Bí quyết trấn an tâm lý học sinh trước tác động của dịch Covid-19

GD&TĐ - Chia sẻ thông tin chính xác và khoa học về Covid-19 sẽ giúp giảm bớt nỗi sợ hãi, lo lắng về dịch bệnh cho học sinh, từ đó giảm thiểu ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong đó, nhà trường và giáo viên đóng vai trò then chốt giúp tăng cường khả năng ứng phó của trẻ em trước các tác động gián tiếp của dịch bệnh đối với cuộc sống.

Hiểu đúng để trấn an

Người dân trên toàn thế giới đang thực hiện các biện pháp bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng trước đại dịch. Vì vậy, việc đảm bảo tất cả trẻ em được tiếp tục học tập trong một môi trường thân thiện, tôn trọng, hòa nhập và hỗ trợ là rất quan trọng.

Ở mỗi lứa tuổi khác nhau, thầy cô giáo có thể hướng dẫn cho học sinh về cách phòng, chống lây lan của dịch bệnh. Bên cạnh đó, căn cứ vào lứa tuổi, giáo viên sẽ có cách tuyên truyền những thông tin chính xác, dễ hiểu nhất để học sinh hiểu đúng về tình hình diễn biến của dịch bệnh.

Bất kì trao đổi hay hoạt động nào đều cần cân nhắc nhu cầu cụ thể của trẻ em. Những điều này phải dựa trên hướng dẫn của nhà trường, chính quyền các cấp cũng như nguồn đáng tin cậy như UNICEF và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Chuyên gia Nguyễn Hồng Hạnh – nguyên cán bộ Viện Tâm lý, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - chỉ ra rằng, chưa bao giờ vấn đề sức khỏe tâm thần của trẻ em được quan tâm nhiều như khi Covid-19 xuất hiện.

Ngoài những nguyên nhân như ở nhà do giãn cách, không được đến trường thì lo lắng thái quá, xâm nhập nguồn không đáng tin về tình hình dịch bệnh cũng khiến tâm lý trẻ bất ổn. Vì vậy, gia đình, nhà trường trước hết cần giúp các em hiểu đúng, bình tĩnh trong mọi tình huống để ứng phó với dịch.

Chuyên gia Nguyễn Hồng Hạnh đã chia sẻ những kinh nghiệm giúp giáo viên trao đổi với học sinh để trấn an tinh thần cho từng lứa tuổi học đường. Theo bà Hạnh, đối với trẻ ở độ tuổi mầm non, cần tập trung truyền thông về những hành vi có lợi cho sức khỏe như dùng khuỷu tay che miệng, mũi khi ho, hắt hơi và rửa tay thường xuyên… Giáo viên có thể sưu tầm những bài hát về phòng chống dịch để trẻ dễ hiểu, dễ nhớ.

Một trong những cách hữu hiệu nhất để bảo vệ trẻ em trước virus và các bệnh khác chính là khuyến khích trẻ em rửa tay thường xuyên, tối thiểu 20 giây/lần. Để dạy trẻ thói quen rửa tay, thay vì “dùng biện pháp mạnh” như dọa dẫm, giáo viên có thể cho trẻ hát theo nhạc hoặc nhảy theo điệu rửa tay vui nhộn. Thầy cô giáo cũng có thể xây dựng một công cụ để theo dõi hành vi rửa tay ở học sinh và thưởng cho trẻ nào rửa tay thường xuyên, kịp thời.

Giáo viên cũng có thể sử dụng con rối hoặc búp bê để minh họa cho trẻ các triệu chứng bệnh như hắt hơi, ho, sốt… Bên cạnh đó là những điều cần làm khi bị ốm và cách an ủi một bạn bị ốm để nuôi dưỡng lòng thấu cảm và hành vi bày tỏ sự quan tâm một cách an toàn.

Cải thiện năng lực phát hiện tin giả

Nhiều học sinh tỏ ra hoang mang trước các thông tin chưa chính xác về tình hình dịch bệnh. Cùng với các yếu tố căng thẳng như học trực tuyến, không gian sinh hoạt bó hẹp, hạn chế giao tiếp, vận động… trẻ rất dễ bị ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần. Vì vậy, ngoài các biện pháp khác, việc trao đổi, truyền đạt nguồn đáng tin cậy là cách để góp phần trấn an học sinh trước những mối lo về dịch  Covid-19. Trong đó, cha mẹ và thầy cô giáo đóng vai trò rất quan trọng để trẻ bình an, khỏe mạnh và vui vẻ học tập trong mùa dịch. Chuyên gia Nguyễn Hồng Hạnh.

Theo bà Hạnh, đối với lứa tuổi tiểu học, giáo viên cần lắng nghe và trả lời thắc mắc của trẻ sao cho phù hợp với lứa tuổi, tránh cung cấp quá nhiều thông tin khiến trẻ choáng ngợp.

Khuyến khích trẻ bày tỏ, chia sẻ cảm giác của mình. Thảo luận với trẻ về những cảm giác trẻ đang trải qua, giải thích với trẻ rằng đó là những cảm giác bình thường trước những tình huống bất thường như hiện nay.

Với độ tuổi này, thầy cô cũng có thể giới thiệu cho trẻ khái niệm tạo khoảng cách an toàn ở nơi công cộng như đứng xa bạn bè hơn, tránh tụ tập nơi đám đông, không chạm vào người khác nếu không cần thiết... Đồng thời, tập trung truyền thông về những hành vi có lợi cho sức khỏe.

Sử dụng các bài tập để minh họa cách vi khuẩn phát tán. Giáo viên cũng có thể yêu cầu học sinh đọc một đoạn văn, rồi phân tích các hành vi dẫn đến nguy cơ lây bệnh cao trong đoạn văn đó và đề xuất phương hướng thay đổi hành vi.

Đối với học sinh trung học cơ sở, bà Hạnh cho rằng, thay vì truyền đạt quá nhiều thông tin, cần lắng nghe và trả lời thắc mắc của trẻ. Nếu trẻ không giải tỏa được những suy nghĩ sẽ dẫn đến hiểu lệch lạc, lo lắng thái quá về dịch bệnh rồi có những cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng sức khỏe tâm thần.

Vì vậy, giáo viên cần nhắc nhở học sinh chia sẻ những hành vi có lợi cho sức khỏe đã được học. Khuyến khích học sinh đấu tranh, ngăn chặn hành vi kì thị. Thảo luận về những phản ứng mà các em có thể gặp phải xung quanh vấn đề phân biệt đối xử.

Khuyến khích trẻ bày tỏ, nói lên cảm giác của mình, nhưng cũng giải thích rằng nỗi lo sợ và kì thị chỉ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Bên cạnh đó cần nâng cao tinh thần chủ động của học sinh trong việc tuyên truyền những thông tin xác thực về y tế công cộng.

Thầy cô giáo có thể lồng ghép nội dung giáo dục về sức khỏe liên quan vào các môn học khác. Các môn khoa học tự nhiên có thể dạy các em về virus, cơ chế truyền bệnh và tầm quan trọng của vắc-xin. Các môn khoa học xã hội có thể tập trung vào lịch sử của các đại dịch và quá trình xây dựng chính sách về đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người dân.

Giáo viên cũng có thể cho học sinh tự thực hiện hoạt động tuyên truyền thông qua hệ thống phát thanh, kênh thông tin của nhà trường hay làm áp-phích. Các bài học nâng cao hiểu biết về phương tiện truyền thông có thể khuyến khích học sinh phát triển tư duy phản biện, giao tiếp hiệu quả. Từ đó giúp trẻ trở thành công dân tích cực, từ đó cải thiện năng lực phát hiện tin giả của các em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...