(GD&TĐ) - Vừa trở về từ Liên hoan xiếc quốc tế mùa hè CIRCUBA 2011, lần thứ X (từ ngày 8 đến 14 – 8) tại thủ đô La Habana – Cu Ba, hai anh em Giang Quốc Cơ – Giang Quốc Nghiệp vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc khi “rinh” về cho đoàn Việt Nam giải thưởng cao quý nhất, giải Grand Prix, đồng thời cũng ẵm luôn Giải khán giả yêu thích và hai giải phụ khác. Để đạt được thành quả này, hai diễn viên xiếc trẻ đã phải trải qua nhiều khổ luyện.
Từ gánh sơn đông mãi võ đến sàn diễn quốc tế
Mặc dù vừa “ôm” giải thưởng lớn trở về, nhưng hai anh chàng diễn viên xiếc trẻ không có thời gian xả hơi mà vẫn bận rộn với lịch tập 8 tiếng một ngày. “Đã theo nghề xiếc thì phải chịu khó khổ luyện, khó nhất là tạo được sự cân bằng, dẻo dai và chính xác đến từng động tác nhỏ nhất. Đặc biệt nhất trong tiết mục ‘sức mạnh đôi tay’ là động tác chồng đầu. Trong tư thế này, hai anh em sẽ đi giật lùi lên một chiếc cầu thang. Tiết mục này đòi hỏi phải tập thường xuyên vì bỏ tập ba ngày là coi như bỏ luôn, vì khi ấy cơ thể mất khả năng chịu đựng, người sẽ cứng”- Giang Quốc Cơ mở đầu câu chuyện khi nói về tiết mục mà hai anh em vừa giành được giải thưởng lớn tại liên hoan xiếc quốc tế vừa qua.
Cơ và Nghiệp trong màn biểu diễn “Sức mạnh đôi tay” |
Ngay từ nhỏ, hai anh em Giang Quốc Cơ và Giang Quốc Nghiệp đã đến sinh hoạt và luyện tập bộ môn thể dục nhào lộn tại Câu lạc bộ thể dục thể thao Nguyễn Du (Q.1 – TP.HCM) rồi dần chuyển sang học và diễn xiếc. Người cha vừa là võ sư, vừa là thầy thuốc, hằng ngày rong ruổi với gánh Sơn Đông mãi võ, dạy cho hai anh em những thế võ cơ bản để luyện tập. Niềm đam mê nghệ thuật xiếc từ nhỏ, cộng với sự động viên khích lệ từ người cha nên Cơ và Nghiệp dần dần bị mê hoặc. Mỗi ngày đi học chữ về, hai anh em đạp xe từ quận 6 sang rạp Lệ Thanh để tập với đoàn trong nhiều năm liền. Sau đó, chuyển qua Đoàn Xiếc TP.HCM. “Dù lúc đó, biết nghề xiếc không còn thời hoàng kim, trong khi phải thường xuyên khổ luyện từng động tác nhỏ, có khi nguy hiểm đến tính mạng, nhưng con nó thích và đam mê thì mình chỉ biết động viên và khích lệ tinh thần thôi”- lương y Giang Kiếm Thanh, ba của Cơ và Nghiệp chia sẻ. Năm 1999, Giang Quốc Cơ chính thức đi biểu diễn xiếc với các tiết mục leo cột, sức mạnh núi rừng, tung hứng tập thể, đứng tay đơn, rồi Nghiệp cũng vào nghề, đến bây giờ hai anh em thường đi diễn ở các chương trình ca nhạc, hội nghị khách hàng, đi show ở nước ngoài như Nhật, Trung Quốc, Pháp… Và đến nay, dù còn trẻ cả tuổi đời, lẫn tuổi nghề nhưng hai anh em Giang Quốc Cơ (SN 1984) và Giang Quốc Nghiệp (1989) đã gặt hái được nhiều thành công trong bộ môn nghệ thuật xiếc, đặc biệt với tiết mục “Sức mạnh đôi tay” được Cơ và Nghiệp diễn hơn bảy năm nay. Đây là một trong số những tiết mục tốt nhất hiện nay của đoàn xiếc thành phố. Trong tiết mục, Cơ và Nghiệp biểu diễn những màn rất độc đáo, đòi hỏi sự dẻo dai, khoẻ mạnh, chính xác đến từng động tác. Đặc biệt là màn biểu diễn Cơ đứng làm trụ, Nghiệp lấy đà tung người lên cao và chồng đầu của mình lên đầu Cơ. Đây là màn biểu diễn khó nhất, đòi hỏi hai anh em phải khổ luyện mới có thể “ăn ý” trong từng động tác thể hiện… “Những năm trước, Nghiệp còn nhỏ, ốm, nên dễ diễn, bây giờ Nghiệp lớn, nặng hơn, Cơ làm trụ khó khăn hơn nhiều. Cơ nghĩ, tiết mục này diễn được tối đa năm năm nữa thôi…” – Quốc Cơ chia sẻ.
Ông Lê Thanh Hải – Uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM trao kỷ niệm chương cho Giang Quốc Cơ |
Khổ luyện cho tương lai
Có thể nói, dù không được đào tạo bài bản, không theo một trường lớp dạy xiếc, thế nhưng sau một thời gian gắn bó với nghệ thuật xiếc, hai chàng diễn viên trẻ họ Giang đã tạo được dấu ấn trong lòng khán giả. Thậm chí, hai anh em Cơ còn được nhiều thành viên trong đoàn đánh giá là hai gương mặt sáng giá, có nhiều tố chất để trở thành diễn viên xiếc tài năng nhất trong số những diễn viên xiếc trẻ của thành phố. Thế nhưng theo Quốc Cơ thì “tất cả chỉ mới là bắt đầu, những chiếc huy chương vàng, những tràng pháo tay sẽ là động lực rất lớn giúp anh em chúng tôi phải nỗ lực luyện tập nhiều hơn nữa để đạt được những động tác kỹ thuật chuẩn xác, và có thêm nhiều tiết mục mang tính sáng tạo hơn nữa..”. Và để có được một tiết mục “Sức mạnh đôi tay” hoàn hảo, hấp dẫn như hiện nay, ít ai biết được ròng rã mấy năm trời, hằng ngày hai anh em phải khổ luyện rất nhiều. Có những lúc thực hiện những động tác khó, không tránh khỏi những cú té nhào làm trật tay - chân hoặc bầm dập cả mình. “Làm xiếc thì té hoài à, trật tay trật chân là chuyện bình thường. Động tác khó thì đòi hỏi phải tập trung cao độ, sơ suất làm sao tránh khỏi nhưng quan trọng nhất là phải kiểm soát được cú té để không bị tai nạn” – Cơ chia sẻ. Trong những năm đi diễn, có hai lần bị “nạn” ám ảnh hai anh em đến tận bây giờ, nhiều khi nghĩ lại vẫn còn sợ. Đó là lần diễn ở Đài Loan, khi đi lùi lên cầu thang, sân khấu lạ, bậc thang cao, Cơ làm trụ, bị trật chân, té. Thế là Nghiệp bị té cắm đầu xuống đất, bất tỉnh tại chỗ, chấn thương đầu và cổ. Cổ Nghiệp không nhúc nhích khoảng nửa tháng, nhưng hai anh em lỡ ký hợp đồng diễn sáu tháng nên phải lo chạy chữa cấp thời để diễn tiếp chứ lấy đâu ra tiền đền hợp đồng. Ba tuần sau đi diễn lại, hai, ba suất một ngày, hai anh em cứ ráng, ráng, Nghiệp vừa diễn vừa đau… Lần thứ hai là té ở rạp xiếc Sài Gòn. Do cầu thang lắp không chắc nên Nghiệp lại cắm đầu xuống đất, tưởng liệt cả người, bỏ nghề luôn. Đó là hai cú té ám ảnh cuộc đời, khiến nhiều lúc không dám bước cầu thang diễn nữa… Nhưng với sức hút của xiếc, cùng những tràng pháo tay của khán giả mỗi khi bước lên sân khấu, đã tạo động lực cho hai anh em không ngừng luyện tập. Cũng có lúc chán nản Cơ và Nghiệp muốn bỏ nghề để đi làm thuốc đông y cho rồi, nhưng cứ bỏ một, hai ngày không tập thì lại nhớ quá, chịu không nổi, vậy là cả hai lại rủ nhau tập luyện.
Một tư thế biểu diễn khó của hai anh em |
Những khi gặp phải sự cố, Quốc Cơ và Quốc Nghiệp luôn được ba chăm sóc, chữa trị nên mau chóng bình phục. Quốc Nghiệp khoe: “Ba không chỉ là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho hai anh em biểu diễn những pha nguy hiểm, mang đến sức hấp dẫn cho khán giả mà còn là thầy thuốc luôn sát cánh với chúng tôi nên chúng tôi rất yên tâm”.
Hiện nay, điều mà hai diễn viên xiếc trẻ này còn trăn trở là sự phát triển của nghệ thuật xiếc ở TP.HCM hiện chưa thật sự lớn mạnh, chưa thu hút nhiều khán giả.
Thái Khu
Một số giải thưởng đạt được: Huy chương vàng liên hoan xiếc quốc tế năm 2010, 2011; Huy chương vàng duy nhất cuộc thi xiếc tài năng trẻ 3 nước Đông Dương; giải Sáng tạo của đoàn xiếc Mexico trao tặng; giải Phong cách biểu diễn cua trường xiếc Tây Ban Nha |