Nơi xoa dịu những vết thương chiến tranh

GD&TĐ - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng cơ thể của nhiều thương, bệnh binh nặng ở Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công Thanh Hóa vẫn còn mảnh đạn.

Cụ Mai Trọng Bái – thương binh nặng, mất 100% sức khỏe, đang kể lại những trận đánh ở chiến trường xưa.
Cụ Mai Trọng Bái – thương binh nặng, mất 100% sức khỏe, đang kể lại những trận đánh ở chiến trường xưa.

Và, cán bộ, nhân viên ở đây hằng ngày đang cùng nhau xoa dịu vết thương cho những người đã cống hiến tuổi thanh xuân, máu xương cho Tổ quốc.

Người thương binh đặc biệt

Vào đầu tháng 12 vừa qua, chúng tôi có chuyến thăm Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công (Trung tâm) Thanh Hóa nhân dịp kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2022).

Ông Nguyễn Văn Thư – Giám đốc Trung tâm dẫn chúng tôi tới phòng của cụ Mai Trọng Bái (sinh năm 1937), là thương binh nặng, suy giảm khả năng lao động 100%. Ở Trung tâm này, cụ Bái đang hưởng chế độ thương binh nặng nhất.

Dù tuổi cao, thương tích nặng (mắt trái đã bị khoét, bị mất chân phải, đầu và hai cánh tay đang còn nhiều mảnh đạn găm…) nhưng cụ Bái vẫn rất minh mẫn. Ngồi trò chuyện với chúng tôi, cụ Bái nhớ như in những trận đánh ở Khe Sanh, Đường 9 Nam Lào, thành cổ Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế...

Cụ Bái đã gắn bó, điều trị tại Trung tâm gần 40 năm. Suốt thời gian dài ấy, cụ nhớ từng cán bộ, y sĩ tại Trung tâm. Với người thương binh đặc biệt này, Trung tâm là ngôi nhà thứ 2 của mình. Ở đây, cụ nhận được sự chăm sóc tận tình, được sống, gắn bó với những người đồng chí, đồng đội từng một thời vào sống, ra chết để bảo vệ non sông, đất nước.

“Quê tôi ở xã Hoằng Trạch, huyện Hoằng Hóa. Năm 1969, khi tham gia trận đánh ở Khe Sanh (Quảng Trị), tôi bị thương, nên phải rút ra bệnh viện Quân khu IV điều trị. Lần bị thương ấy, không nặng lắm, chỉ mất 21% sức khỏe thôi. Điều trị một thời gian, khi vết thương lành, tôi lại xung phong trở vào chiến trường Quảng Trị để đánh giặc. Đến năm 1972, khi tham gia đánh trận ở Đường 9 Nam Lào, tôi lại bị thương. Nhưng lần này bị thương nặng lắm, cứ ngỡ là mình không thể sống nổi”, cụ Bái bồi hồi nhớ lại.

Khi đó, chân phải của cụ gần như nát do mìn “cóc” phát nổ. Được đồng đội cứu và đưa về đến trạm quân y, cụ đã không biết gì nữa. Khi tỉnh dậy, thấy chân phải của mình đã bị cắt đến gối. Không chỉ bị thương ở chân, mắt trái của cụ đã không nhìn thấy nữa. “Những ngày sau đó, vết thương ở chân bị nhiễm trùng, nên các y, bác sĩ phải cưa liên tiếp 5 lần, lên đến hơn nửa đùi”, cụ Bái kể.

Năm 1973, thương binh nặng Mai Trọng Bái trở ra Bắc và tiếp tục điều trị ở Trung đoàn 582 (Nho Quan, Ninh Bình). Năm 1982, với ý nguyện được về điều trị ở địa phương cho gần gia đình, cụ Bái được chuyển về Trung tâm này và sinh sống ở đây từ đó tới nay.

“Bây giờ, được sống ở Trung tâm này là sung sướng lắm rồi! Sướng gấp cả trăm lần so với thời đi chiến trường ấy chứ! Vì ở đây, hàng ngày đều có các y, bác sĩ đến thăm khám, cấp thuốc men, lo cho ăn uống đầy đủ lắm! Những người như tôi, dù sao vẫn còn may mắn hơn vô vàn anh em, đồng đội đã không thể trở về”, cụ Bái nói giọng nghèn nghẹn.

Giám đốc Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công, ông Nguyễn Văn Thư chia sẻ: “Cụ Bái hiện nay là người lớn tuổi nhất Trung tâm và cũng là thương binh nặng nhất. Cụ có 3 người con, một người đang sống trong Nam, còn hai người ở quê. Cụ Bái vào sống ở Trung tâm vì không muốn làm phiền đến con, cháu. Hằng tháng, các con, cháu và người thân vẫn lên thăm thường xuyên nên cụ sống vui lắm!”.

Thương bệnh binh được nhân viên Trung tâm đưa đi kiểm tra sức khỏe hằng ngày.

Thương bệnh binh được nhân viên Trung tâm đưa đi kiểm tra sức khỏe hằng ngày.

Ngôi nhà ấm áp tình người

Vợ chồng thương binh Thái Quang Dũng và Trịnh Thị Hoa thì coi Trung tâm Chăm sóc nuôi dưỡng người có công như ngôi nhà ấm áp, giàu nghĩa tình. Mỗi khi đến đây, ông bà như thấy mình khỏe hơn, thoải mái hơn và chính ngôi nhà chung này là nơi đã se duyên, gắn kết ông bà với nhau.

Dù bận rộn tới đâu, ông bà cũng luôn dành thời gian để qua lại ngôi nhà nghĩa tình ấy. Hàng năm, cứ dịp lễ Tết, ông bà đều có mặt ở Trung tâm để chung vui cùng cán bộ, y bác sĩ và các thương, bệnh binh nơi này.

Bằng trách nhiệm, tấm lòng tri ân sâu nặng, các cán bộ ở Trung tâm đã góp phần xoa dịu vết thương chiến tranh, tiếp thêm nghị lực cho thương, bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam... vươn lên sống vui, sống khỏe.

Ông Trịnh Văn Cường - Trưởng phòng Tổ chức, Hành chính của Trung tâm cho biết, tình trạng sức khỏe của các thương, bệnh binh ở đây có nhiều mức độ khác nhau. Trong đó, nhiều thương, bệnh binh bị tâm thần.

Theo ông Cường, Trung tâm đang quản lý, phụng dưỡng, điều trị, chăm sóc cho 241 thương binh, bệnh binh và thân nhân người có công. Công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị luôn được nhân viên y tế duy trì thường xuyên, bảo đảm phục vụ 24/24 giờ. Việc vệ sinh cá nhân hàng ngày của người có công luôn được sạch sẽ, phòng ở gọn gàng ngăn nắp. Đồng thời duy trì tốt các hoạt động phục hồi chức năng cho bệnh nhân bằng nhiều hình thức khác nhau như tăng gia sản xuất, vệ sinh khuôn viên đơn vị…

Cũng theo ông Cường, hầu hết thương, bệnh binh ở đây đều có thương tật và di chứng nặng nề cho chiến tranh để lại. Ngoài những bệnh lý nền, do tuổi cao sức yếu, tất cả thương, bệnh binh đang điều trị tại đây đều có những bệnh lý khác như tiểu đường, huyết áp, tim mạch… Công tác chăm sóc, chế độ ăn và phác đồ điều trị gặp nhiều khó khăn vì “mỗi người một vẻ”. Tuy nhiên, bằng tình cảm và trách nhiệm, nhân viên của Trung tâm luôn cố gắng hết sức để các thương bệnh binh luôn cảm thấy thoải mái, vui vẻ.

Theo ông Cường, những năm qua, nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành nên những thương, bệnh binh nặng ở Trung tâm được chăm sóc theo chế độ đặc biệt. Trung tâm có hai dãy nhà cấp 4, được chia làm nhiều phòng nhỏ, là nơi sinh sống của hơn 40 thương, bệnh binh nặng và người có công. Đó là những căn phòng rất khang trang, sạch sẽ. Mỗi phòng rộng chừng hơn 20m2, có nhà vệ sinh khép kín, được trang bị đầy đủ điều hòa, quạt mát, bàn ghế...

Về công tác chăm sóc, điều trị, theo ông Cường, Trung tâm luôn chú trọng việc “phòng bệnh hơn chữa bệnh” và kịp thời phát hiện những diễn biến mới về bệnh. Việc phục vụ dinh dưỡng cho thương, bệnh binh thì luôn được bảo đảm về chất lượng. Bộ phận cấp dưỡng thường xuyên chế biến, cải tiến các món ăn để phù hợp với độ tuổi, tâm lý, bệnh lý của từng người.

“Những người bị nhiễm chất độc da cam, thân nhân liệt sĩ ở Trung tâm vẫn chưa được hưởng chế độ gì trong các ngày lễ, Tết. Chúng tôi rất mong cấp trên quan tâm, hỗ trợ cho những trường hợp này, để họ đỡ tủi thân”, ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Trung tâm mong muốn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ