Sản vật thiên nhiên ban tặng
Tổ ong đóng dày ở rừng An Toàn
Nằm ở độ cao 1.200 mét so với mặt nước biển, những cánh rừng đặc dụng ở xã vùng cao An Toàn vẫn còn giữ được vẻ nguyên sinh, với nhiều loại gỗ quý hiếm khó có thể tìm thấy ở bất cứ cánh rừng nào.
Ngoài ra còn có cả những động vật nằm trong danh sách đỏ mà lâu nay chúng ta chỉ có thể nhìn thấy trong ảnh. Đặc biệt, rừng An Toàn có đến hàng trăm ha rừng sim, trong đó có cả 100 ha sim mọc tập trung.
Khi tháng tư về, mùa hoa sim nở rưng rức tím cả một góc trời thì đó cũng là lúc lũ ong bắt đầu làm mật, các chàng trai sống giữa đại ngàn lại rậm rịch sửa sang đồ nghề chuẩn bị vào mùa săn mật ong rừng.
“Trong những cánh rừng ở An Toàn, không nơi nào là ong không làm tổ. Chỉ có nhiều hay ít mà thôi và tùy thuộc vùng rừng ấy có hoa hay không”, đó là khẳng định của anh Đinh Văn Trang, Trưởng Công an xã An Toàn, những lúc rỗi việc cũng là một thợ săn mật ong rừng thiện nghệ.
Theo anh Trang, từ tháng Giêng, ong đã làm tổ, đợi đến mùa rừng cho hoa thì con ong bắt đầu làm mật. Thông thường tháng 4 Âm lịch hằng năm, các tổ ong đã bắt đầu có mật và càng về sau càng nhiều dần. Thời điểm mật nhiều và chất lượng nhất là vào tháng 5, tháng 6 Âm lịch.
Khi các tổ ong bắt đầu cho mật là trai làng lại khăn gói lên đường khai thác. Anh Trang “bật mí”: “Đây cũng là thời điểm các yên Bana ở tuổi cập kê thường chọn các éo biết trèo cây thật giỏi để lấy làm chồng. Bởi lẽ, ở An Toàn, chàng trai nào trèo cây nhanh như đi trên nương ắt sẽ săn mật ong rất giỏi, sẽ có nhiều tiền nuôi vợ nuôi con”.
Mặc dù tháng 4 mới vào vụ săn mật ong, nhưng trước đó trai làng đã lang thang vào rừng, lục tìm từng ngóc ngách để phát hiện cây rừng nào có ong làm tổ.
Khi phát hiện được thì dùng rựa khắc dấu dưới gốc cây rồi lấy lá rừng phủ lại, để sau đó đến khai thác mật. Người đến sau thấy dấu khắc của người đi trước thì biết những tổ ong trên cây đã “có chủ”, không xâm phạm.
Ơ, vậy đây là luật lệ khi săn “lộc trời” của đồng bào Bana à? Tò mò, chúng tôi hỏi.
“Không có luật lệ gì cả đâu. Đấy là người đồng bào Bana mình rất tuân thủ những quy ước người xưa để lại nên không bao giờ xâm chiếm những tổ ong mà trước đó đã có người xí phần” - Anh Văn Trang khẳng định.
Bí quyết săn “lộc trời”
Anh Đinh Văn Ga, thôn 4, xã An Dũng - An Lão - Bình Định cho biết: “Theo kinh nghiệm của người đi săn mật ong rừng, năm nào Yàng (Trời) ít mưa, cây rừng cho hoa trái nhiều thì sẽ có nhiều tổ ong và mật ong đạt chất lượng nhất. Song vào rừng kiếm tổ ong không dễ dàng, có lúc đi cả tuần không kiếm được tổ nào”.
Hành trang lên đường hái “lộc trời” của các éo Bana chỉ vỏn vẹn 1 cây rựa, 1 cái gùi và vài túi nilon cùng với dây thừng, kèm theo mấy chai nước uống, vài gói mì tôm.
Hôm chúng tôi gặp anh Ga, cũng là hôm anh được người trong làng “mời” đi lấy “lộc”, bởi anh là người nắm chắc kỹ thuật lấy mật ong rừng một cách an toàn. Anh cười hồ hởi nói: “Tổ ong này được người trong làng mình phát hiện đấy, chứ không phải mình kiếm ra đâu. Mình biết đi lấy “lộc trời” hồi 15 tuổi. Mật ong rừng lấy vào khoảng tháng 6 – 7 là tốt nhất vì thời điểm này mật chín và có màu vàng sẫm nên chất lượng tốt hơn lúc đầu mùa”.
Còn anh Đinh Văn Lái ở thôn 1, xã An Toàn thì chia sẻ kinh nghiệm hái “lộc trời”: “Những con suối và những khe nước sẽ cho mình biết lũ ong làm tổ ở đâu.
Bởi, những con ong thợ thường tìm đến nguồn nước mát để lấy nước, người săn ong cứ theo hướng bay của những con ong thợ mà tìm ra tổ ong. Đi săn mật ong rừng mà không biết bí quyết này là kể như thua.
Con ong vốn rất khôn, sau khi lấy nước xong không bay thẳng về tổ mà bay vòng vèo để đánh lạc hướng “kẻ thù”. Những con ong mới ra ràng (ong tơ) còn yếu không bay xa được thì la cà và loanh quanh đâu đó một lát rồi mới bay về tổ. Do đó, muốn phát hiện tổ ong thì cánh thợ rừng phải biết kiên trì”.
Trong hành trình săn “lộc trời”, chúng tôi được cánh thợ rừng Bana kể về những nỗi vất vả và hiểm nguy luôn rình rập và chỉ cần một chút chủ quan, thiếu cẩn thận là có thể trả giá rất đắt, thậm chí là cả tính mạng mình.
Thường thì những người đi săn ong ít khi đi một mình mà đi thành tổ, vì muôn vàn hiểm nguy luôn rình rập giữa rừng sâu. Ví như tai nạn trượt ngã trên đường đi, bị thú rừng tấn công, đau ốm bất ngờ. Nhưng sợ nhất là bị ong đốt khi trèo lên cây cao để lấy tổ ong..., những khi ấy rất cần phải có người giúp đỡ.
Anh Đinh Văn Lái chia sẻ: “Làm nghề săn mật ong rừng cần phải có bản lĩnh và gan dạ. Nếu gặp trường hợp bị tổ ong dữ đốt cũng phải hết sức bình tĩnh, chịu đau đớn để xử lý, chứ nhất định không được buông tay”.
Khi tiếp cận tổ ong, người thì đi bứt dây rừng quấn từng đoạn theo thân cây để làm thang trèo lên tổ ong để lấy mật, người thì tìm nhánh cây khô, quấn lá rừng tươi bên ngoài làm “đuốc khói” để xua đàn ong bay ra khỏi tổ.
Người trèo lên cây trực tiếp lấy tổ ong phải là người có nhiều kinh nghiệm và gan lì mới đảm đương được. “Đi săn mật ong không phải lúc nào cũng suôn sẻ, có khi phải trèo lên cây cao đến 20 - 30m mới đến tổ.
Nếu gặp cây đóng một lúc 30 - 40 tổ thì kể như trúng mánh, nhưng phải đối mặt với nguy hiểm, chỉ cần đánh động, ong từ các tổ đồng loạt tấn công thì khó có đường thoát”, anh Trang bộc bạch.
Học người Ấn sơ chế mật ong
Đại ngàn An Lão mênh mông với hơn 46.000 ha rừng tự nhiên và gần 5.000 ha rừng trồng, hàng năm người dân địa phương đã thu hoạch hàng ngàn lít mật ong rừng.
Và cũng chưa có năm nào An Lão lại được mùa mật ong rừng như năm nay. Mật ong rừng chất lượng 100% không lẫn lộn với bất cứ một thứ mật ong nào khác. Già làng Đinh Văn Rin ở xã An Toàn hớn hở nói: “Năm nào nhìn thấy cây ươi, cây xay, cây sim trên rừng ra hoa nhiều thì y rằng năm ấy đại ngàn An Lão được mùa mật ong rừng”.
Hiện nay, các bản làng đồng bào H’rê, Bana ở An Lão, nhà nào cũng lấy được mật ong rừng. Có người từ đầu mùa đến nay đã lấy được vài trăm lít mật. Các thương lái cũng đổ xô đi mua mật ong rừng để bán hoặc dự trữ chờ mật ong hết mùa, tăng giá.
Anh Đinh Văn Trang cho hay: “Những tổ ong đóng ở những cánh rừng có nhiều hoa ươi, hoa xay, mỗi tổ có thể lấy từ 12 - 15 lít mật. Tổ ong cho ít mật nhất cũng được 5 lít. Mấy năm nay giá mật ong ở An Toàn lên xuống bất thường. Lúc mật nhiều thì thương lái chỉ mua có 150.000 đồng/lít. Lúc rừng ít mật thì tăng 200 - 300.000 đồng/lít”.
Mật ong được xem là một món quà tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng cho người dân An Lão. Chất lượng mật ong rừng ở đại ngàn An Toàn thì khỏi phải bàn.
Sáng, ăn xong bữa điểm tâm, lấy một ly nước ấm cho vào một ít mật ong rừng khuấy đều, uống, tinh thần sẽ sảng khoái và năng suất lao động hôm đó sẽ tăng cao. Do chất lượng là vậy nên trong thời gian qua, có nhiều loại mật ong trên thị trường “giả danh” mật ong rừng An Toàn để bán được giá cao và tiêu thụ mạnh.
Theo kinh nghiệm của người thâm niên trong việc mua bán mật ong rừng, chị Đinh Thị Thao ở xã An Toàn, huyện An Lão cho biết, cách phân biệt mật ong thật và mật ong pha đường cũng khá đơn giản nhưng không phải ai cũng biết.
Chị chia sẻ: “Mật ong rừng thật có độ keo sóng sánh màu vàng trong, nếm vào ngọt thanh và có hương vị riêng. Mật pha đường thì loãng, ngọt lợ và không thơm mùi rừng. Để chắc chắn, có thể thử nghiệm bằng nhiều cách: Cho 2 giọt mật lên tờ giấy thấm mỏng, nếu mật ong thật sẽ không có chất nước thấm ra chung quanh.
Còn mật giả thì nước thấm ướt mẹp tờ giấy. Cũng có thể dùng cách khác để thử như có thể dùng một sợi tóc nhúng vào mật rồi kéo lên. Mật thật sẽ có những hạt cườm bám lên sợi tóc, còn mật giả loáng cái đã trôi tuột khỏi sợi tóc”.
Mật ong là loại thực phẩm quý báu, góp phần bảo vệ sức khỏe cho con người. Tuy nhiên, hiện nay cách sơ chế và bảo quản mật ong rừng của người dân đại ngàn An Toàn vẫn còn theo thủ công, đơn giản, phần nào giảm giá trị thực của nó, để lâu mật bị chua.
Trong một lần về làm việc với Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn, được nghe về tiềm năng và thưởng thức mật ong rừng ở đây, Viện Sinh thái học miền Nam đã tạo điều kiện cho cô Phó Bí thư đoàn xã An Toàn - Đinh Thị Nhi (21 tuổi) đi tập huấn tại Ấn Độ để nắm bắt kỹ thuật sơ chế và bảo quản mật ong rừng của nước bạn về truyền bá lại cho người dân địa phương. Đây là tiền đề để An Toàn tiến tới xây dựng thương hiệu “Mật ong rừng An Lão”.
Sau chuyến tập huấn, lòng cô Phó Bí thư đoàn xã An Toàn như sôi lên vì suy nghĩ, nếu sản phẩm mật ong rừng của quê mình cũng được sơ chế và bảo quản cùng điều kiện như ở nước bạn thì không có thị trường nào là không cạnh tranh được.
Cô chia sẻ: “Ở Ấn Độ, người ta cũng sơ chế mật ong rừng bằng phương pháp thủ công, nhưng với lưới lọc chuyên dụng, mắt lưới dày nên lọc sạch phấn hoa và sáp ong, mật trở nên tinh khiết.
Sau đó, mật được bảo quản trong nhiệt độ ổn định 300C, bởi trong nhiệt độ thấp hơn hoặc cao hơn mật sẽ đóng đường. Nếu ở quê em có đủ điều kiện như trên thì mật ong rừng An Toàn có thể xây dựng thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường khắp nơi, bởi nguyên chất lượng của nó đã vượt trội so với mật ong rừng ở nhiều vùng miền khác”.
Cách lọc thô sơ nên trong mật vẫn còn lẫn phấn hoa và sáp ong làm mật ong rừng An Toàn kém chất lượng |