Quan trọng nhất là ổn định tâm lý học sinh

GD&TĐ - Dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 được Bộ GD&ĐT công bố đang nhận được sự quan tâm của đông đảo các thầy giáo, cô giáo, học sinh, phụ huynh và dư luận xã hội.

Quan trọng nhất là ổn định tâm lý học sinh

 “Lúc này đây, điều quan trọng nhất là ổn định tâm lý học sinh, điều chỉnh phương pháp dạy – học để đảm bảo kiến thức, kỹ năng cho các em bước vào kỳ thi THPT một cách tự tin nhất” - thầy Cao Thanh Bảo, Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP Vinh, Nghệ An - chia sẻ.

Lo lắng trước hình thức thi mới

Khi chúng tôi có mặt tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, các em học sinh lớp 12 đang trong giờ học ôn tập. Dù là đầu năm học mới, nhưng lại là lớp cuối cấp, giai đoạn quan trọng để chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia, bởi vậy, Dự thảo quy chế mới 2017 được các em hết sức quan tâm. Em Trần Đức Toàn, lớp 12 A1 chia sẻ: Chúng em hơi bất ngờ về Dự thảo phương án của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, đặc biệt là ở môn Toán, khi chuyển từ hình thức tự luận sang trắc nghiệm.

Tất nhiên, dù với hình thức nào thì chúng em cũng phải giải toán rồi mới có kết quả nhưng trước đây chúng em có 180 phút làm đề (với 10 bài). Nay chỉ có 90 phút mà trả lời đến 50 câu hỏi thì em khá lo lắng về thời gian thi. Ngoài ra, việc trong môn tích hợp Khoa học Tự nhiên có thêm môn Sinh học thì em cũng lo về khối lượng kiến thức mình cần học.

Với kinh nghiệm 17 năm dạy Toán, cô giáo Hoàng Thị Tân chia sẻ: Lâu nay môn Toán vẫn dạy học làm bài theo hình thức tự luận nên nay sự thay đổi này chắc chắn sẽ có những khó khăn, nhất là trong điều kiện thời gian 1 năm học. Tuy nhiên, theo tôi thấy, làm toán theo hình thức trắc nghiệm là hình thức ưu việt. Học sinh sẽ rèn luyện kỹ năng linh hoạt và nhanh nhẹn hơn, tư duy phán đoán, khả năng tính nhẩm nhanh, viết nhanh, bấm máy tính cũng cần nhanh.

Thi trắc nghiệm, một số phần của kỹ năng làm bài có thể sẽ không sử dụng đến như vẽ hình, vẽ đồ thị khảo sát hàm số… nhưng nhìn chung thi trắc nghiệm kiến thức sẽ rộng và bao quát hơn. Hiện tại, các thầy cô phải thay đổi cách dạy, vừa đảm bảo cung cấp đủ kiến thức cho học sinh, vừa xây dựng ngân hàng câu hỏi để học sinh có thể làm được đa dạng các kiểu bài.

“Nói chung, với học sinh khối tự nhiên, tôi không quá lo lắng bởi bản chất các em là tư duy nhanh. Riêng đối với những em học khối D thì khó khăn hơn một chút, vì các em tư duy môn Toán theo hướng chậm nhưng chắc, cẩn thận, vì thế nếu làm bài trong 90 phút thì thời gian khá hạn hẹp”, cô Tân nói.

Riêng môn tích hợp Khoa học Xã hội gồm Sử - Địa – GDCD thi trắc nghiệm khiến nhiều học sinh và giáo viên bỡ ngỡ nhất. Mặc dù trước đó, làm bài tập trắc nghiệm môn xã hội đã manh nha, và xuất hiện nhiều trong các tài liệu tham khảo hiện hành, tuy nhiên đưa bài thi trắc nghiệm môn xã hội vào Kỳ thi THPT quốc gia là lần đầu tiên. Cô Phan Thị Hà, giáo viên bộ môn Lịch sử, Trường THPT Phan Thúc Trực, Yên Thành chia sẻ: Trước đến nay, môn Lịch sử nói riêng và các môn xã hội nói chung luôn được giảng dạy và học tập để thi tự luận. Cách diễn đạt, phân tích, lập luận, khái quát vấn đề là kỹ năng lợi thế của những em thi môn xã hội. Vì vậy, chuyển sang trắc nghiệm khiến cô trò có nhiều trăn trở. Hiện tại, tôi đang cố gắng tìm hiểu và xây dựng ngân hàng câu hỏi cho các em, hướng các em học rộng, nắm đầy đủ kiến thức và không học tủ, học lệch.

Mong sớm có quy chế thi chính thức

“Dự thảo mới mà Bộ đưa ra, có khá nhiều nét mới và tác động đến tâm lý học sinh và phụ huynh. Trong đó, rõ nhất là về phương thức thi. Tôi cho rằng, việc chuyển từ bài thi tự luận sang bài thi trắc nghiệm sẽ có nhiều sự xáo trộn bởi tư duy của tự luận và trắc nghiệm hoàn toàn khác nhau, cách học cũng khác nhau. Với những học sinh có học lực trung bình việc chuyển hướng cách học là không dễ dàng” - thầy giáo Nguyễn Duy Long, Hiệu trưởng Trường THPT Đặng Thúc Hứa, Thanh Chương chia sẻ.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Trọng Giáp – Hiệu trưởng Trường THPT Phan Thúc Trực (huyện Yên Thành) lại cho rằng: Hiện tại, các em học sinh thuộc tốp khá của trường và xác định thi THPT để xét tuyển vào ĐH, CĐ khá lo lắng vì mục tiêu của các em là đạt điểm cao nhất có thể. Còn các em thi THPT chỉ để xét tốt nghiệp thì đổi mới hình thức thi không tác động nhiều đến tâm lý, các em khá thoải mái với việc thi trắc nghiệm các môn tích hợp. Cũng theo thầy Giáp, giáo dục hiện nay cách thi ảnh hưởng đến cách dạy, cách học. Trước mắt, nhà trường sẽ hướng học sinh học đủ, đều kiến thức cơ bản và làm công tác định hướng nghề nghiệp cho các em.

Điều quan tâm lớn nhất của các nhà trường hiện nay là quyết định chính thức của Bộ về quy chế thi THPT 2017 và công bố hình thức xét tuyển của các trường ĐH, CĐ.

Là lãnh đạo nên thầy Cao Thanh Bảo – Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng theo dõi rất kỹ những đổi mới ở Dự thảo của Kỳ thi THPT quốc gia 2017 để định hướng cho giáo viên và học sinh dạy học. “Điều mong muốn hiện nay của các nhà trường và học sinh đó là Bộ sớm công bố văn bản chính thức để các trường sớm chủ động xây dựng kế hoạch. Bên cạnh đó, các trường đại học sớm công bố phương án tuyển sinh, tránh lo lắng cho học sinh và sớm có đề minh họa để học sinh sớm làm quen với cách ra đề mới”.

Những băn khoăn này là điều dễ hiểu bởi Kỳ thi THPT quốc gia là một kỳ thi quan trọng. Bên cạnh đó còn có những ý kiến của người không thực sự am hiểu về giáo dục, gây hoang mang và lo lắng cho học sinh.

Môn GDCD lần đầu tiên sẽ được đưa vào Kỳ thi THPT quốc gia, thầy Nguyễn Ngọc Anh (giáo viên Trường THPT Quỳnh Lưu 1, huyện Quỳnh Lưu) cho biết: Hiện chưa có hướng dẫn cụ thể nào cho môn GDCD cũng như giới hạn kiến thức thi nằm trong chương trình lớp 12 hay cả 3 năm phổ thông. Vì thế, tôi mong Bộ và Sở GD&ĐT sớm có chỉ đạo, hướng dẫn để định hướng cho giáo viên và học sinh dạy học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ