiệt mạng và hơn 500 người bị thương. Với sức gió khoảng 195km/h, cơn bão đã gây tổn thất không nhỏ về cơ sở hạ tầng. Trung bình mỗi năm Philippines đón khoảng 20 cơn bão.
Động đất ở Haiti làm 2.248 người chết. Ngày 14/8, một trận động đất mạnh 7,2 độ richter đã rung chuyển Haiti, làm 2.248 người chết. Trận động đất còn khiến hàng ngàn người khác cũng bị thương và nhiều ngôi nhà bị hư hại. Sự tang thương bị tăng lên khi không lâu trước đó Tổng thống Haiti Moise bị ám sát.