Anh và chị lấy nhau được hơn 5 năm, con trai cũng đã 4 tuổi. Khi lấy anh, chị là người phụ nữ đẹp có tiếng ở làng. Dù nhà nghèo, không được học hành tử tế nhưng chị rất tháo vát, nhà mặt đường ở thị trấn nhỏ, chị sớm đã mở quán ốc, đêm nào khách cũng nườm nượp. Còn anh khi đó là anh thợ hồ, đen đúa, nhếch nhác. Nhà anh cũng nghèo, mẹ già lại hay bệnh tật.
Chị thương anh bởi sự thật thà, chăm chỉ. Thương chị, anh không dùng những lời hoa mĩ mà chỉ lặng thầm đêm nào cũng miệt mài phụ quán cho chị. Khi chị bệnh, một tay anh thay chị quán xuyến việc bán buôn rồi thuốc thang. Cứ nhẹ tênh như người một nhà. Chị có đuổi, có chê, anh cũng lăn xả vào. Nên khi anh ngỏ lời, chị đã gật đầu.
Nhớ lần đó, anh nói, hay em về ở cùng tôi. Chị chỉ bẽn lẽn, thẹn thùng quay mặt đi không nói. Rồi chẳng bao lâu sau, chị lên xe hoa về nhà anh. Đám cưới giản dị đúng chất quê, nhưng chị vẫn là cô dâu xinh đẹp nhất. Ngày chị cưới, bao người chép miệng, bao chàng ngẩn ngơ, tiếc cho một kiếp hồng nhan là chị.
Từ ngày lấy nhau, công việc làm ăn của chị lên như diều gặp gió. Chị mở thêm quán, thuê thêm người làm. Anh cũng nghỉ luôn việc phụ hồ, ở nhà loanh quanh phụ quán cho chị. Bao việc nặng, từ thu chi đến mua nguyên liệu, từ quản lý nhân công đến nấu nướng, mình chị lo hết. Mẹ anh bệnh nằm một chỗ, cũng là chị mướn người về chăm bà. Anh chỉ là chân lăng xăng, phần lớn là thay chị coi quán, đón con. Và có lẽ cũng chính việc chị chiều anh quá, đâm anh sinh hư.
Trước giờ, chị vẫn nghĩ anh chậm chạp, cù lần, ít học, không thích hợp làm ông chủ. Vậy nên, trong mọi chuyện, chị có phần xem thường chồng. Việc gì chị cũng tự quyết làm. Quyết xong, làm xong mới báo anh. Nhưng báo anh chỉ vậy thôi chứ tiếng nói anh, với chị không có trọng lượng.
Chẳng hạn như việc mở thêm quán mới. Anh thấy bạn bè anh kháo nhau rằng giờ giàu sụ nhé, làm ông chủ của hai ba chi nhánh liền. Hỏi ra mới biết vợ mình mới mở thêm một quán nữa. Vậy mà im re với anh.
Bữa ấy anh giận chị. Anh giận thật. Anh không nói với chị tiếng nào nhưng làm mặt lạnh. Anh đi nguyên chiều không về. Tối đến, chị gọi anh về coi quán, anh không thèm nghe máy.
Việc lớn như thế chị không thèm nói anh, chứ còn những việc nhỏ như con học trường nào, mua sắm thứ gì, giỗ chạp, Tết nhất, nội ngoại ra sao thì cũng mình chị quyết. Lâu dần rồi anh cũng quen, coi như đó là việc của vợ, việc của anh là ăn và đưa đón con, làm chồng chị.
Chị thì luôn nghĩ sướng nhất anh. Bạn bè anh cũng nghĩ anh sướng khi được nhờ vợ. Còn bản thân anh lại thường tủi thân với suy nghĩ độc tài của vợ.
Chiều nay chị không mở quán. Chị báo mệt cho nhân viên nghỉ một hôm. Chị đóng cửa, đi chợ chiều về nấu những món ăn anh thích. Chị đi đón con và hẹn anh về nhà ăn cơm.
Chị mua hoa về cắm lọ, sửa soạn lại căn bếp bừa bộn, dọn dẹp lại góc ban công cáu bụi và mang những tấm rèm ngả màu đi giặt. Chị bật bài hát mà chị thích và nghĩ đã bao lâu mình không nghe. Và cuộc hôn nhân này, đã bao lâu rồi mình không hâm nóng. Những câu hỏi đã bao lâu quẩn quanh trong suy nghĩ của chị. Có lẽ chị đã bỏ quên anh lâu lắm rồi, những điều anh nghĩ chị đã không còn quan tâm và thấu hiểu.
Anh chắc vẫn còn thương chị, chắc vẫn còn yêu chị. Cuộc tình vụng trộm ngày nào đó chắc cũng chỉ là thoáng qua của sự ân cần, chia sẻ. Chỉ là chị đã bỏ quên anh ngay trong chính tổ ấm này.
Chị nhớ ai đó đã từng ví, hôn nhân tựa như chén trà nóng. Nước càng nóng thì trà càng đậm. Nước nguội thì trà nhạt thếch, vị tuềnh toàng. Nước ở đây là người phụ nữ, người phụ nữ càng ân cần bao nhiêu thì người đàn ông càng đậm đà bấy nhiêu. Câu nói ấy, có lẽ bây giờ chị mới hiểu hết.
Buổi chiều nay, chị ngồi trước chén trà đợi anh về cơm chiều. Đã đến lúc chị cần phải thu xếp lại cuộc hôn nhân này. Và trước tiên, chị sẽ trả cho anh thiên chức của một người chồng.
“Về thu xếp lại, vội vàng thêm những lúc yêu người…”. Giọng Tuấn Ngọc da diết vang lên. Chị nhắm mắt, bất giác hát theo và thấy lòng phần nào nhẹ nhõm…