Với nhiều miệng hố sâu và dãy núi, đường viền của Trái đất dưới những con sóng vừa rộng lớn vừa bí ẩn. Nhưng một nỗ lực lập bản đồ quy mô lớn đang được thực hiện để thay đổi điều này. Dự án Seabed 2030 được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn đang thúc giục các quốc gia và công ty tập hợp dữ liệu để tạo dựng xong bản đồ của toàn bộ đáy đại dương Trái đất trong năm 2030. Bản đồ sẽ được miễn phí cho tất cả mọi người.
“Chúng tôi rõ ràng cần rất nhiều sự hợp tác từ các bên khác nhau - cá nhân cũng như các công ty tư nhân. Đây là tham vọng lớn, nhưng chúng tôi không tin rằng nó bất khả thi” - Mao Hasebe, điều phối viên của dự án từ Nippon Foundation, một tổ chức từ thiện Nhật Bản ủng hộ cho sáng kiến này cho biết.
Dự án khởi công trong năm 2017, được dự kiến sẽ tiêu tốn khoảng 3 tỷ đô la. Đây là sự hợp tác giữa Nippon Foundation và GEBCO - Hiệp hội phi lợi nhuận của các chuyên gia từng tham gia lập biểu đồ dưới đáy đại dương. Kết quả cuối cùng sẽ là một kho kiến thức rộng hơn về đa dạng sinh học của đại dương, nâng tầm hiểu biết về khí hậu, cảnh báo về thảm họa sắp xảy ra và khả năng bảo vệ hay khai thác nguồn tài nguyên đáy biển tốt hơn, theo Hasabe.
Cho đến nay, những bên đóng góp dữ liệu lớn nhất cho Seabed 2030 là các công ty như Công ty Thăm dò năng lượng Fugro của Hà Lan và Công ty Bản đồ biển Ocean
Infinity. Cả hai đều từng tham gia tìm kiếm chiếc máy bay MH370 của Malaysia mất tích vào năm 2014. Nhưng việc lập bản đồ đại dương được bắt đầu từ sớm hơn, theo Mayer: “Hoàng tử Albert của Công quốc Monaco là người đầu tiên thực hiện công việc này một cách toàn diện năm 1903. Phương pháp thô sơ được sử dụng là buộc một khối chì vào đầu sợi dây và ném nó xuống biển từ trên thuyền để dò độ sâu”.
Ngày nay, máy đo hồi âm đa tia công nghệ cao truyền tải một dải tia âm thanh theo hình nón từ thân tàu rồi thu nhận tín hiệu phản xạ tùy thuộc theo độ sâu và địa hình của đáy đại dương. Việc này tạo ra các điểm dữ liệu có thể được chuyển đổi thành bản đồ.
“Với công nghệ sonar tiên tiến, chúng ta như thực sự nhìn được đáy biển. Tôi nghĩ rằng chúng ta đã thoát khỏi kỉ nguyên mù lòa với đáy đại dương của Trái đất” - Robert Larter, nhà địa vật lý biển tại Trung tâm Khảo sát Nam cực của Anh chia sẻ.
Sự ra đời của công nghệ mới như drone dưới nước và robot cũng góp phần đẩy nhanh quá trình lập bản đồ. Khám phá đường biên cuối cùng của Trái đất không chỉ thỏa mãn trí tò mò của các nhà khoa học, mà còn mang lại lợi ích kinh tế. Bởi hơn 90% thương mại toàn cầu được thực hiện qua đường biển. Điều này khiến cho việc điều hướng an toàn qua đại dương trở thành động lực chính để lập bản đồ.
Các chuyên gia cũng cho biết bản đồ của Seabed 2030 sẽ còn những lợi ích khác. Trong một thế giới đang nóng dần lên, nó sẽ cung cấp thông tin rõ ràng hơn về mực nước biển khi băng tan và giúp đưa ra cảnh báo về những đợt sóng thần sắp xảy ra có thể tàn phá cộng đồng ven biển.