Khoảng 1/5 tiền an sinh xã hội hằng tháng của bà Janet Lee Dupree bị trừ để trả tiền nợ ĐH mà bà vay từ những năm 1970 - Ảnh: NY Times |
Trong khi sinh viên Việt Nam hồi hộp chờ đón một giai đoạn bùng nổ học phí có thể diễn ra trong tương lai không xa, một cái nhìn cận cảnh vào nền đại học tốt bậc nhất thế giới - nước Mỹ, với “cuộc chiến” khá vô vọng của những sinh viên và cựu sinh viên - con nợ, biết đâu có thể mang lại vài điều tham khảo.
Chuyến thăm đầu tháng 9 này đến nhà của vợ chồng luật sư John B Dunn và Ginny Hughes ở thủ đô Washington DC (Mỹ) có thể là lần cuối cùng tôi được ghé ngôi nhà xinh đẹp này.
Nằm yên tĩnh giữa khu rừng ở Takoma Park, phía bắc của Washington DC, căn nhà gỗ với ba phòng ngủ này là nơi tôi thường đến thăm mỗi mùa hè kể từ năm 2007 tới nay.
Nhưng sau hơn 35 năm sinh sống, cả ông luật sư và bà vợ là chuyên gia tâm lý giờ đang tìm cách bán ngôi nhà. Tất cả bởi khoản nợ đại học của hai người con Lily (31 tuổi) và Noah (23 tuổi).
Thường với trả thế chấp, các gia đình có thể trả hết nợ tiền nhà sau 20-30 năm. Nhưng với ông Dunn, ông đã tái tài chính và gán khoản nợ tiền học của hai con vào ngôi nhà. Tất cả giờ đây sẽ bắt đầu lại từ đầu với ông bà.
“Giờ mỗi tháng tôi phải trả 5.000 USD và sẽ tiếp tục như vậy khoảng 30 năm nữa - ông Dunn, 67 tuổi, nói - Tôi có thể thuê căn nhà nhỏ với giá thấp hơn để trút hết gánh nặng nợ này đi”.
Trẻ nợ, già cũng nợ
Câu chuyện kiểu ông Dunn - bà Hughes với gánh nặng nợ đại học của con giờ không còn là hiếm nữa, dù việc bố mẹ trả tiền học đại học cho con ở Mỹ như thế này không phải là phổ biến. Gánh nặng nợ đại học giờ không chỉ dồn lên những người trẻ mà đang tăng nhanh trong nhóm những người già và về hưu ở Mỹ.
Một báo cáo hồi tháng 8 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho thấy số người già trên 60 tuổi còn nợ tiền học đã tăng gấp ba lần từ 700.000 hồi năm 2005 lên khoảng 2 triệu người. Từ năm 2005 tới nay, nợ đại học của người già (do vay hoặc phải trả cho con cái) đã tăng hơn sáu lần từ 8 tỉ lên 43 tỉ USD.
Một số nợ vì quyết định đi học khi đã lớn tuổi, một số không kiếm được việc để có thể trả hết nợ trước khi nghỉ hưu. Và đây chỉ là một phần trong tổng số nợ đã vượt hơn 1.300 tỉ USD từ năm 2013 của sinh viên Mỹ - cao hơn cả nợ tín dụng. Con số nợ đại học ở Mỹ đã tăng gấp bốn lần kể từ năm 2001 tới năm 2013.
Trong khi số người già chỉ chiếm một phần nhỏ trong số những người vay tiền học, tác động của số nợ này ngày càng phình to là vô cùng nặng nề, đặc biệt với những người lớn tuổi.
“Những người có nợ có thể sẽ bị cắt giảm phần an sinh xã hội của họ, khiến họ có mức lương hưu dưới mức nghèo khổ” - thượng nghị sĩ Bill Nelson, chủ tịch Ủy ban về tuổi già ở Thượng viện Mỹ, nói trong một phiên điều trần hồi tuần trước.
Tại phiên điều trần, bà Rosemary Anderson, 57 tuổi, từ California, kể chuyện bà có món nợ tiền nhà giờ không trả được, cộng với khoản 64.000 USD tiền nợ đại học. Bà vay số tiền này từ những năm 30 tuổi để trả tiền học đại học và bằng thạc sĩ. Bà không còn trả được nữa từ tám năm nay.
Kết quả là khoản tiền nợ cộng với lãi giờ đã lên tới 126.000 USD. Với mức trả 526 USD/tháng và lãi suất 8,25%, bà ước tính phải đến năm 81 tuổi mới trả hết nợ và khoản tiền khi đó tăng hơn 87.487 USD so với khoản tiền vay ban đầu của bà.
“Tôi vay tiền (đi học) để cải thiện cuộc đời mình” - bà Anderson nói với ủy ban - Nhưng số nợ đã trở thành gánh nặng với đời tôi”.
Tác động của việc nợ đối với người già là rất lớn. Đối với họ, nợ đại học đồng nghĩa với việc khoản lương hưu ít ỏi của họ sẽ bị giảm.
Cách đây bảy năm, bà Janet Lee Dupree, 72 tuổi, ngạc nhiên khi số tiền trợ cấp an sinh xã hội hằng tháng bị trừ đi hơn 1/5 số tiền. Bà gọi điện cho cơ quan an sinh xã hội để tìm hiểu. Người phụ nữ từ Citra Florida sau đó phát hiện bà phải trả tiền từ khoản nợ đại học 3.000 USD mà bà vay từ những năm 1970.
Theo New York Times, bà Dupree từng trả một số nợ nhưng tổng số tiền vay của bà chưa bao giờ giảm. Khoản tiền nợ 3.000 USD của bà giờ đã thành 15.000 USD do lãi sau từng ấy năm.
Một câu chuyện được nhắc đến gần đây nữa là trường hợp người trẻ nợ tiền bất ngờ chết và gánh nặng nợ đổ dồn lên vai phụ huynh. Trong khi nhiều khoản vay từ chính quyền liên bang Mỹ sẽ kết thúc khi người vay qua đời, những khoản vay từ các nguồn tư nhân không có điều khoản đó.
Gần đây, một cặp vợ chồng, Steve và Darnelle Mason, ở California có người con Lisa Mason mất khi 27 tuổi vì bệnh gan. Cặp vợ chồng này phải nuôi ba đứa cháu đồng thời tiếp nhận khoản nợ 100.000 USD tiền học của Lisa tại trường đào tạo y tá.
Trong vòng năm năm, các khoản phạt và lãi suất khiến số tiền giờ đã phình lên tới 200.000 USD. Những chủ nợ tư nhân không muốn bỏ qua khoản nợ.
Ngoài ra, các khoản nợ cũng đang ngày càng đe dọa nhóm sắp đến tuổi về hưu. Trả lời New York Times, bà Lori A. Trawinksi, giám đốc tại Viện chính sách công của AARP, nói: “Tới năm 2010, khoảng 11% gia đình gần ngưỡng về hưu có nợ giáo dục với mức nợ trung bình 28.000 USD.
Gánh nặng nợ tăng đe dọa tình hình tài chính của nhóm người Mỹ sắp về hưu - do nợ tăng đe dọa khả năng họ dành dụm cho việc nghỉ hưu hay tích lũy tài sản, điều có thể khiến họ phải trì hoãn việc nghỉ hưu”.
Nguồn: FRBNY Consumer Credit Panel/ Equifax |
Nguồn: FRBNY Consumer Credit Panel/ Equifax |
Câu chuyện học phí muôn thuở
Lý do nợ đại học tại Mỹ cao như vậy một phần rất lớn nằm ở mức học phí cao chót vót tại các trường đại học Mỹ - mặt trái của hệ thống giáo dục được coi là tốt hàng bậc nhất thế giới.
Theo Trung tâm số liệu quốc gia về giáo dục Mỹ (NCES), học phí trung bình tại một đại học tư phi lợi nhuận ở Mỹ năm 2010-2011 là 36.300 USD/năm, trường công là 13.600 USD/năm. Từ năm 2000-2010, học phí tại các đại học công đã tăng 43% trong khi học phí tại các đại học tư phi lợi nhuận đã tăng 31%.
Một nghiên cứu về nợ của sinh viên cho thấy trung bình một sinh viên đại học phải vay khoảng 29.400 USD cho tấm bằng đại học của mình. Từ năm 2007 tới nay, nợ đại học đã tăng gấp đôi và từ năm 2001 tới nay, số nợ này đã tăng gấp bốn.
Mỗi sinh viên Mỹ khi tốt nghiệp thường mang theo gánh nặng nợ khổng lồ so với thu nhập mới ra trường của họ.
Theo tính toán của ProgressNow, trung bình một sinh viên đại học sẽ cần khoảng 20 năm để trả hết các khoản nợ vay của mình. Và với tình hình kinh tế Mỹ vẫn chưa phục hồi, các con số này có thể còn tồi tệ hơn nữa. Một số nhà kinh tế đã gọi đây là cuộc khủng hoảng đang “đếm giờ” tiếp theo.
Khoảng 2/3 số sinh viên tốt nghiệp hiện nay có nợ với mức trả trung bình hằng tháng 500-700 USD. Mức chi trả 6.000-8.400 USD/năm thường sẽ không phải là vấn đề với sinh viên tốt nghiệp nếu họ kiếm được công việc với lương cao. Nhưng với phần lớn đối tượng này, việc phải chi hơn 1/4 thu nhập của mình cho việc trả nợ khi mới ra trường luôn là thách thức không nhỏ.
Ngoài ra, với nhiều sinh viên, việc có bằng đại học không đảm bảo một nghề nghiệp chắc chắn sau khi tốt nghiệp. Như Jefferey Jackson, 29 tuổi, đã vay 88.000 USD để tốt nghiệp đại học và lấy bằng thạc sĩ ở Đại học Nam Georgia.
Thu nhập hiện tại của anh khi làm việc tại thư viện đại học này chỉ là 24.000 USD/năm, chỉ đủ sống rất tằn tiện. Anh không có tiền trả nợ đại học.
Cô bạn C. Miradoli của tôi sau khi tốt nghiệp trường về quan hệ quốc tế (SIPA) của Đại học Columbia năm 2005 đã mang theo khoản nợ hơn 50.000 USD và sau hơn 7-8 năm công việc không ổn định, cô thường chỉ duy trì được mức trả 200-300 USD/tháng tiền lãi trên khoản vay của mình.
Ở tuổi 44 và công việc chưa rõ ràng, cô không có nhiều cơ hội để trả được khoản nợ của mình.
Anh Edward Matt, 30 tuổi, từ Kansas, nói đã vay 100.000 USD để học bằng thạc sĩ của mình nhưng rất may mắn là anh kiếm được tiền để có thể trả hết nợ trong vòng sáu năm.
“Điều tôi không hiểu là tại sao sinh viên phải chịu mức nợ cao đến vậy. Nợ của tôi ở mức 6,8%/năm trong khi tôi có thể vay gấp ba lần số đó để mua nhà với mức lãi suất chỉ 3,6%”.
Và với anh Matt, mọi thứ còn khá dễ dàng vì trường của anh đã tăng học phí tới 50% trong hai năm kể từ sau khi anh tốt nghiệp.
Thống kê đồng thời cho thấy ngày càng có nhiều sinh viên sẽ gia nhập câu lạc bộ nợ khủng - những người tốt nghiệp với khoản nợ trên 50.000 USD. Janessa Robinson, sinh viên mới tốt nghiệp Đại học Tulane với khoản nợ 50.000 USD, thừa nhận với CNN mới đây là “chi phí đi học giờ quá kinh khủng”.
Báo cáo của FED tháng 9-2014 cho thấy khoảng 19% trong số sinh viên nợ trên 50.000 USD sau khi tốt nghiệp đại học. Tỉ lệ này hồi năm 2001 mới chỉ là 6%.
Với Robinson, nếu muốn tiếp tục lấy bằng thạc sĩ về chính sách công, chị sẽ phải vay thêm 43.000 USD - tương đương tổng thu nhập hằng năm hiện tại của chị.
Jeff L. trong một trao đổi trên Đài Radio KSL nói: “Tôi sẽ không lấy bằng đại học nếu tấm bằng không đảm bảo sẽ có việc. Tôi nghĩ các nghề như hàn, thợ làm ống nước, thợ điện... sẽ có giá trở lại so với những tấm bằng bốn năm vô giá trị mà mất vô số tiền như thế”.