(GD&TĐ) - Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu đi học kỹ năng không ngừng tăng lên. Phụ huynh, học sinh cũng quan tâm nhiều hơn về các lớp học này. Nắm bắt được nhu cầu, các lớp dạy kỹ năng mọc lên như nấm. Tuy nhiên, giáo trình cho những lớp học này có được “kiểm định” và chất lượng mỗi khóa học thế nào, đang còn là chuyện đáng bàn.
Trăm hoa đua nở
Tại các nhà thiếu nhi ở TP.HCM, các hoạt động trong dịp hè sôi nổi nhất với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Có nhiều hoạt động để thanh, thiếu niên tham gia vui chơi, giải trí, học tập như: đàn, hát, múa, kịch, thể dục nhịp điệu, võ, bóng rổ, cầu lông, bơi lội…, các môn khác như Anh văn, Tin học, luyện chữ, với thời khoá biểu linh hoạt. Mấy năm trở lại đây, mô hình học kỳ quân đội trong hè và các khóa rèn luyện kỹ năng được sự chú ý của nhiều phụ huynh và các em HS. Sau vài năm hoạt động, đến nay học kỳ quân đội được phát triển mạnh với nhiều hình thức. Dịp hè 2011, Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam có nhiều chương trình hoạt động từ tháng 5 đến tháng 8. Học kỳ quân đội được xem như hình thức rèn luyện kỹ năng sống cho các “cô chiêu cậu ấm” với mức học phí khá cao, như khóa Trui rèn và Trưởng thành, huấn luyện tại Bình Tân, Long Hải, Kiên Giang, Sư 309, với mức học phí từ 800 ngàn đến 8 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các khóa như Học làm người nông dân, giúp các em hiểu hơn giá trị của lao động, hiểu hơn về người nông dân và hiểu được giá trị của đồng tiền; Hi!Teacher Hành trình văn hóa thiên nhiên và trải nghiệm, giúp các em hiểu được văn hóa của các vùng miền và giá trị của gia đình; Học làm người tự tin- Dũng cảm, giúp các em trui rèn bản lĩnh, ý chí, để có thể mạnh mẽ hơn, dạn dĩ hơn; Thám du, giúp tìm hiểu những vùng đất mới, thông qua đó giúp các em có những kiến thức, kỹ năng để sinh tồn; Teen Leader (Đào tạo lãnh đạo trẻ tương lai) tại các địa điểm như Học viện đào tạo lãnh đạo Singapore; SYC Việt Nam, Long An, Đà Lạt (Lâm Đồng), Nha Trang (Khánh Hòa), TP.HCM, học phí từ 24- 35 triệu đồng. Thi tuyển đầu vào, số lượng 40 em, độ tuổi từ 12 đến 19,…
Lớp học kỳ quân đội |
Các đơn vị chuyên về tổ chức sinh hoạt thanh thiếu niên năm nay cũng có kế hoạch đầu tư dài hơi hơn cho những chương trình huấn luyện kỹ năng sống trong hè. Thành Đoàn TP.HCM cũng đã lên kế hoạch đầu tư những trại hè kỹ năng do Nhà Văn hoá Thanh niên TP.HCM và Trung tâm Sinh hoạt dã ngoại thanh thiếu nhi tổ chức, bao gồm các hình thức trại hè rèn luyện kỹ năng giao tiếp, sinh hoạt dã ngoại, bảo vệ môi trường, hè lên rừng xuống biển. Các chương trình hoạt động sẽ được thực hiện trong suốt mùa hè, tập hợp thanh thiếu niên tham gia các trò chơi rèn luyện kỹ năng và làm việc nhóm, hoạt động tập thể, giúp các em sống tự lập, tự tin trong giao tiếp và thể hiện bản thân, tiếp cận các kỹ năng mềm, giúp học tập và tư duy hiệu quả. Mỗi chương trình chỉ khoảng 30 em, tuổi 10 – 18 và có thu phí.
Chương trình học có thực sự chất lượng?
Có một thực tế là chương trình ở nhiều trung tâm khá giống nhau: trang bị kỹ năng nắm bắt tâm lý, giao tiếp, thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề… để có thêm cơ hội thành công trong cuộc sống… Tùy từng “mảng” kỹ năng, các trung tâm đều tạo ra thế mạnh cho riêng mình bằng cách mời những giảng viên chuyên môn trong lĩnh vực đó về giảng dạy. Tuy vậy, nét riêng của từng nơi chưa nhiều. Ở những câu lạc bộ, nhà văn hoá như NVH Thanh niên, NVH Phụ nữ, NVH Lao động chưa có những khoá học đầy đủ, ngoài khóa học kỹ năng giao tiếp, mà chủ yếu là những buổi nói chuyện chuyên đề. Tham gia khoá học giao tiếp chỉ đóng hơn 200–300 nghìn, những buổi nói chuyện chuyên đề thì khoảng 15.000 đồng. Nội dung phần nhiều dừng lại ở mức trò chuyện, chia sẻ những vấn đề trong cuộc sống. Một thực tế nữa, hiện nay, do các chương trình học kỹ năng hoàn toàn không bắt buộc, mà chỉ mang tính chất trang bị, bồi đắp kĩ năng sống, nên các học viên đều được thoải mái khi lựa chọn để tham gia. Đồng thời, xu thế tìm cho mình một lớp học kỹ năng ngày càng được phụ huynh, học sinh quan tâm. Tuy nhiên trên thực tế, các chương trình đào tạo hao hao giống nhau nên việc lựa chọn một lớp học kỹ năng thật sự phù hợp là điều không dễ. “Bên cạnh uy tín trung tâm, uy tín giảng viên, quan trọng là xem qua các bài học và để xem người dạy có hợp với mình không” - chị Trúc Diễm (Q.3, TP.HCM) cho biết về tiêu chí của mình khi chọn lớp học cho con.
Rèn luyện thể chất |
Hiện nay, tham gia đào tạo kỹ năng mềm, học viên đa phần dựa vào tên tuổi của những cá nhân có một số thành công được ghi nhận. Việc giảng dạy có khi vẫn là “thuật lại chuyện đời” và truyền đạt kinh nghiệm của họ cho học viên. Cũng không ít giảng viên dạy kỹ năng mềm nhưng không nắm rõ lý thuyết, phương pháp khoa học mà chỉ lên lớp truyền kinh nghiệm, kể những mẩu chuyện. Với cách dạy như thế, có thể học viên thích nghe nếu giảng viên có khiếu kể chuyện (điều này không khó vì phần lớn họ đều giỏi về kỹ năng giao tiếp). “Vốn liếng” người học thu nhận lại là “kinh nghiệm của thầy chứ không phải “chữ thầy” mà kinh nghiệm cá nhân ít giống nhau, vì thế khi gặp tình huống cụ thể không ít người vẫn bỡ ngỡ. Nguyễn Hùng - sinh viên ngành Marketing – trường ĐH Hoa Sen trăn trở: “Ngành học của tôi trong tương lai chắc chắn cần những kỹ năng mềm mà ở giảng đường không có. Thế nhưng, qua vài trung tâm uy tín lại thấy giá cả quá chênh lệch với chương trình dạy, trong khi đó chất lượng lại không được như ý. Nhiều lúc thấy có phần phí phạm, khi bỏ tiền ngồi nghe tư vấn, nói về kinh nghiệm, những điều mà một số chương trình trên sóng phát thanh cũng có”. Ngược lại, anh Thái Hà (nhân viên kế toán vừa mới có việc làm) thì khẳng định: “Giá trị những khoá học không chỉ nằm trong nội dung giảng dạy - tiếp nhận, mà còn tính về mặt tinh thần, vì thế là rất phù hợp”. Sau một số khoá học, điều nhận thấy rõ ở Thái Hà là anh tự tin lên rất nhiều và khi đứng trước khó khăn hay tình huống cụ thể nào đó đều tư duy theo chiều hướng tích cực.
Xu hướng hiện nay, ngày càng có nhiều bạn trẻ chú ý trang bị kiến thức kỹ năng mềm cho mình, với quan niệm: Biết nhiều kỹ năng thì cuộc sống sẽ ít gặp khúc mắc, và nếu gặp khúc mắc cũng có cách tháo gỡ khoa học. Thế nhưng, giữa một rừng các trung tâm, lớp học thì việc chọn một lớp học phù hợp với mình về nội dung và túi tiền là đều không dễ.
"Quan trọng là bản thân người học và người dạy phải luôn ý thức rằng, với kỹ năng mềm bản chất là học về lý thuyết khoa học, giỏi hay không là cách nắm được phương thức và ứng dụng vào thực tế, chứ không phải dạy kinh nghiệm mà coi thường hoặc không dạy lý thuyết khoa học. Ở phương Tây, trẻ con mới đi học đã được làm quen với kỹ năng mềm qua việc giáo viên chú trọng dạy trẻ xử lý tình huống. Càng lớn, những kỹ năng theo đó phát triển hoàn thiện và đương nhiên trang bị đủ cho trẻ tự tin vào đời" - Th.S tâm lý Nguyễn Hữu Long - Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM. |
Thái Khuê – Quốc Ngữ