Vẻ đẹp tình người từ giông bão chiến tranh

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỉ, nhưng số phận con người đi qua tháng năm khốc liệt ấy vẫn là một mảng hiện thực được nhiều nhà văn quan tâm.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Để lại tiếng vang trên văn đàn thời kì này, có thể kể đến Nguyễn Minh Châu, Sương Nguyệt Minh, Bảo Ninh, Chu Lai… và không thể không nhắc đến Dạ Ngân.

Với lối viết trầm tĩnh, chậm rãi về những vấn đề tâm trạng con người, đặc biệt là người phụ nữ trong cuộc sống thường nhật, Dạ Ngân đã gắn tên tuổi mình với nhiều tác phẩm đặc sắc: “Quãng đời ấm áp” (Tập truyện 1986); “Ngày của một đời” (Tiểu thuyết); “Con chó và vụ ly hôn” (Tiểu thuyết 1990)…

Truyện ngắn “Trên mái nhà người phụ nữ” là một trong những áng văn tiêu biểu được Dạ Ngân viết năm 1986, nằm trong tuyển tập “Truyện ngắn xuất sắc về chiến tranh” của NXB Hội Nhà văn 2002 và được chọn in trong sách “Văn bản đọc hiểu Ngữ văn 10” (bộ Cánh diều, NXB Đại học Quốc gia).

Giông bão chiến tranh

Truyện ngắn xoay quanh cuộc đời của Hai Mật - số phận người phụ nữ chịu nhiều mất mát do chiến tranh. Mặc cho trên mái nhà người phụ nữ ấy, những niềm hạnh phúc bình dị cứ lần lượt bị cuốn phăng, nhưng vẻ đẹp của tình yêu, tình người; của bản lĩnh kiên cường, bất khuất trong con người Việt Nam thì vẫn sáng lên trên mỗi trang văn, để lại nhiều cảm xúc trong lòng người đọc.

Chiến tranh là một hiện thực bất thường, khi đi vào văn học, nó không chỉ hiện lên bằng hào quang chiến thắng, mà còn cả những thảm kịch. Ám ảnh nhất có lẽ vẫn là cái chết.

Trong truyện ngắn “Trên mái nhà người phụ nữ”, nhà văn Dạ Ngân đã phản ánh hiện thực khốc liệt này một cách chân thực thông qua những mất mát, đau thương trong cuộc đời nhân vật Hai Mật.

Hai Mật từng yêu thầm một anh bộ đội. Cứ khoảng một tuần, đơn vị Cường lại đáo về đóng quân trong xóm Vịnh. Giây phút gặp gỡ, anh trao cho Mật cái nhìn ngập ngừng. Rồi vào một buổi chiều yên tĩnh, “chiến tranh chỉ lảng vảng ở đâu đó bên ngoài cảm giác của trái tim đang yêu”, chị đã gặp Cường tại bờ bến, và nhận ánh mắt tỏ tình ngượng ngập của anh.

Chị đáp lại bằng nụ cười “của một đóa quỳnh trong khoảnh khắc bừng nở”. Một tuần sau, đơn vị của Cường lại đáo về, nhưng người xuất hiện trước cửa nhà chị với cây súng, ba lô, cả cây chèo thon thon bằng cây đước mun bóng, không phải là Cường. Chiến tranh đã cướp mất tình yêu đầu đời của người con gái ấy.

Thời gian dần trôi, đã có một đơn vị khác chuyển tới xóm Vịnh. Lần này, trái tim đằm thắm của Hai Mật đã gặp được Tráng - một người thâm trầm. Họ đã có những buổi chiều xao xuyến một đời “những buổi chiều được nhìn thấy nhau, đó là những buổi chiều hạnh phúc”.

Rồi một hôm, vào lúc hừng đông, sông Nước Đục mù mịt sương, tưởng có thể múc được bằng nón, đoàn quân đơn vị Tráng trở về, người nào cũng bốc mùi thuốc đạn. Trên chiếc xuồng Tráng vẫn thường đi bỗng trống trơn, chỗ anh vẫn ngồi vần vụ màu sương tang tóc.

Khoảng trống ấy cũng chính là cái khoảng vắng chênh vênh không sao bù đắp nổi trong cuộc đời Hai Mật. Lần thứ hai trong đời, Hai Mật đối mặt với nỗi mất mát, đau thương.

Súng đạn chiến tranh vẫn gầm rú trong những buổi chiều “đỏ bầm như tứa máu”, giặc Mĩ đánh phá ác liệt xóm làng hai bên sông Nước Đục. Chọn cách góp sức mình cho kháng chiến, mẹ con Hai Mật nhận mấy đứa nhỏ về chăm sóc: Hai đứa lên năm - sinh đôi, con của chị cán bộ địch hậu; một đứa gái lên bảy - con của chị cán bộ phụ nữ tỉnh, và bé Thảo.

Nhưng rồi, má của bé Thảo bị lọt ổ biệt kích và hi sinh, má của Hai Mật bị bắt giam và chết trong khám. Lần này, chiến tranh cướp đi chỗ dựa tinh thần lớn nhất trong cuộc đời của Hai Mật, để chị lại cùng bốn đứa nhỏ và nỗi đau đớn không thể nào khỏa lấp.

Hai Mật đưa bốn đứa trẻ trở về mảnh vườn không còn một cây đứng, “dựng cái chòi trên nền cũ lởm chởm gốc sậy và đóng ngay cái bàn thờ phập phình bằng cây tạp”. Sau Hiệp định Paris, mấy đứa nhỏ lần lượt được ba má đón đi. Bé Thảo cũng được ba nó về tìm lại.

Người đàn ông ấy hay tin vợ chết lúc còn học ở trường chính trị trong rừng miền Đông, mãi sau anh mới biết địa chỉ tạm trú của con gái. Đêm đó, bé Thảo bắt cha vào ngủ chung với hai mẹ con.

Sau khi con bé ngủ, Hai Mật rón rén đưa tay lau nước mắt trên mặt nó, chị đụng phải tay anh - bàn tay trắng xanh với sợi dây đồng hồ màu đen giản dị mà sau này mỗi khi nhắm mắt lại chị vẫn như nhìn thấy nó hiện ra bồn chồn trên cái mí mùng động đậy. Người đàn ông bật dậy, chui ra khỏi mùng như một kẻ bỏ chạy.

Sáng ra, anh băn khoăn, nhìn chị thật sâu và buông một câu ý tứ: “- Tui tính đưa con Thảo về cho bà nội nó ở ngoại ô Cần Thơ. Nhưng giờ tui để nó lại làm gánh nặng cho cô”. Rồi anh “lùi lũi bước”, “đôi vai xuôi xuôi như bị sức níu vô hình từ mặt đất”. Hai má con chị bấu vào tay nhau nhìn theo mút mắt… Những tháng ngày tiếp theo chị đã chờ, nhưng anh không bao giờ trở lại nữa…

Bằng lời văn giản dị nhưng sâu lắng, trong truyện ngắn “Trên mái nhà người phụ nữ”, nhà văn Dạ Ngân đã làm hiện lên trước mắt người đọc hiện thực cuộc chiến tranh với nỗi mất mát, đau thương chồng chất không gì có thể bù đắp nổi trong cuộc đời của một người phụ nữ.

Chiến tranh như “dông bão”, nó “cuốn phăng bóng cây trên mái nhà của chị”, nó “cuốn mất cái bóng cây trên mái nhà của chị” - điệp khúc đó như những đợt cuồng phong khuấy tung cõi lòng người đàn bà bất hạnh. Nỗi đau của Hai Mật đã gợi dậy những mất mát của biết bao số phận con người Việt Nam trong những cuộc chiến tranh tàn khốc.

Vẻ đẹp của tình người

'Trên mái nhà người phụ nữ' của nhà văn Dạ Ngân được chọn in trong sách 'Văn bản đọc hiểu Ngữ văn 10' (bộ Cánh diều, NXB Đại học Quốc gia). Ảnh: Thanh Nga.

'Trên mái nhà người phụ nữ' của nhà văn Dạ Ngân được chọn in trong sách 'Văn bản đọc hiểu Ngữ văn 10' (bộ Cánh diều, NXB Đại học Quốc gia). Ảnh: Thanh Nga.

Sức sống của những tác phẩm viết về đề tài chiến tranh không chỉ dừng lại ở hiện thực được phản ánh, mà quan trọng hơn chính là vẻ đẹp của tình người khi đối đầu với hiện thực bất thường ấy. Chiến tranh rồi cũng qua đi, bé Thảo lớn lên trong tình yêu thương và sự bù đắp của Hai Mật.

Con bé ngày càng có vẻ giống chị như con đẻ. Người ngoài xóm chưa bao giờ biết Thảo là con nuôi của chị. Một hôm bé Thảo chạy về nhà, chỉ kịp hỏi một câu cần hỏi rồi áp mặt vào lòng, lắc đầu nguầy nguậy vì không tin Hai Mật là mẹ nuôi.

Nhưng kể cả khi sự thật có được nói ra thì tình cảm giữa hai mẹ con cũng không có gì thay đổi. Lúc này, Hai Mật đã coi bé Thảo là “chỗ dựa tinh thần” trong quãng đời còn lại của mình. “Họ đang cần nhau như một sự tổn thương cần được bù trợ sau mất mát”.

Bé Thảo ngày nào giờ đây đã “trưởng thành trọn vẹn” trong bộ bà ba đen tươm tất, mái tóc cắt hình chiếc lá túm hờ sau lưng với cây kẹp bằng nhựa in một bông hồng trinh bạch.

Con bé đã yêu tiếng ghi ta trữ tình và nhiều nội tâm của người thầy giáo từng để lại trên chiến trường biên giới một bàn chân. Trong ngôi nhà của người phụ nữ, tình yêu đã cất lời.

Câu chuyện được khép lại khi “tiếng ghi ta bập bùng” trong không gian nhòe tối được cất lên. Đó là âm thanh của tình yêu tuổi trẻ. Đó có lẽ còn là tiếng lòng trĩu nặng yêu thương và tràn ngập hạnh phúc của người mẹ trước sự trưởng thành của con gái. Tiếng ghi ta cất lên âm điệu của niềm tin, niềm lạc quan, rằng chiến tranh, nỗi đau rồi sẽ qua đi, trên mái nhà người phụ nữ, bóng cây sẽ ôm trùm, tỏa mát.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.