Vào "guồng" học trực tiếp: Nâng cao ý thức tự giác, không nóng vội bù lấp kiến thức

GD&TĐ - Học trực tuyến kéo dài, thay đổi liên tục trực tuyến - trực tiếp đã dẫn tới những ảnh hưởng nặng nề về mặt tâm lý cho học sinh.

Tiết học của học sinh Trường Tiểu học Núi Đèo, Thủy Nguyên - Hải Phòng. Ảnh: NTCC
Tiết học của học sinh Trường Tiểu học Núi Đèo, Thủy Nguyên - Hải Phòng. Ảnh: NTCC

Theo PGS.TS Trần Thị Minh Hằng, Khoa Tâm lý Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục), các em bị phá vỡ thói quen, kỹ năng thường ngày trong cuộc sống như dậy đi học đúng giờ, mặc quần áo đồng phục, giao lưu trao đổi, tâm sự với thầy cô, bạn bè những niềm vui, nỗi buồn… Sự ảnh hưởng ở mỗi học sinh ở mức độ khác nhau nhưng gần như học sinh nào cũng bị và cần được cân bằng lại khi trở lại học tập trực tiếp.

NGƯT Nguyễn Hoàng Vân, Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy (Ninh Bình), cũng khẳng định: Sau thời gian học trực tuyến khi quay lại học tập, kiến thức của học sinh chỉ đảm bảo 60 - 70% so với dạy trực tiếp nên hầu hết giáo viên đều phải rà soát và củng cố lại.

Đáng nói, về mặt tinh thần, ý thức tự giác trong học tập của học sinh hầu hết đều hạn chế, sức ỳ lớn. Trừ những học sinh khối lớp 9, 12 với ý thức ôn thi cuối cấp nên tự giác trong học tập, còn không ít học sinh thường vin cớ mệt mỏi, ốm đau, hậu Covid-19 để nghỉ học hoặc không học bài ở nhà (dù thực tế không đến mức độ đó).

Thậm chí nhiều em khi đi học còn muốn giáo viên kiểm tra online, học trực tuyến… để không phải tới lớp. Những thay đổi này đã gây nhiều khó khăn cho giáo viên trong quá trình dạy học.

Để cân bằng lại tâm lý, thói quen cho trẻ khi trở lại trường, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng cho rằng: Cô giáo và gia đình cần tập trung xây dựng lại những kỹ năng sống và đặc biệt tạo động lực đến trường.

Muốn làm được điều này trước hết cần khơi gợi cho trẻ sự háo hức được học tập, đến trường gặp thầy cô, bạn bè. Gia đình nên động viên khuyến khích chứ không nên tạo áp lực mà trẻ phải thay đổi ngay như dạy đúng giờ, vận động, giao tiếp, học tập đủ thời gian…

Đối với giáo viên, cũng không nên gây áp lực học tập, việc dạy học vẫn cần giảm tải, tập trung vào nội dung cốt lõi, không vì nóng vội bù lấp, củng cố kiến thức mà khiến việc học trở nên nặng nề áp lực với học sinh. Bên cạnh học tập kiến thức cần tạo điều kiện cho trẻ tham gia hoạt động vui chơi, vận động chân tay, giao lưu giao tiếp, hòa vào thiên nhiên nhiều hơn dù chỉ có thể tổ chức trong phạm vi hẹp là lớp học hoặc góc sân trường, vườn sinh vật…

Cô Nguyễn Hoàng Vân cho rằng: Cân bằng lại tâm lý thói quen cho học sinh ở thời điểm dịch vẫn còn và học trực tiếp chưa bình thường hoàn toàn thì không dễ dàng và hiệu quả bởi giao lưu giữa học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên, sự tiếp xúc chung còn hạn chế.

Tuy nhiên, trong phạm vi có thể, giáo viên nên giảm tối đa kiến thức không quan trọng, tạo không khí học tập tích cực cho học sinh thông qua bài giảng, tiết học vừa học vừa chơi, tạo tâm lý thoải mái tối đa trong giờ học. Để làm được điều này, bản thân thầy cô phải chịu khó đầu tư tâm sức, thời gian soạn và xây dựng những bài giảng phù hợp, đáp ứng được yêu cầu dạy học khi học sinh mới quay lại học trực tiếp...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ