Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa góp ý về dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Trong đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về chính sách giới hạn tăng trưởng tín dụng, trình Quốc hội quyết định.
Tại điểm e khoản 2 Điều 59 của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 quy định: “Tuỳ theo tính chất, mức độ rủi ro, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) còn áp dụng các biện pháp xử lý sau đây đối với đối tượng thanh tra, giám sát ngân hàng:
e) Quyết định giới hạn tăng trưởng tín dụng đối với tổ chức tín dụng trong những trường hợp cần thiết bảo đảm an toàn cho tổ chức tín dụng và hệ thống các tổ chức tín dụng”.
Tuy nhiên, theo VCCI, quy định này chưa rõ ràng về quy mô áp dụng dẫn đến khả năng dễ gây hiểu lầm trong việc phân bổ giới hạn tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Ví dụ, quy định được áp dụng rộng rãi cho tất cả các tổ chức tín dụng hàng năm hay chỉ áp dụng cho một số tổ chức tín dụng có tính rủi ro cao, có hành vi vi phạm pháp luật.
Vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về chính sách giới hạn tăng trưởng tín dụng vào dự thảo luật này, trình Quốc hội quyết định.
Bên cạnh đó, theo VCCI, Luật Tổ chức tín dụng đã có tác dụng rất tốt trong việc giúp lành mạnh hoá thị trường ngân hàng, giảm sở hữu chéo, xung đột lợi ích, minh bạch thông tin thị trường và giúp an toàn hệ thống. Điều này giúp hệ thống ngân hàng có thể cung cấp vốn tốt hơn cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, VCCI khuyến nghị các chính sách của Luật Tổ chức tín dụng cần được xây dựng theo hướng thúc đẩy cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng để thu hút khách hàng. Nội dung của hồ sơ đề nghị xây dựng Luật và các tài liệu thuyết minh chưa thể hiện được định hướng này.
Trong các phần xác định vấn đề bất cập, bối cảnh và mục tiêu xây dựng chính sách chưa đề cập đến vấn đề tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Do vậy, VCCI đề xuất cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung về thực trạng, quan điểm và mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng trong hồ sơ đề nghị xây dựng luật.
Ngân hàng không đặt ra room tín dụng riêng cho bất động sản
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhìn nhận, trong những năm qua, thị trường bất động sản tăng trưởng cao. Song hiện thị trường này đang gặp một số khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Trong những năm qua, thị trường bất động sản tăng trưởng cao, song vẫn còn vướng mắc về nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn tín dụng ngân hàng. |
Vốn cho bất động sản huy động từ nhiều kênh khác nhau, như từ thu hút FDI, trái phiếu doanh nghiệp, huy động thị trường chứng khoán, vốn và tài sản của chính doanh nghiệp, vốn huy động từ người mua nhà, nghĩa là khi khởi công, người mua nhà cũng đã mua trước tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể huy động vốn đầu tư dự án.
Đối với nguồn vốn tín dụng ngân hàng, tín dụng cho lĩnh vực bất động sản luôn có tăng trưởng khá cao trong năm vừa qua. Nhắc lại phát biểu của TS. Cấn Văn Lực về nguồn vốn phát triển bất động sản năm 2022 khi có tới 70% là vốn tín dụng, còn các kênh khác là 30%. Vì vậy, Thống đốc yêu cầu cần phải đánh giá trung thực, khách quan để có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường.
Trong năm 2022, nguồn vốn phát triển thị trường bất động sản gặp khó nhiều mặt. Thứ nhất, kênh trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung dài hạn để hỗ trợ tích cực để giảm phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng gặp khó khăn, trong khi đó kênh vốn ngân hàng 80% là vốn ngắn hạn, nên cần có các giải pháp khôi phục trở lại.
Các dự án bất động sản, 70% vướng mắc về mặt pháp lý. Khi chưa có đủ cơ sở pháp lý và xác định được giá đất, bản thân các dự án phải bảo đảm tính khả thi, chứng minh được khả năng trả nợ của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, doanh nghiệp chưa chứng minh được nên bản thân tổ chức tín dụng khó có thể cho vay, đây là ý kiến phản ánh trong hội nghị tín dụng bất động sản mà các ngân hàng đã nêu. Vì vậy, nếu vướng mắc về mặt pháp lý được tháo gỡ, sẽ giúp cho khơi thông dòng vốn tín dụng của ngân hàng.
Do đó, để phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, Thống đốc NHNN cho rằng, cần phải hướng tới phục vụ đa số người dân, đặc biệt là người có nhu cầu thực về nhà ở, hạn chế tình trạng đầu cơ, thổi giá, trục lợi.
“Về định hướng tín dụng, năm nay, chúng tôi tăng trưởng 14-15%, cao hơn mức 14,17% của năm ngoái. NHNN cũng không có room kiểm soát riêng tín dụng về bất động sản”, bà Nguyễn Thị Hồng thông tin.